Đánh giá về kết quả sau 5 năm thực hiện Đề án BVVT năm 2013-2018 và kế hoạch 2018-2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau 5 năm có 127 BVVT của 23 BV hạt nhân, trong đó có 109 BV tuyến tỉnh, 13 BV tuyến huyện, 5 BV tư nhân. 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.
Hiện nay, các BV tuyến dưới đã triển khai nhiều kỹ thuật khó trong ca thiệp tim mạch, sản khoa. Có 85,5% BV trong đề án BVVT có xu hướng giảm tỷ lệ chuyển tuyến. Đặc biệt tại tỉnh Quảng Ninh và Phú thọ, tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn dưới 1%.
Trong 5 năm, Đề án BVVT tiến hành 950 lớp đào tạo, chuyển giao 171 gói kỹ thuật với gần 2.000 kỹ thuật gồm các chuyên ngành: Ngoại khoa, tim mạch, nhi khoa, hồi sức, sản khoa, huyết học truyền máu, ung bướu, nội tiết, bệnh nhiệt đới.
Trong các gói kỹ thuật này, có nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu được chuyển giao cho các BV hạt nhân chuyển giao như: Phẫu thuật động mạch chủ ngực, động mạch chủ bụng, bắc cầu nối chủ vành; gói hỗ trợ sinh sản của BV Phụ sản Trung ương; phẫu thuật mổ tuyến giáp nội soi của BV Nội tiết trung ương; kỹ thuật ECMO trong điều trị suy hô hấp tiến triển, phẫu thuật cắt gan của BV E…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh: Những kết quả của Đề án BVVT đã từng bước giảm tình trạng quá tải của các BV-đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thực hiện Đề án BVVT góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các BVVT; củng cố lòng tin của người dân với BVVT, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại BVVT, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ BVVT lên BV hạt nhân… Đồng thời, giảm quá tải tại BV hạt nhân ở tuyến trung ương.
Các BVVT đã nâng cao chất lượng chuyên môn; giải quyết được 80% nhu cầu nguyện vọng của tuyến dưới, nâng cao công tác chuyên môn; đa số cán bộ được chuyển giao đã phát huy được hiệu quả…
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, khó khăn nhất hiện nay là nhu cầu phát triển của các BV ở địa phương lớn nhưng kinh phí có hạn, các BV hạt nhân chuyển giao kỹ thuật vất vả, hạn chế nhân lực, cơ chế BHYT khó thanh toán cho các kỹ thuật mới; cơ sở vật chất chưa đáp ứng; BVVT khó giữ bác sĩ ở lại địa phương sau khi được chuyển giao kỹ thuật.
Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn tiếp tục duy trì kết quả của Đề án BVVT giai đoạn 2013-2015, đồng thời căn cứ vào thực trạng quá tải bệnh viện, điều kiện kinh tế xã hội để mở rộng Đề án.
Bộ Y tế mong muốn bổ sung nhân lực tại các BV được hỗ trợ, đặc biệt là bác sĩ. Tăng cường việc chuyển giao các kỹ thuật và đào tạo tại chỗ, kết hợp chặt chẽ với giám sát sau đào tạo nhằm chuyển giao các kỹ tuật phẫu thuật hiện đại. Đồng thời, kéo dài giai đoạn thực hiện đề án đến giai đoạn 2021-2025 vì nhiều dự án mới thực hiện, một số BV đang xây dựng dự án như BV Phổi Trung ương.