Không chỉ là gương mặt quen thuộc trong giới hội họa, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy còn nức tiếng làng báo khi nhiều tác phẩm của chị được sử dụng làm trang bìa cho các ấn phẩm báo chí, trong đó có Tạp chí Ngày Nay.
Đặc biệt trong những ngày đầu năm Giáp Thìn, sự kết hợp giữa “Rồng muôn sắc” của Nguyễn Thu Thủy và công nghệ gắn chip định danh Nomion đã mang đến tính độc đáo, riêng có cho số báo Tết 2024 của chúng tôi.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, Ngày Nay đã có buổi trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Thu Thủy về loạt tác phẩm mới nhất của chị cũng như sự hứa hẹn của công nghệ định danh số trong kỳ vọng gia tăng tương tác giữa công chúng và nghệ thuật.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy. |
Thưa họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, chị có thể chia sẻ về quá trình sáng tạo của chị với biểu tượng rồng, linh vật của năm 2024?
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy: Rồng là một linh vật đặc biệt, khá khó để đưa vào tác phẩm. Khó ở chỗ, tôi không muốn vẽ giống như cách rồng vẫn được biểu hiện trong lịch sử. Bởi nếu vẽ theo cách thông thường sẽ thể hiện linh vật này trong một hình thức khuôn mẫu, không còn đặc trưng riêng của cá nhân họa sĩ. Vì thế, khó nhất đối với tôi là làm thế nào để vẽ rồng không giống rồng truyền thống, nhưng nhìn vẫn ra rồng (cười).
Từ năm 2020, tôi bắt đầu theo đuổi phong cách đa giác (polygon), áp dụng hình thức này vào sáng tạo hình tượng các loài vật. Tuy nhiên rồng là một “ca khó”, bởi nó uốn lượn, có vây, có vảy, lại có mào rồi sừng, râu… Trong khi đó, mục đích của tôi lại là vẽ một con rồng để người thưởng thức không chỉ thấy rồng mà còn có thể tưởng tượng nhiều hình ảnh thú vị khác.
Để sáng tạo nên hình tượng rồng cho năm nay, tôi phải tìm sách đọc, tham khảo để tổng hợp hình tượng rồng qua các thời kỳ, chọn cho mình mình một cách thể hiện riêng. Trong quá trình đó, phải làm sao để dù thể hiện trên thể loại và chất liệu hiện đại, nhưng rồng vẫn có độ mạnh mẽ, bề thế, bởi đây là linh vật tượng trưng cho sự bay lên, hưng thịnh, phát triển, quyền lực.
Tuy nhiên, trong sự bề thế đó, rồng vẫn chứa đựng vẻ vui tươi cho ngày tết. Đặc biệt, với thể loại đa giác, rồng trở thành một linh vật đa sắc màu, lấp lánh như những đóa hoa, những mảnh pha lê của lăng kính vạn hoa lấp lánh, như một khu vườn xuân đua nở chứ không giản đơn là rồng.
"Rồng muôn sắc" trong loạt tác phẩm mừng năm Giáp Thìn 2024 của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy. |
Vậy còn quá trình sáng tác nên “Rồng muôn sắc” thì sao?
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy: Với thể loại đa giác (polygon), đa phần các họa sĩ quốc tế thường thể hiện tác phẩm dưới hình thức digital art. Nhưng trong khoảng 4 năm trở lại đây, tôi không chỉ phát triển tranh polygon trong môi trường số mà thể hiện lên canvas, với chất liệu acrylic trên toan. Trong quá trình thực hiện trên toan, các đa giác sẽ được chia nhỏ hơn so với phác thảo đồ họa ban đầu, tăng độ khúc xạ, phản chiếu màu sắc và ánh sáng.
Có thể nói bản acrylic trên toan của “Rồng muôn sắc” khá tương phản, các mảng tối nhiều hơn, vì vậy để đảm bảo yếu tố của một tờ báo Tết, tôi đổi màu của bản tranh gốc tăng thêm sắc tím, hồng và xanh. Bởi thế, ấn bản trên Ngày Nay là bản định dạng đồ họa đã được hiệu chỉnh màu sắc cho long lanh, rực rỡ, có thể nói là Xuân và nhuận sắc hơn.
Theo chị, vì sao giữa rất nhiều tác phẩm về rồng đón năm mới, bức tranh "Rồng muôn sắc" lại được lựa chọn làm bìa báo Tết của Ngày Nay?
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy: Khoảng thời gian từ cuối năm 2023, nhà báo Phạm Hữu Quang (Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay - PV) liên tục giục giã, cứ hai ba ngày lại nhắn tin hỏi tôi, “Rồng đâu rồi?”, "Vẽ tranh rồng đi!"... Sau một thời gian suy nghĩ nung nấu và bắt đầu vào guồng, tôi lại phác thảo được 5 bức về rồng. Dù vậy, bức “Rồng muôn sắc” được Ngày Nay chọn bản thân đã rất phù hợp vì nó có khuôn khổ của một tờ báo.
Có thể nói, “Rồng muôn sắc” không phải một hình tượng rồng rõ ràng, độc lập mà có sự ẩn hiện, uốn lượn. Loạt tranh còn lại, rồng được thể hiện rõ rệt hơn với bố cục chính giữa, đặt trên một khung hình chữ nhật. Với bức tranh Ngày Nay lựa chọn, rồng không theo bố cục trục giữa mà hơi lệch, tư thế xoắn vặn, uốn khúc, ẩn tàng chứ không hiển hiện toàn phần. Dù ý nghĩa hay hình khối, khuôn khổ, tôi đều cảm thấy một sự xứng hợp với một tờ báo mang đậm chất văn hóa như Ngày Nay.
Sở hữu gia tài sáng tác phong phú, mỗi năm chị đều cho ra mắt các loạt tác phẩm lấy cảm hứng từ 12 con giáp. Vậy với năm Giáp Thìn 2024 và loài rồng, chị có thể chia sẻ những điểm mới trong việc sáng tạo từ chất liệu này?
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy: Như đã nói, tranh của tôi theo dòng đa giác. Đối với gốm, mọi năm tôi thường làm búp bê con giáp nhưng rồng cần nhiều nỗ lực hơn để sáng tạo. Trước đây, đã có nhiều họa sĩ đi theo con đường nhân hóa, biến rồng thành hình người, thường là thân người và đầu rồng. Tôi không muốn đi theo lối đó nên tìm kiếm sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Năm nay với gốm, tôi đưa hình tượng rồng vào trong một khối tượng tròn. Đây là loạt tác phẩm tôi đã theo đuổi sáng tác trong thời gian gần đây mang tên “Vòng Saṃsāra”. Saṃsāra trong tiếng Phạn có nghĩa là vòng xoáy luân hồi, thể hiện không chỉ sự ổn định mà còn phát triển. Sau COVID-19, chúng ta đã sang một chặng đường mới, một lộ trình mới, những điều thế giới đã trải qua sau dịch bệnh sẽ khởi đầu cho sự hồi sinh và vòng tròn này tượng trưng cho sự hồi sinh đó. Ở một khía cạnh khác, vòng tròn cũng tượng trưng cho con mắt để chúng ta quan sát thế giới, thể hiện nhân sinh quan và sự chủ quan của người nghệ sĩ. Đó là lý do tôi theo đuổi loạt tác phẩm điêu khắc tượng tròn và đưa hình tượng rồng vào tượng tròn.
Hình tượng Rồng được khai thác khá phổ biến trên đĩa, bình, ấm, chén… Tuy nhiên khi đưa rồng vào điêu khắc tượng tròn tôi đã sử dụng những chất liệu truyền thống như Đại thanh, men rạn, họa tiết cúc cổ, cúc hoa dây kết hợp với hoa văn phượng hoàng, mây, mặt trời, lửa…, thể hiện kết hợp trên một khối hình đương đại.
Cho đến tác phẩm sau cùng của loạt sáng tạo này, tôi đổi nền men nâu cánh gián, trên đó vẽ men sắc màu, xanh đỏ, vàng cam, rất rực rỡ. Điều này không chỉ mang lại hiệu ứng thay đổi về hình mà còn về chất, khác với cách thức truyền thống thường thấy của hình tượng rồng.
Với 300 ấn phẩm sử dụng công nghệ định danh số, Ngày Nay đã đi đầu trong làng báo qua việc bắt kịp công nghệ mới mẻ này. Được biết các tác phẩm của chị và một số họa sĩ khác cũng đang sử dụng công nghệ này. Xin chị chia sẻ rõ hơn về tiềm năng của định danh số trong nghệ thuật?
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy: Tôi nghĩ định danh số thể hiện sự kết hợp của nghệ thuật với công nghệ. Về bản chất, định danh số giúp minh bạch hóa các giao dịch của tác phẩm. Lâu nay, các họa sĩ thường phát hành kèm tác phẩm một chứng nhận bản quyền, sau đó nếu tác phẩm được mua qua các trung gian môi giới nghệ thuật sẽ có thêm giấy tờ bảo chứng cho sự chuyển nhượng. Điều này sẽ dẫn đến việc chúng ta khá tốn kém cho các loại giấy tờ và cần chú ý công tác bảo quản.
Với hình thức định danh số, chỉ cần một chip nhỏ và chiếc điện thoại, chúng ta có thể tiếp cận toàn bộ hệ thống thông tin về tác phẩm và có thể cập nhật thông tin đó theo thời gian. Nó cũng tạo điều kiện để người nghệ sĩ có thể kể câu chuyện sáng tạo với những ý tưởng và tuyên ngôn nghệ thuật với người sở hữu và công chúng một cách thuận tiện, nhanh chóng, đặc biệt được minh bạch nơi môi trường số.
Đồng thời, định danh số cũng mở ra những cơ hội để có những kết nối khi tác phẩm đi ra nước ngoài. Khi đó, định danh số không chỉ thể hiện quyền sở hữu của người sưu tầm mà còn có thông tin liên quan đến tác giả, tác phẩm cùng những câu chuyện mà người nghệ sĩ muốn kể. Nếu chúng ta chỉ có chứng nhận, rất khó để kể câu chuyện đầy đủ, đa chiều, đa phương tiện, đa ngôn ngữ về tác phẩm.
Thưa họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, chị đã từng sử dụng công nghệ này vào các tác phẩm của mình chưa? Nếu rồi, những người sưu tầm của chị có phản hồi như thế nào?
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy: Định danh số về bản chất sẽ dẫn đến một đường link, việc tổng hợp thông tin sẽ do nghệ sĩ quyết định. Đường link đó có thể đính có kèm video, ảnh… không khác một hướng dẫn thông qua audio guide, QR-code để chỉ dẫn mẫu vật mà các bảo tàng hiện đại đang sử dụng. Từ đây, công chúng được tạo điều kiện một cách không giới hạn để tiếp cận kho dữ liệu của một hoặc nhiều nghệ sĩ.
Vừa rồi, tôi có làm 50 phiên bản limited ly gốm mang tên “Tình xuân” vẽ hoa đào trên nền men nâu cánh gián và gắn chip định danh để cho tặng cho những đại sứ văn hóa. Với sản phẩm như vậy, bên cạnh giá trị nghệ thuật, mọi người được tiếp cận với điều gọi là cá nhân hóa, qua đó cảm thấy được tôn vinh, được nâng cao quyền sở hữu. Bản thân mỗi chiếc ly gốm đã kể câu chuyện riêng về tác phẩm, câu chuyện về tác giả và câu chuyện của người sở hữu, tức là những người sử dụng tác phẩm đó làm quà tặng.
Càng ngày, trong xã hội có quá nhiều thứ giống nhau, mọi người có xu hướng được cá nhân hóa và đặc biệt là cá nhân hóa quà tặng, làm quà riêng cho một ai đó. Yếu tố định danh lúc đó sẽ khẳng định quyền sở hữu ở mức độ cao hơn thế. Vì vậy, tôi đang cộng tác với bên phát triển công nghệ để triển khai công nghệ này trên các tác phẩm của mình, đặc biệt với những tác phẩm sẽ đến được với các nhà sưu tầm nước ngoài cũng như công chúng quốc tế.
Ấn bản đặc biệt Tết Giáp Thìn 2024 gắn chip định danh Nomion của Tạp chí Ngày Nay. |
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy (1977) là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành CLB Gốm Nghệ thuật, Chi hội phó Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Chị cũng là TS quản lý văn hóa, giảng viên tại Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy từng đoạt giải nhất thiết kế logo cho Hội Sinh viên Việt Nam, Đại hội Thi đua Toàn quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân Việt Nam… cùng nhiều giải thưởng khác trong thiết kế logo và tranh cổ động trong nước và quốc tế. Chị cũng từng được Huy chương đồng Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2005-2009.Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy từng tham gia hơn 30 triển lãm trong nước và quốc tế.