Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục

Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục

Socrates và nhiều nhà hiền triết khác đã từng đặt đi đặt lại câu hỏi “Đạo đức có dạy được không?”. Nghĩa là đạo đức có phải là một tri thức, kĩ năng để có thể truyền dạy, huấn luyện như cách chúng ta vẫn dạy làm toán, làm văn và truyền đạt các tri thức khác hay không? Nếu có thì giống như người dạy toán phải là người giỏi toán, thành thạo kỹ năng giải toán, giáo viên dạy đạo đức có cần đảm bảo là người đạo đức mẫu mực không?

____________

Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục ảnh 1

Mục tiêu giáo dục toàn diện tuy đã có trong Luật Giáo dục, với bạt ngàn những khẩu hiệu, biểu ngữ giăng khắp khuôn viên các trường học, nhưng khi thực hiện lại có sự phân biệt giữa môn chính với môn phụ ở ngay trong trường phổ thông. Điều này khiến các hoạt động liên quan đến giáo dục văn hóa trở thành thứ yếu hoặc mang tính hình thức. Cả giáo viên, phụ huynh, học sinh về cơ bản vẫn coi điểm cao trong bài kiểm tra các “môn chính”, thi đỗ là mục tiêu cuối cùng và cao nhất của giáo dục.

Trong khi đó, ở một số quốc gia bao gồm cả Nhật Bản, giáo dục đạo đức từ lâu đã được quan niệm phải tiến hành tổng thể ở mọi hoạt động của học sinh, trong trường học cũng như ngoài đời sống sinh hoạt, tiếp cận bằng tất cả các môn học. Những nhà quản lý đã cảnh giác và không đánh giá cao việc dạy đạo đức theo lối giáo huấn, thuyết giảng, hô và giăng khẩu hiệu. Bởi giáo dục đạo đức sẽ hầu như không có hiệu quả, thậm chí phản tác dụng nếu chỉ dùng ngôn ngữ để “dạy” đạo đức cho học sinh.

Muốn học sinh lĩnh hội được các giá trị đạo đức và hành xử theo đúng những gì được dạy thì môi trường trong nhà trường và những ai thuộc về nhà trường, thông qua tất cả hành vi, thái độ, ngôn ngữ của mình phải thực hành các giá trị đó để tác động và dẫn dắt học sinh. Tuy nhiên trên thực tế, có bao nhiêu người lớn đủ can đảm và nhẫn nại để thực hành đạo đức trong trường cũng như ngoài xã hội?

Và khi giáo dục đạo đức được dạy không khác các môn văn học, lịch sử, địa lý, nghĩa là chủ yếu dùng ngôn ngữ để thuyết giảng và học sinh cũng chủ yếu học thông qua nghe, đọc, viết thì giáo dục đạo đức sẽ trở thành hình thức, thuyết giáo viển vông. Kết quả là càng dạy đạo đức, càng hô khẩu hiệu thì học sinh càng nghi ngờ thế giới của người lớn và phản kháng.

Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục ảnh 2
Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục ảnh 3

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu”.

Tiếp thu ý kiến đó, phát biểu trong phiên bế mạc của hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu rõ quan điểm nếu mất văn hóa thì phải mất nhiều thế hệ để khắc phục, thậm chí là sụp đổ. Cần kiên trì chấn hưng văn hóa và điều này phải bắt đầu từ giáo dục.

Theo nhà nghiên cứu giáo dục và lịch sử Nguyễn Quốc Vương, để chấn hưng văn hóa theo hướng giáo dục có hiệu quả phải tiến hành song song ở cả hai chiều từ trên xuống và từ dưới lên. Với chiều từ trên xuống, cần có những chiến lược vĩ mô từ cấp cao nhất của nhà nước. Từ phía từ dưới lên là đi từ bất cứ cá nhân, bất cứ gia đình nào. Giáo dục sẽ là nơi giao thoa giữa hai dòng “từ trên xuống” và “từ dưới lên”.

Thông qua giáo dục để chấn hưng văn hóa là công việc quan trọng. Tuy nhiên, nên hiểu câu nói của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam một cách đầy đủ rằng giáo dục chỉ là bộ phận trong một chỉnh thể lớn. Cần có sự chấn hưng toàn diện kéo theo để tạo ra môi trường thích hợp cho chấn hưng văn hóa trong giáo dục.

Theo ông Vương, nhìn tổng thể có thể chưa hài lòng với giáo dục văn hóa trong trường học. Tuy nhiên ở chỗ này chỗ kia, vẫn có thể nhìn thấy những điểm sáng, và trong đó sự năng động cũng như xoay xở của các trường học hiện nay là rất đáng ghi nhận.

Những ngôi trường tư, trường quốc tế đã mở ra rất nhiều câu lạc bộ để học sinh thưởng thức, học hỏi các giá trị văn hóa, loại hình văn hóa của dân tộc và quốc tế. Nhiều trường đã tích cực biến chương trình giáo dục văn hóa dân tộc trở thành một nội dung chính khóa quan trọng. Còn ở một số trường công lập, dù bị bó buộc bởi chương trình giáo dục và thời gian, nhưng đã có những điều chỉnh nhất định để nhấn mạnh vào giáo dục văn hóa, lồng ghép chủ đề này với các giờ chính khóa cũng như hoạt động ở mảng câu lạc bộ.

Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục ảnh 4
Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục ảnh 5

Là người thường được mời làm diễn giả trong các buổi chia sẻ về sách, cách đọc sách với giáo viên và học sinh, ông Nguyễn Quốc Vương chia sẻ, nhìn tổng thể, văn hóa đọc từng trở nên khá xa lạ với hoạt động giáo dục tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Giáo viên, học sinh tuy dạy và học nhưng không đọc gì ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo, bộ đề, sách thiết kế bài giảng và tài liệu luyện thi. Các thư viện trường học vì thế chỉ tồn tại mỗi cái tên hoặc hoạt động cầm chừng.

Tuy nhiên trong khoảng 5-10 năm trở lại đây, nhiều trường đã bừng tỉnh và chuyển mình rất nhanh. Ông Vương kể, khi ông tới một vài trường tiểu học ở Yên Mô (Ninh Bình) ông đã tận mắt chứng kiến thầy hiệu trưởng và thầy cô giáo ở đây vô cùng quan tâm tới việc đọc sách của học sinh. Cho dù kinh phí được cấp rất nhỏ nhưng nhà trường đã mua thêm sách, chấn chỉnh lại hoạt động của thư viện, tổ chức nhiều buổi giao lưu khuyến đọc với các diễn giả là tác giả, dịch giả, nhà hoạt động xã hội… Hay như ở Thanh Hóa, ông từng đến nói chuyện với học sinh ở trường liên cấp Đông Bắc Ga nhiều lần. Đây là một trường tư. Thư viện của trường có nhiều sách và học sinh, nhất là học sinh tiểu học được nhân viên thư viện hướng dẫn đọc sách rất bài bản. Kết quả là học sinh yêu sách và có hiểu biết rất phong phú ngoài các thông tin biết được từ sách giáo khoa.

Ở những địa phương khác trên cả nước, cũng có rất nhiều mô hình tương tự như những ngôi trường trên. Đó là những trường đã làm tốt các hoạt động liên quan đến văn hóa đọc, từ đó tạo nền tảng cho học sinh tiếp thu đạo đức một cách chủ động, có động lực để học tập thật sự thay vì đối phó với thi cử.

Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục ảnh 6

Người Nhật dạy đạo đức như thế nào? Ở Nhật sau 1945, môn Đạo đức vắng bóng khỏi trường học phổ thông trong thời gian gần một thế kỷ và nó chỉ xuất hiện trở lại trong trường học vài năm trở lại đây với tên gọi rất thận trọng là “giờ học đạo đức”, gần đây nhất (2017) là môn “Đạo đức”.

Sau 1945, đặc biệt là khi hiến pháp mới (1946) của Nhật được công bố với ba trụ cột là “hòa bình”, “dân chủ”, “tôn trọng nhân quyền”, giáo dục Nhật đã từ bỏ giáo dục quân phiệt để trở thành giáo dục dân chủ. Trong nền giáo dục ấy, giáo dục văn hóa, giáo dục đa giá trị trở thành nội dung giáo dục quan trọng. Giáo dục văn hóa ở Nhật được thực hiện thông qua nội dung chính khóa với các môn học quan trọng như “Đời sống”, “Nghiên cứu xã hội”, “Xã hội hiện đại”, “Luân lý”, “Kinh tế-Chính trị”, “Quốc ngữ”, “Công dân”, “Giờ học đạo đức” (sau là Môn Đạo đức)… và các hoạt động của câu lạc bộ. Ở Nhật Bản, hoạt động câu lạc bộ rất quan trọng. Từ tiểu học bắt đầu có các câu lạc bộ phong phú và đến THCS nó trở thành bắt buộc.

Thông qua các hoạt động câu lạc bộ giàu tính tự lập này, học sinh được hưởng thụ văn hóa và tham gia sáng tạo ra giá trị văn hóa. Các nghi lễ trường học cũng là một phương tiện-hoạt động quan trọng để trường học giáo dục văn hóa cho học sinh như Đại hội thể dục thể thao, Ngày của biển, Ngày của mẹ, Ngày của bé trai, Ngày của bé gái, Ngày người cao tuổi, Lễ hội Tanabata… Trong các nghi lễ trường học đó, học sinh luôn đóng vai trò chủ thể và chính yếu, người lớn rút lui vào hậu trường với vai trò dõi theo và hỗ trợ.

(Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương)

Bài: Trần Văn Mạnh - Nguyệt Linh

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.