Bình luận của Thủ tướng Scholz được đưa ra một ngày sau chuyến thăm của ông tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cùng với các lãnh đạo doanh nghiệp Đức. Ông Scholz là nhà lãnh đạo thuộc nhóm G7 đầu tiên tới thăm Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
"Chính phủ Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi đã có thể tuyên bố rằng không nên sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine, chỉ điều đó đã khiến toàn bộ chuyến đi trở nên đáng giá", ông Scholz nói trong một sự kiện của đảng Dân chủ Xã hội Đức.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức, ông Tập đồng ý rằng cả hai nhà lãnh đạo "cùng phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân" đối với Ukraine, nhưng không chỉ trích Nga hoặc kêu gọi chính quyền Moscow rút quân.
Tại quê nhà, ông Scholz đã vấp phải làn sóng chỉ trích vì chọn chiến lược khiến nền kinh tế Đức tiếp xúc sâu với Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này. Nhà lãnh đạo 64 tuổi cho biết đa dạng hóa là chìa khóa để hạn chế những tác động có thể xảy ra nếu mối quan hệ trở nên tồi tệ.
"Chúng tôi có một kế hoạch rõ ràng và chúng tôi đang theo sát nó. Và điều đó có nghĩa là đa dạng hóa cho tất cả các quốc gia mà chúng tôi giao thương, đặc biệt là một quốc gia lớn và có tỷ trọng lớn như vậy trong nền kinh tế thế giới", ông Scholz nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi kinh tế với Trung Quốc. Nhưng cũng rõ ràng, chúng tôi sẽ định vị bản thân để có thể đối phó với tình huống gặp khó khăn bất cứ lúc nào, dù là 10 năm tới hay 30 năm tới."
Trong khi đó, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh năm nay đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Đức, và 5 thập kỷ qua cho thấy nếu hai bên tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm nền tảng chung trong khi vẫn giữ khác biệt, tiếp tục trao đổi và học hỏi lẫn nhau và theo đuổi hợp tác hai bên cùng có lợi, thì quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển đúng hướng và tiến triển bền vững.
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định trong tình hình quốc tế phức tạp và thay đổi, Trung Quốc và Đức cần hợp tác trong bối cảnh thay đổi và bất ổn và đóng góp nhiều hơn vào các vấn đề toàn cầu.
Nền kinh tế Đức và Trung Quốc gắn bó chặt chẽ. Một số quan chức ở Berlin coi mối quan hệ này đặc biệt quan trọng khi Đức, nước đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Ukraine, đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế. Trung Quốc là thị trường lớn cho hàng hóa Đức, từ máy móc đến ô tô.