Nguội lạnh nhà máy cán thép
Trong số này, xót xa nhất là cụm công trình Nhà máy cán thép Cái Lân (gồm nhà máy thép và nhà máy điện) đầu tư dở dang với số tiền giải ngân đã lên đến 2.100 tỉ trên tổng mức hơn 2.430 tỉ đồng. Nhà máy cán nóng thép tấm 500.000 tấn/năm - hạt nhân của cụm công trình này hiện không khác một “ngôi nhà ma” với lau lách bao quanh um tùm. Những lốc máy hàng chục tấn nằm nguội lạnh dưới một lớp bụi dày.
Dẫn chúng tôi đi một vòng nhà xưởng, Vương Văn Thủy, bảo vệ nhà máy, kể đã 6 năm qua, sau lần vận hành thử cho mẻ thép cán đầu tiên hồi giữa năm 2010, máy móc chưa một lần chạy lại dù các hạng mục chính đã hoàn thành khoảng 95%. “Tiếng máy duy nhất anh có thể nghe là của chiếc bơm dưới tầng hầm để tránh nước ngập vào thân máy”, anh Thủy chua chát.
Từng là kỹ sư vận hành chính của nhà máy với mức lương cả chục triệu, nhưng hiện Thủy đành chấp nhận làm bảo vệ hưởng lương 3 triệu đồng. Thủy thú nhận rằng: “Giờ không thể đánh giá nổi tình trạng của các thiết bị vì ngay cả hoạt động chạy không tải để kiểm tra sức khỏe của nhà máy là điều xa xỉ do không thu xếp được kinh phí”. Vừa lấy tay phủi một lớp bụi dày, Phó giám đốc Vũ Văn Bình chỉ cho chúng tôi xem năm và xuất xứ của dây chuyền cán thép. Theo ông Bình, dù thiết bị là “made in China” song dây chuyền này thuộc dạng hiện đại nhất vào những năm 2009, khi xây dựng nhà máy.
“Thực tế, trong 5.000 tấn thép đã ra lò khi chạy thử, chất lượng được quốc tế công nhận với phương pháp thử ASTM của Mỹ. Trong số này có 3.000 tấn được xuất khẩu, đạt các tiêu chuẩn của những tổ chức đăng kiểm tàu biển quốc tế của Na Uy, Anh, Mỹ”, ông Hoàng Việt Văn, Giám đốc nhà máy nhớ lại. Theo báo cáo của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC), dự án Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân với công suất 500.000 tấn/năm có mức đầu tư gần 1.360 tỉ đồng. Đến nay, giá trị thực hiện vào khoảng 1.160 tỉ.
“Dự án vẫn trong tình trạng thực hiện dở dang, chưa được quyết toán, kiểm toán”, báo cáo của SBIC thừa nhận.
Hoang tàn nhà máy điện
Cách đó không xa là công trình Nhà máy điện Cái Lân với mức đầu tư hơn 800 tỉ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Được hoàn thành từ tháng 4.2007 với mục đích chính là cấp điện cho nhà máy thép song thời điểm đó nhà máy thép chưa xong nên toàn bộ sản lượng điện đều được bán cho Tập đoàn điện lực VN (EVN) để hòa lưới quốc gia.
Ông Văn kể, dù có đến 6 tổ máy (mỗi tổ 6,5 MW) nhưng do thiếu phụ tùng thay thế nên trong quá trình sản xuất, các lò phải luân phiên sử dụng thiết bị của nhau vì vậy thực tế chỉ có 3 tổ máy hoạt động. Đến năm 2009, với lý do thiếu phụ tùng lẫn thiếu vốn lưu động, nhà máy điện chính thức ngừng hoạt động. Trạm biến áp 110 KV có giá hơn 200 tỉ thì gắng gượng thêm được 2 năm bằng cách mua điện của EVN rồi bán cho các nhà xưởng trong cụm công nghiệp.
Hiện nay, nhà máy điện cũng đã ngắt kết nối với lưới điện bên ngoài. Các ổ khóa của trạm phủ một màu vàng của sắt gỉ mà có khóa cũng chưa chắc mở được.
Theo đánh giá của bộ chủ quản, hiện các nhà máy điện và thép “đã xuất hiện rõ những hư hỏng, xuống cấp”, doanh nghiệp không thể tiếp tục hoàn thiện, khai thác và có nguy cơ tiếp tục thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Theo đề xuất của SBIC, doanh nghiệp sẽ thuê tư vấn để định giá các nhà máy, từ đó có cơ sở lên phương án xử lý.
“Bán sắt vụn cũng không xong”
Ông Hoàng Việt Văn, Giám đốc nhà máy thép đồng thời là Phó tổng giám đốc Công ty công nghiệp tàu thủy Cái Lân thông tin thêm, trong 3 năm qua, Tổng công ty SBIC đã từng giới thiệu nhiều đối tác ngoại đến từ Nga, Nhật Bản làm việc với công ty để tìm cơ hội hợp tác với nhà máy thép. “Tuy nhiên, phương án bán sắt vụn đã được bàn tới mà đối tác cũng không ngã giá. Kịch bản cán thép thuê cho một vài công ty nội cũng đã được đưa ra nhưng rồi cũng gián đoạn vô thời hạn”, ông Văn nói.
Với nhà máy điện, theo ông Văn, doanh nghiệp đã từng chào giá bán nguyên khối nhưng không ai mua, còn bán sắt vụn cũng không xong vì các chủ nợ không đồng ý. “Trong khi đó, chỉ riêng tiền thuê đất thì hai nhà máy đã nợ lên đến hàng chục tỉ đồng”, ông Văn thở dài.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng việc thuê tư vấn định giá trong hoàn cảnh chưa tìm kiếm được đối tác có khả năng tiếp quản, vận hành nhà máy sẽ làm phát sinh thêm chi phí, càng thêm gánh nặng cho ngân sách và doanh nghiệp. Ông Công cho biết, theo quyết định tái cơ cấu Vinashin năm 2013 thì các dự án kể trên của Công ty công nghiệp tàu thủy Cái Lân thuộc diện bán, chuyển nhượng chứ không trong danh mục giữ lại của SBIC. Bên cạnh đó, tại đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty được ban hành năm 2012 Thủ tướng đã chỉ đạo tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực mà không phân biệt cấp quản lý. “Ngành thép và điện thuộc quản lý của Bộ Công thương. Do đó, tại dự thảo quyết định của Thủ tướng về xử lý tồn tại của các nhà máy này, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ có ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp nghiên cứu dự án để tiếp nhận vận hành, quản lý”, ông Công nói. Ông Công khẳng định, sau khi Bộ Công thương lựa chọn được đối tác tiếp nhận dự án, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo SBIC tổ chức thuê tư vấn xác định giá trị thực tế của hai nhà máy để làm căn cứ bàn giao.
“Những đề xuất này của chúng tôi đã nhận được sự đồng tình của các bộ. Hy vọng nhà máy sẽ sớm tìm được đối tác để có hướng ra thích hợp”, ông Công lạc quan.
Theo Thanh Niên