Chiều tối 19/1, Phó giáo sư Hà Đình Đức xác nhận, cụ rùa hồ Gươm đã qua đời lúc hơn 16h. Việc qua đời của cụ rùa Hồ Gươm đã để lại nhiều tiếc nuối đối với người dân thủ đô.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo TP Hà Nội đã có mặt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuyển cụ rùa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) để nghiên cứu và bảo quản lâu dài.
Rùa Hồ Gươm được cho là thuộc loài Rafetus swinhoei (Rùa mai mềm Thượng Hải), và chỉ còn 4 cá thể còn sống trên thế giới.
Rùa Hồ Gươm có kích thước khá lớn, đầu tương đối nhỏ và rộng, mõm ngắn, tròn, vòi rất ngắn, lưng màu vàng lục có những đốm vàng, yếm bụng màu trắng nhạt. Mai rùa mềm chứ không cứng như loài rùa thông thường.
Phó giáo sư Hà Đình Đức bên cụ rùa Hồ Gươm.
Theo giả thuyết của PGS. Hà Đình Đức, Rùa Hồ Gươm có thể có nguồn gốc từ Lam Kinh, Thanh Hóa, cùng quê với vua Lê Lợi, và được vua Lê thả vào Hồ Gươm, vì trước đó không có thông tin gì về loài rùa lớn nào tại Thăng Long.
Còn theo GS. Lê Trần Bình, so sánh cho thấy mẫu ADN của rùa hồ Gươm giống rùa Quảng Phú - Thanh Hóa.
Một cá thể rùa bị bắt và thoát chết năm 2008 tại Đồng Mô, Hà Tây cũ, cũng được xem là đồng chủng với Rùa Hồ Gươm
Rùa trong Hồ Gươm được gắn liền với truyền thuyết Lê Lợi trả gươm thần Thuận Thiên cho thần rùa thần Kim Quy và được cho là đã sống đến hơn 100 tuổi.
Những điều chưa biết về các "cụ rùa"
Theo quan niệm nhiều người, Rùa khổng lồ chỉ sống trên các hòn đảo và có thể xác định được tuổi rùa bằng cách xem các vòng trên mai.
Nhưng thực tế, Rùa khổng lồ được phân bố ở nhiều nơi trên thế giới còn việc xác định độ tuổi của rùa dựa trên vòng mai là không chính xác, trừ phi biết chắc chắn chúng nở ra khi nào.
Những cụ rùa khổng lồ và có tuổi thọ lớn nhất thế giới ngày nay thường được tìm thấy trên quần đảo Seychelles ở Ấn Độ Dương và quần đảo Galápagos ở Thái Bình Dương với số lượng lên đến hàng nghìn cá thể cùng kích thước chiều dài lên đến hơn 1m.
Giống rùa sinh sống trên đảo Galápagos.
Ở miền nam nước Mỹ và khu vực Trung Mỹ cũng từng có giống rùa khổng lồ có tên gọi Hesperotestudo crassiscutata, bị tuyệt chủng 12.000 năm trước.
Tại Queensland, Úc, từng có một giống rùa khổng lồ khác, được gọi là Ninjemys oweni, theo tên gọi của các nhân vật trong phim Ninja Rùa.
Thế nhưng lớn hơn hết phải kể đến rùa Siwaliks, vài triệu năm trước từng sinh sống ở nơi mà ngày nay là vùng Punjab của Ấn Độ. Giống rùa này có kích thước gấp đôi rùa Galápagos.
Một số ý kiến của các nhà khoa học cho rằng việc phát triển kích cỡ lớn là yếu tố cần thiết để giúp cho rùa tồn tại thành công trên các đảo nhỏ ngoài đại dương.
Vì sao rùa khổng lồ ngày một ít đi?
Theo các nhà khoa học của Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hoang kết luận rùa khổng lồ có nguy cơ bị đe dọa và tuyệt chủng cao hơn gấp nhiều lần các loại rùa cỡ trung và nhỏ khác.
“Chúng hiền lành và di chuyển khá chậm chạp nên rất dễ bị phát hiện,” theo ông Anders Rhodin, giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Rùa, và các cộng sự cho biết.
Bên cạnh đó, rùa khổng lồ còn có thể nhịn ăn uống trong một thời gian dài khiến chúng trở thành mục tiêu dự trữ thức ăn của các loài động vật ăn thịt.
“Nói cách khác, rùa là một dạng thức ăn “đóng hộp” đầu tiên, trước thời kỳ cách mạng công nghiệp,” nhóm nghiên cứu so sánh.
Rùa Aldabra.
Việc loài rùa khổng lồ Seychelles và Galápagos ở các đảo trên vẫn còn tồn tại nhiều đến ngày nay là do con người phát hiện ra chúng khá muộn.
Người ta thường cho rằng có thể tính tuổi của một con rùa dựa vào số vòng trên mai. Nhưng thực tế phương pháp này chỉ có thể áp dụng trong một số con rùa có tuổi thọ ngắn và hoàn toàn toàn không chính xác đối với những con đã trưởng thành, tức khoảng 20 năm tuổi trở lên.
Những câu chuyện về rùa có thể sống đến 150 năm hoặc lâu hơn là chuyện hoàn toàn có thật và từng được ghi chép lại rất nhiều trên thế giới.
Có một chú rùa với tên gọi Harriet, sống ở đảo Galapagos đã chết vào năm 2006 ở tuổi 175, chú rùa này đã tồn tại trước khi cả nhà bác học Darwin đặt chân tới đây để nghiên cứu. Còn kỷ lục tuổi thọ là Adwaita, rùa khổng lồ trên đảo Galapagos với 250 tuổi.
Hiện có khoảng 20.000 con rùa thuộc nhiều phân loài khác nhau đang sống ở Galapagos. Trước đó nhà bác học Charles Darwin đã dựa trên sự khác biệt của các loài rùa trên quần đảo này để xây dựng thuyết tiến hóa nổi tiếng.
Gần đây, một số nhà khoa học đã nghiên cứu bí mật tuổi thọ của rùa từ các mặt tế bào học, giải phẫu học, sinh lí học, v.v… Có một số nhà sinh vật học còn chọn một nhóm rùa có tuổi thọ tương đối cao và một nhóm rùa có tuổi thọ không cao lắm làm tài liệu thực nghiệm so sánh.
Kết quả nghiên cứu chứng tỏ, ở nhóm rùa có tuổi thọ tương đối cao, tế bào sinh sản đều tương đối nhiều. Điều này chứng tỏ, tế bào sinh sản của rùa ít hay nhiều có liên quan chặt chẽ đến tuổi thọ của rùa.
Có nhà giải phẫu động vật và nhà y học còn kiểm tra tim rùa. Sau khi họ lấy tim rùa ra, quả tim vẫn có thể đập trọn hai ngày. Điều đó chứng tỏ cơ năng tim rùa khá khoẻ, nó cũng có quan hệ trực tiếp đến tuổi thọ của rùa.
Còn có nhà khoa học cho rằng, tuổi thọ của rùa còn có liên quan chặt chẽ đến hành động chậm rãi, trao đổi chất tương đối chậm và cơ năng sinh lí chịu hạn, chịu đói của nó.
Rùa là động vật di chuyển khá chậm chạp thường khi chúng chỉ đi tối đa khoảng 2km mỗi ngày. Dù chậm chạp nhưng chúng có lẽ là thông minh hơn nhiều người vẫn nghĩ.
Nghiên cứu đối với loài rùa chân đỏ ở Nam Mỹ, một họ hàng không xa lắm của rùa khổng lồ Galápagos, cho thấy chúng có thể sử dụng các nét đặc trưng của môi trường xung quanh để xác định vị trí. Chúng cũng có thể nhìn theo ánh mắt và học hỏi từ hành động của những con khác.
Đối với các nhà khoa học, rùa là loài động vật có giá trị rất lớn trong nghiên cứu. Còn trong văn hóa phương Đông, rùa là một trong Tứ Linh - Long, Ly, Quy, Phụng và có ảnh hưởng to lớn đến giá trị tín ngưỡng, tinh thần đối với con người nơi đây.
Mạnh Kiên