Nguyên Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Việt Nam thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, thúc đẩy cơ chế tại UNESCO

Nguyên Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Việt Nam thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, thúc đẩy cơ chế tại UNESCO

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Tạp chí Ngày Nay đã có buổi gặp và ghi nhận những chia sẻ của Nguyên Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO về hoạt động của Việt Nam tại diễn đàn đa phương này trong năm 2023 vừa qua.

Đóng góp vào bức tranh đa dạng văn hóa của nhân loại

Năm 2023 tiếp tục là một năm ghi nhận nhiều thành công của Việt Nam tại UNESCO. Xin Nguyên Đại sứ nhận xét về những thành công này, đặc biệt là khía cạnh bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa?

Nguyên Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Các lãnh đạo ở UNESCO đều đánh giá rất cao đóng góp của Việt Nam từ phương diện lý luận, cho tới các hành động trong thực tiễn. Với 15 Di sản văn hóa phi vật thể, 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Việt Nam là quốc gia có số lượng di sản được UNESCO ghi danh cao trong nhóm các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này thể hiện những nỗ lực của chúng ta trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở tầm quốc gia, đóng góp vào bức tranh đa dạng văn hóa chung của nhân loại.

Thời gian vừa qua, Việt Nam cũng lần đầu tiên tham gia cùng lúc 05 cơ chế điều hành quan trọng hàng đầu của UNESCO. Sự kiện này giúp Việt Nam có cơ hội tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO nói chung và về văn hóa nói riêng, nâng nhận thức về tầm quan trọng của di sản vì đây không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa và gắn kết xã hội mà còn là động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững.

Trong khía cạnh hoàn thiện luật, từ nỗ lực trong cả quá trình, Việt Nam tiếp tục chia sẻ tích cực các kinh nghiệm của mình tới nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước rất mong Việt Nam tham gia vào các ủy ban để chia sẻ với họ từ quá trình hoàn thiện luật cho đến xây dựng hồ sơ ghi danh di sản, đây là những điều không hề dễ với các nước đang phát triển, các nước châu Phi và các nước đảo nhỏ. Với tư cách thành viên Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, đặc biệt là tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chúng ta đang làm rất tốt những điều trên.

Nguyên Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Việt Nam thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, thúc đẩy cơ chế tại UNESCO ảnh 1

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, mong nguyên Đại sứ cho biết những đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn học thuật, các khuyến nghị trong việc ghi danh và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể?

Nguyên Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên tham gia Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003). Dù vậy trước khi Công ước ra đời, chúng ta là một trong số quốc gia sớm đưa giá trị, tinh thần bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vào luật về di sản văn hóa từ năm 2001, sau đó tiếp tục sửa đổi luật năm 2009, hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật cho các năm tiếp theo.

Trong 20 năm qua, từ góc độ hoàn thiện luật, có thể thấy Việt Nam thể hiện tinh thần, nội dung của Công ước 2003 một cách đậm nét trong luật pháp, các chương trình, dự án về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, cũng như trong các chiến lược, các chương trình về phát triển kinh tế-xã hội nói chung.

Không chỉ tham gia Ủy ban liên chính phủ về Công ước 2003, Việt Nam còn cử chuyên gia tham gia hội đồng thẩm định. Chúng ta có hai lần cử chuyên gia với lần đầu là TS. Lê Thị Minh Lý và lần tiếp theo là GS.TS Nguyễn Thị Hiền. Các chuyên gia đều được lựa chọn kỹ lưỡng, đủ tiêu chí đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có tầm quốc tế, được đánh giá cao qua chuyên môn, năng lực, sự chuyên nghiệp và công tâm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hành, trao truyền để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng.

Chúng tôi từng nhiều lần chứng kiến bạn bè thế giới bày tỏ ấn tượng trước số lượng 15 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh của chúng ta. Để làm được điều này, cần ghi nhận nỗ lực của cộng đồng, những người làm chính sách, các bộ ngành, lãnh đạo, đây là điều đang được thể hiện từ chính sách cho đến thực tiễn tại Việt Nam.

Một trong những dấu ấn khác là việc Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên đề nghị chuyển đổi loại hình từ Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với trường hợp di sản Hát Xoan Phú Thọ. Qua đây, chúng ta đã tạo ra một tiền lệ mới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi loại hình di sản ở các quốc gia khác. Có thể nói, việc chuyển đổi loại hình thể hiện nỗ lực của quốc gia trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Nguyên Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Việt Nam thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, thúc đẩy cơ chế tại UNESCO ảnh 2

Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO tại Saudi Arabia ngày 16/9/2023.

Di sản văn hóa là động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững

Có thể thấy thành tựu của Việt Nam đóng góp không nhỏ vào các hoạt động của UNESCO. Theo Nguyên Đại sứ, đâu là lý do giúp Việt Nam đạt được những thành tựu trên?

Nguyên Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Các thành tựu là tổng hòa của nhiều yếu tố. Đầu tiên và quan trọng nhất phải kể đến là đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về vai trò của văn hóa và phát triển văn hóa rất toàn diện và rõ ràng, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại. Hội nghị văn hóa toàn quốc nhấn mạnh, văn hóa là ”hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”, văn hóa là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt nhiệm vụ “phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”. Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030... tạo khuôn khổ cho triển khai hiệu quả ngoại giao văn hóa. Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá cao chủ trương, tầm sâu của văn hóa Việt Nam vì so với thế giới, chúng ta còn đi trước. Đây cũng là kết quả của việc triển khai hiệu quả chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương như tinh thần của Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư, với phương châm chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương, trong đó có các cơ chế then chốt của UNESCO, từ Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 cho đến Ủy ban Di sản Thế giới.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2022, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay từng nhận định Việt Nam là “điển hình mẫu mực” của mô hình hài hoà giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân. Đặc biệt, tại Hội nghị quốc tế về “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” tháng 7 vừa qua tại Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về ưu tiên Châu Phi và quan hệ đối ngoại nhấn mạnh vai trò thành viên chủ động, tích cực, trách nhiệm của Việt Nam tại UNESCO, nhất là trong trong công tác bảo tồn, gìn giữ các di sản thế giới cho các thế hệ mai sau. Các Lãnh đạo UNESCO đều ấn tượng trước đất nước, con người, truyền thống, lịch sử của Việt Nam – một đất nước phát triển năng động, hội nhập sâu rộng, đổi mới sáng tạo, song cũng đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong cuộc trò chuyện, Nguyên Đại sứ nhiều lần nhắc đến xu hướng UNESCO đang thúc đẩy, xin Đại sứ nói rõ hơn về xu hướng này?

Nguyên Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Việc gắn kết di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa gắn với sáng tạo là xu thế đang được UNESCO thúc đẩy mạnh mẽ. Cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi tham dự Hội nghị về Di sản văn hóa là động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững tại Napoli (Italia). Đây là hội nghị có sự tham dự của Tổng giám đốc, các đại diện Ban thư ký 03 công ước của UNESCO cùng rất nhiều nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia.

Tại đó, văn hóa được nêu bật là tài sản toàn cầu, các di sản văn hóa phải tạo ra sự gắn kết chung giữa các loại hình, đồng nghĩa với việc gắn kết 03 công ước là Công ước 1972, Công ước 2003 và Công ước 2005. Trong đó các nước đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần có một cách tiếp cận tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, từ đó di sản thực sự là sức mạnh nội sinh, trở thành động lực cho sự tự cường và phát triển bền vững. Qua xu hướng này, vai trò trung tâm của con người, cộng đồng, các chủ thể sáng tạo, của những người trao truyền và bảo tồn di sản cũng được UNESCO tập trung thúc đẩy.

Nguyên Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Việt Nam thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, thúc đẩy cơ chế tại UNESCO ảnh 3

Tháp tùng Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam từ 5-7/9/2022.

Với những thành công đạt được cùng sự nỗ lực hành động theo xu hướng chung, xin Nguyên Đại sứ chia sẻ hướng đi tương lai của Việt Nam tại UNESCO?

Nguyên Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Việc bảo tồn văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là bài toán đặt ra với nhiều quốc gia, không riêng Việt Nam. Với xu thế hiện tại là nhấn mạnh vào vai trò trung tâm của cộng đồng, của người bảo tồn, thực hành và trao truyền di sản, để làm được điều này cần có quan hệ đối tác nhiều bên, với không chỉ nhà nước, các bộ ngành, địa phương mà còn kết nối cộng đồng, chuyên gia, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để đóng góp những hành động vào nỗ lực chung.

Gần đây, Việt Nam và các nước quan tâm mạnh mẽ đến khía cạnh giáo dục di sản. Bởi giáo dục di sản sẽ nâng cao nhận thức, truyền lòng tự hào cho thế hệ trẻ về các giá trị, lan tỏa cảm hứng để họ nỗ lực tiếp bước các thế hệ đi trước, giúp di sản thực sự là “di sản sống” trong lòng của nhiều cộng đồng, của truyền thống dân tộc, đóng góp cho sự phát triển. Có rất nhiều đề xuất từ việc hợp tác quốc tế, Việt Nam không chỉ tham gia vào các ủy ban mà còn thúc đẩy quá trình tham gia, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ những điển hình tốt, nâng cao năng lực. Bản thân Việt Nam cũng đang nỗ lực nâng cao năng lực nội tại qua việc nâng cao năng lực cho cộng đồng, cho những người thực hành di sản, và chúng ta cũng đang tích cực hỗ trợ bạn bè quốc tế trên khía cạnh này.

Việt Nam cũng tăng cường vai trò cho thanh niên bởi thế hệ trẻ chính là chủ nhân của tương lai. Bên cạnh thanh niên, vai trò của phụ nữ cũng đang được đề cao. Tôi nghĩ đây là xu thế chung các quốc gia hướng tới và Việt Nam đang làm rất tốt, chúng ta sẽ tiếp tục những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Nguyên Đại sứ Lê Thị Hồng Vân: Việt Nam thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, thúc đẩy cơ chế tại UNESCO ảnh 4

Ảnh chụp tại sự kiện Việt Nam trúng cử thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Xin cảm ơn Đại sứ đã dành thời gian chia sẻ!

Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 nhiệm kỳ 2022 - 2026 với số phiếu cao nhất (năm 2022) và bầu vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với số phiếu cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương (năm 2023) dù chúng ta ở trong nhóm cạnh tranh nhất. Kết quả của các lần bầu cử thể hiện sự tin cậy của bạn bè quốc tế đối với khả năng đóng góp, năng lực điều hành của Việt Nam tại các cơ chế đa phương ở UNESCO, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, di sản.

TIN LIÊN QUAN
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An có vẻ đẹp cảnh quan là các cánh đồng lúa; vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình xem xét không thực hiện việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang đất khu đô thị để tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tạo nên giá trị của di sản.
Yêu cầu tỉnh Ninh Bình không làm ảnh hưởng xấu tới Di sản Tràng An
(Ngày Nay) - Liên quan đến đề xuất “xén” một phần cảnh quan thuộc vùng đệm Di sản Quần thể Danh thắng Tràng An để thực hiện dự án Khu Đô thị Ninh Thắng I của UBND tỉnh Ninh Bình; mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những ý kiến cụ thể, trong đó yêu cầu: không thực hiện chuyển đổi đất nhằm tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tạo nên giá trị của di sản.
Lịch sử của linh vật Olympic
Lịch sử của linh vật Olympic
(Ngày Nay) - Trong vòng hơn 50 năm, các vận động viên thi đấu tại Thế vận hội Olympic thường được cổ vũ bởi những linh vật độc đáo và ngộ nghĩnh.
Mối nguy hại tiềm tàng của mực xăm chứa vi khuẩn
Mối nguy hại tiềm tàng của mực xăm chứa vi khuẩn
(Ngày Nay) - Theo nghiên cứu mới của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), mực xăm hình và mực phun xăm thẩm mỹ được được đóng bao bì kín, trong đó có cả những loại được đánh dấu vô trùng, chứa hàng triệu vi khuẩn có nguy cơ gây bệnh.
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
(Ngày Nay) - Ngày 24/7, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Chiều 27/8/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chuyến thăm, làm việc tại Hà Giang nhằm kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cán bộ, nhân viên lực lượng liên ngành Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Ảnh tư liệu: Trí Dũng
Thực hiện lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nơi cực Bắc thân yêu của Tổ quốc
(Ngày Nay) - Lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” đã trở thành kim chỉ nam để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực công tác, ra sức giữ gìn, bảo vệ uy tín, sức mạnh của Đảng, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân...