Phóng viên chiến trường: Tự hào lưu giữ khoảnh khắc lịch sử ngày giải phóng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Mỗi khoảnh khắc lịch sử đầy xúc động và tự hào được ghi lại bởi phóng viên chiến trường đều phải đánh đổi bằng sự nguy hiểm, gian khổ và cả xương máu của quân và dân ta.
Các bức ảnh của nhà báo Trần Xuân Quang nay là nguồn tư liệu quý giá về cuộc chiến tranh ác liệt tại Khu 5. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN
Các bức ảnh của nhà báo Trần Xuân Quang nay là nguồn tư liệu quý giá về cuộc chiến tranh ác liệt tại Khu 5. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng, phóng viên TTXVN đã gặp các phóng viên chiến trường tại Khu ủy Khu 5 ngày trước, những nhân chứng sống đã cùng đoàn quân giải phóng vào tiếp quản thành phố những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975.

Khi đất nước bình yên, họ đã lựa chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai để sinh sống và tiếp tục làm nhân chứng cho sự đổi thay, vươn mình của thành phố bên sông Hàn.

Lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử

Nguyên là phóng viên ảnh của Phòng Tuyên huấn, Khu ủy Khu 5, vào những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, ông Trần Xuân Quang thường xuyên theo các cánh quân để tác nghiệp. Mỗi bức ảnh của ông đều phải đánh đổi bằng sự nguy hiểm, gian khổ và cả xương máu của đồng đội nên ông rất trân trọng từng khoảnh khắc được ghi lại.

Trong sự nghiệp phóng viên chiến trường, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là khi đi theo các cánh quân tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Ông nhớ lại, trên đường di chuyển từ Quảng Nam về Đà Nẵng, vẫn còn một vài ổ kháng cự cuối cùng của địch và những ổ phục kích khiến quân ta thiệt hại về người nhưng việc này không làm một phóng viên chiến trường dày dặn kinh nghiệm như ông lo sợ.

Vững tay súng, chắc tay máy, ông ghi lại rất nhiều hình ảnh đắt giá của cuộc chiến như hình ảnh về thời khắc tên lính Mỹ giơ hai tay xin hàng hay cảnh lính ngụy bị áp tải, đi thành hàng dài rời khỏi đồn Sơn Trà và hình ảnh đường phố sau giải phóng...

Cũng trong thời khắc đoàn quân giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng, ông nhanh chóng ghi lại được những hình ảnh đoàn người dân đi ngược ra để ăn mừng sau thời gian dài bị giam lỏng, kìm kẹp trong các ấp chiến lược.

Các bức ảnh quân giải phóng tiến vào đánh chiếm Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1, làm chủ quân cảng Đà Nẵng hay đoàn xe tăng quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975… của nhà báo chiến trường Xuân Quang nay đã trở thành nguồn tư liệu quý giá, thường xuyên được sử dụng trong những ngày lễ lớn của thành phố Đà Nẵng.

Trong lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm thành phố Đà Nẵng sau ngày giải phóng, nhà báo Trần Xuân Quang vinh dự được diện kiến vị tướng tài ba này.

Ông Trần Xuân Quang cho biết tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi nhưng ông cùng các đồng đội chưa được cấp quân hàm, hầu hết chỉ hoạt động du kích, bí mật. Hôm đó là lần đầu tiên gặp và vinh dự được chụp hình cho Đại tướng, ông cảm nhận Đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp đẹp uy nghi nhưng cũng rất gần gũi với chiến sỹ.

Phóng viên chiến trường: Tự hào lưu giữ khoảnh khắc lịch sử ngày giải phóng ảnh 1
Nhà báo Trần Xuân Quang (bên trái) chia sẻ lại những kỷ niệm trong cuộc đời phóng viên chiến trường tại Khu 5. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Truyền tin chiến thắng đến mọi miền đất nước

Cũng như nhà báo Xuân Quang, phát thanh viên Nguyễn Thị Anh Trang của Đài phát thanh giải phóng Khu 5 ngày đó đã trải qua nhiều gian khổ, khó khăn ở căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà. Ngày cùng đoàn quân và các chuyên gia tiến về tiếp quản thành phố Đà Nẵng, bà là người được giao nhiệm vụ đọc bản tin đầu tiên về giải phóng Đà Nẵng trên sóng phát thanh toàn quốc, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 31/3/1975.

Bà Nguyễn Thị Anh Trang bồi hồi nhớ lại, ngày 29/3/1975, khi đang công tác ở căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà, đóng ở núi Hòn Tàu (Quảng Nam), bà được Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 đến đón đi làm nhiệm vụ. Đến căn cứ Hiệp Đức, bà thấy các lều trại đã được dọn dẹp và được nhận lệnh di chuyển cùng đoàn về tiếp quản thành phố Đà Nẵng.

“Khi đó, tôi vừa mừng, vừa lo. Bởi Đà Nẵng là nơi tôi luôn mơ ước được một lần đặt chân đến, để ngắm phố thị sầm uất bậc nhất miền Trung thời bấy giờ. Và chỉ trong vài ngày sau đó, tôi đã trở thành phát thanh viên đọc bản tin đầu tiên về giải phóng Đà Nẵng, một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời,” bà Nguyễn Thị Anh Trang chia sẻ.

Trước ngày đọc bản phát thanh đầu tiên, bà Trang đã dành cả một đêm trắng để tập luyện, bà muốn bản tin đặc biệt này phải truyền tải được tâm thế của người chiến thắng.

Giây phút đọc xong câu cuối cùng của bản tin, bà xúc động đến bật khóc vì biết rằng, đồng bào, đồng chí cả nước sẽ biết được Đà Nẵng được giải phóng. Bản tin này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang đến rất gần.

Ông Đào Duy Căn, một trong 7 cán bộ, kỹ thuật viên được Thông tấn xã Giải phóng điều động từ Hà Nội vào tăng cường cho đài Minh Ngữ tại Khu ủy Khu 5. Những kỷ niệm đầu tiên khi đặt chân vào thành phố Đà Nẵng là sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo bởi những người từng phục vụ cho quân ngụy.

Ngày 29/3/1975, ông Căn là cán bộ đầu tiên của đài được cử về Đà Nẵng sớm để kiểm tra, tiếp quản các công trình, thiết bị liên lạc do tàn quân Ngụy để lại. Ông nhớ như in anh thanh niên trẻ lái ôtô đưa ông và đoàn công tác đi trong thành phố, đây là một người rất nhiệt tình, tự giới thiệu từng bị bắt đi lính Ngụy, sau đã ngộ ra và trở về với cách mạng.

Đến Đài Phát thanh Đà Nẵng, ông tiếp tục được đón tiếp nồng hậu bởi các cán bộ phụ trách đài, trưởng đài là một Trung úy ngụy biệt phái. Họ cho biết đã kháng lệnh cấp trên, không phá hủy các máy móc, thiết bị mà giữ lại đài nguyên vẹn để bàn giao cho quân giải phóng.

Tự hào là công dân Đà Nẵng

Từ sau ngày giải phóng, một số phóng viên, nhà báo chiến trường như ông Căn, bà Trang, ông Quang đã lựa chọn thành phố Đà Nẵng xinh đẹp làm nơi tiếp tục sinh sống, cống hiến, trong đó ông Căn và ông Quang công tác ở Thông tấn xã Việt Nam tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho đến ngày về hưu. Đến nay, các ông bà đều sống chung với con cháu rất hạnh phúc, xây dựng gia đình sung túc, phát triển cùng những bước tiến vượt bậc của thành phố sau ngày giải phóng.

Chia sẻ về sự phát triển của Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Anh Trang cho rằng ngày vào tiếp quản thành phố Đà Nẵng chỉ có một cây cầu bắc qua sông Hàn, đến nay đã có 9 cây cầu rất đẹp, mang tính biểu tượng của thành phố. Còn hai bên bờ sông Hàn trước kia là lau sậy, nhà nhếch nhác nay đã mọc lên nhiều tòa nhà cao tầng khang trang soi bóng xuống dòng sông. Ban đêm, thành phố rực rỡ ánh đèn, đông vui nhộn nhịp, sánh ngang với các thành phố du lịch nổi tiếng của thế giới.

Còn ông Đào Duy Căn tâm sự ngày nay, đường phố Đà Nẵng không còn ổ gà, bụi bặm như xưa mà thay vào đó là những tuyến đường khang trang, sạch sẽ. Thành phố yên bình, được mệnh danh là nơi đáng sống, được nhiều du khách trên khắp thế giới biết đến. Mỗi công dân của thành phố luôn tự hào và cùng nỗ lực, chung tay phát triển thành phố hiện đại, năng động, giàu đẹp lên từng ngày.

Bình luận
Tập di cảo thơ "Những ngày tháng Tám" của nhà thơ, nhà giáo, liệt sĩ Trần Quang Long.
Những kỷ vật đi cùng năm tháng
(Ngày Nay) - Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã trải qua nửa thế kỷ nhưng âm vang hào hùng vẫn vang vọng, lắng sâu trong lòng mỗi người con đất Việt, đặc biệt là khi ta lặng mình trước hàng trăm kỷ vật thiêng liêng đang được trân trọng lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tiêm vắc xin phòng bệnh tại CDC Đồng Nai. (Ảnh minh hoạ)
Bảo đảm thông suốt công tác phòng, chống dịch, tiêm chủng sau sáp nhập các đơn vị y tế
(Ngày Nay) - Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố bảo đảm hoạt động thông suốt, không để gián đoạn làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng sau khi nhập sáp nhập, hợp nhất các đơn vị y tế ở các cấp... là nội dung quan trọng trong công văn số 2513/BYT-PB gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn giao mùa.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 212.000 sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, chủ yếu là vitamin, collagen, glucosamin... do nước ngoài sản xuất.
Thu giữ hơn 200.000 sản phẩm vitamin, collagen không rõ nguồn gốc
(Ngày Nay) - Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh đột xuất kiểm tra, phát hiện và thu giữ trên 25 tấn, tương đương với khoảng 200.000 sản phẩm là vitamin, collagen thuộc lĩnh vực thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Người dân Nhật Bản. Ảnh minh họa
Có đến 68% người Nhật ủng hộ độc lập hơn với Mỹ
(Ngày Nay) - Theo một cuộc khảo sát toàn quốc ở Nhật Bản, khoảng 68% người được hỏi cho rằng Nhật Bản nên theo đuổi lập trường độc lập hơn với Mỹ, ở câu hỏi khác, 77% hoài nghi sự bảo vệ từ Mỹ với nước này.