Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm 4 chương, 18 điều, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Đề cập đến quy định đối tượng không chịu thuế trong dự thảo Luật, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, ở Điều 5, Điểm 25 trong dự thảo Luật quy định đối tượng không chịu thuế là: “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ hai trăm triệu đồng trở xuống, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ…”. Với mức doanh thu hằng năm hai trăm triệu đồng thì doanh thu một tháng chỉ 16 triệu đồng. Nếu tính tỷ suất lợi nhuận bán hàng 6%, thu nhập nhận được một tháng sẽ là 1 triệu đồng. Việc quản lý thuế với cả các cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu nhỏ sẽ gia tăng chi phí thực hiện thu, hiệu quả thu ngân sách không cao. Do đó, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu nâng mức doanh thu chịu thuế lên 360 triệu đồng, tức là 30 triệu đồng/tháng, vừa giảm chi phí quản lý thuế, giảm chi phí xã hội và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh.
Mặt khác, theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, phát triển kinh tế nội địa, chuyển đổi hộ kinh doanh, cần có chế độ kế toán, thuế đơn giản, phù hợp. Vì thế, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa kiến nghị giảm thuế suất thuế trực tiếp để khuyến khích áp dụng hình thức tính thuế này, đặc biệt là hoạt động sản xuất, vận tải, xây dựng. Cụ thể, áp dụng tỷ lệ % tính thuế trực tiếp với Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu là 3%, thay vì 5% như dự thảo Luật; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu là 2%, thay vì 3% như dự thảo.
Theo ông Võ Tiến Dũng, đại diện Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh, ở Khoản 13, Điều 5, đối tượng không chịu thuế là “Hoạt động dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp”. Trên thực tế, liên quan đến hoạt động giáo dục, dạy nghề, còn nhiều khoản thu khác như tiền ăn, thuê xe đưa đón… thì các khoản thu này có chịu thuế không? Do đó, ông Dũng cho rằng, khi ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật cần lưu ý vấn đề này, nếu không sẽ khó thực hiện trong thực tiễn, nhất là ở các trường công lập.
Mặt khác, ông Võ Tiến Dũng cho biết, liên quan đến quy định mức thuế suất 0%, qua ghi nhận thực tế hiện nay có tình trạng “ép” các dịch vụ vào dạng dịch vụ cung cấp cho hoạt động xuất khẩu để hưởng thuế suất 0%, trong khi dịch vụ đó được tiêu thụ ở nội địa. Trong dự thảo Luật lần này, Ban soạn thảo thu gọn lại các dịch vụ áp dụng mức thuế suất 0%, có lồng trong đó quy định “phục vụ trực tiếp cho hoạt động xuất khẩu”. Quy định “phục vụ trực tiếp” này khi áp dụng vào thực tiễn sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Do đó, Nghị định hướng dẫn Luật phải quy định cụ thể về nội dung này, như thế nào là trực tiếp, như thế nào là gián tiếp, nếu không sẽ khó khăn cho cả cơ quan thuế, người nộp thuế.
Ở góc độ quản lý ngành, ông Nguyễn Chí Cường, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất chuyển nội dung về Phân bón và nội dung về Tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở các Điều b, g, Khoản 2, Điều 9 (mức thuế suất 5%) sang Điều 5 thuộc đối tượng không chịu thuế. Quy định này góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực cũng như vấn đề chủ quyền biển, đảo.