Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TNMT), là đại diện đơn vị tư vấn làm đề án để có cái nhìn rõ ràng, đủ đầy hơn.
PV: Trước tiên, ông có thể nói rõ hơn về sự mơ hồ của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đối với CVĐC trong bối cảnh chỉ còn 4 tháng nữa là đón đoàn chuyên gia của UNESCO về thẩm định công nhận CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh là CVĐC toàn cầu hay không?
PGS.TS Trần Tân Văn: Theo kế hoạch thông thường hàng năm thì đoàn chuyên gia UNESCO sẽ vào thẩm định CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh vào khoảng tháng 7. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin chưa chính thức thì do đại dịch Covid-19, kế hoạch này sẽ được lùi lại đến khoảng tháng 10 - 11/2020. Vì thế nếu bây giờ Quảng Ngãi quyết định tiếp tục công tác chuẩn bị đón đoàn chuyên gia thì chúng tôi hy vọng là vẫn còn kịp.
Đúng là vừa rồi có một số câu hỏi, một số ý kiến, thí dụ về tên gọi CVĐC, về quy mô, phạm vi, diện tích; về lợi ích CVĐC có thể đem lại, về xung đột, mâu thuẫn có thể có đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác; về khả năng CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh, nếu được UNESCO công nhận, sẽ làm mất đi cơ hội để Văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới..., những câu hỏi mà chúng tôi cho rằng nên được đặt ra từ vài năm trước, và hoàn toàn đã có thể được giải đáp cặn kẽ.
Làm CVĐC đòi hỏi rất nhiều công sức tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng, thật sự rộng khắp, từ các cấp chính quyền cao nhất đến mọi tầng lớp địa phương. Các khái niệm về CVĐC không quá khó, nhưng cần được đông đảo các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương nhận thức được, chấp nhận, đồng thuận và cùng hành động.
Thời gian qua Quảng Ngãi đã bỏ ra rất nhiều công sức cho những hoạt động này và chúng tôi, mỗi khi vào Quảng Ngãi, đều có thể cảm nhận được một bầu không khí rất tích cực, rất phấn khởi về CVĐC, và chúng tôi đã khá lạc quan về kết quả của công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐC. Tiếc rằng, chúng tôi đã có đôi chút nhầm lẫn, và chỉ có thể tự trách mình, vì một số lý do nào đó, công tác tuyên truyền, quảng bá kể trên đã không/chưa tiếp cận được một bộ phận nhỏ của xã hội, và có lẽ vì thế mà đã có những câu hỏi như vậy.
Tôi nhớ lại một số địa phương khác đã và đang làm CVĐC. Năm 2009 khi tỉnh Hà Giang tổ chức hội thảo về CVĐC đã có đầy đủ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các huyện, các sở ban ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp... Họ đã quyết định thành lập CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, với quy mô cả 4 huyện thay vì 2 huyện như chúng tôi đề xuất. Và thay vì để đến năm 2012 như chúng tôi dự kiến, hồ sơ đã được trình ngay sau đó và Cao nguyên đá Đồng Văn đã được công nhận chỉ một năm sau, vào năm 2010. Tương tự như vậy, Cao Bằng và Đăk Nông, các địa phương này đều đang có kết quả tốt.
Quảng Ngãi cũng làm y như thế. Đã có khá nhiều hội nghị, hội thảo lớn nhỏ, ít nhất là từ cuối năm 2015, và đỉnh điểm là một hội nghị quốc tế khá lớn vào tháng 6/2019, nhân kỷ niệm 110 năm ngày phát hiện ra Văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh. Thế nhưng vẫn có một bộ phận nhỏ của Quảng Ngãi không có điều kiện tiếp cận với những thông tin cơ bản nhất về CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh, thật là đáng tiếc.
PV: Có cảm giác tỉnh Quảng Ngãi “sợ” CVĐC sẽ gây cản trở các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác, trong khi pháp lí của CVĐC không hạn chế những điều đó?
PGS.TS Trần Tân Văn: Đúng là một CVĐC toàn cầu của UNESCO không hạn chế bất kỳ một hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nào, miễn là chúng tuân thủ nghiêm túc các quy định của quốc gia hoặc của địa phương có CVĐC, thân thiện với môi trường, thân thiện với cộng đồng, trân trọng các giá trị di sản...
Như CVĐC Gea Norvegica của Na Uy, là nơi khai thác một loại đá ốp lát đẹp nổi tiếng - đá lavrikit, óng ánh như xà cừ - và xuất khẩu đi khắp thế giới.
CVĐC Araripe của Brasil cũng khai thác một loại đá ốp tường nổi tiếng chứa vô vàn các loại vết in các loại cổ sinh vật. Một mỏ đá như vậy nằm ở ngay gần đường, và việc khai thác, chế biến có thể ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, và cái mỏ đó chỉ được yêu cầu di dời cách đường vài trăm mét.
Trong CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh đang có những khu công nghiệp lớn như Dung Quất hay VSIP và họ đâu có phải di dời đi đâu, hoạt động của họ, nếu như tuân thủ nghiêm các yêu cầu bảo vệ môi trường, cũng có bị ảnh hưởng gì đâu?
Tâm lý sợ CVĐC gây cản trở các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội là rất bình thường, điều đó đã và đang gặp ở Hà Giang, Cao Bằng, Đăk Nông và nhiều địa phương khác, khi chúng ta đang rất muốn và rất ưu tiên cho các hoạt động tăng trưởng kinh tế. Trong một số trường hợp còn phải “tạm hy sinh” các vấn đề khác về môi trường, bảo tồn, di sản, an toàn xã hội...
Khi chúng ta đang quen với các hoạt động và nhìn thấy những “lợi ích ngay lập tức” chúng có thể mang lại thì đương nhiên chúng ta sẽ có những ngại ngần nhất định nếu được giới thiệu một mô hình kinh tế - xã hội mới, bền vững, nhấn mạnh việc bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị di sản, trong đó có những loại hình di sản mới, như di sản địa chất, mà lần đầu tiên chúng ta mới được biết đến... Chỉ có điều là, lại quay trở lại câu hỏi đầu tiên của bạn, nếu như những băn khoăn kiểu như thế được nêu ra và được giải đáp sớm thì CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh đã không phải ở trong tình trạng “chờ” hiện nay.
PV: Thưa ông, nếu được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu, Quảng Ngãi sẽ được lợi gì?
PGS.TS Trần Tân Văn: Có quá nhiều lợi ích cho địa phương như tỉnh Quảng Ngãi có thể nhận được khi được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu, mà trong khuôn khổ một cuộc phỏng vấn ngắn khó có thể liệt kê đầy đủ.
Trước hết, đó là một trong ba danh hiệu quốc tế cao quý nhất của UNESCO sẽ giúp Quảng Ngãi được biết đến rộng rãi hơn, trong cả nước cũng như trên toàn thế giới. Có khi nào bạn có ý nghĩ so sánh Quảng Ngãi với tỉnh láng giềng Quảng Nam không? Tại sao Quảng Nam có Di sản Văn hóa Thế giới Thánh địa Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm mà Quảng Ngãi lại chưa có danh hiệu nào?
Khi chúng tôi làm ở Quảng Ngãi, có nghe nói đến đô thị cổ Thu Xà đã từng chẳng kém gì Hội An mà giờ chỉ còn hoài niệm, đôi lúc cũng lẩn thẩn nghĩ rằng suốt dọc miền Trung tại sao các tháp Chàm ở Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa... vẫn còn đó mà ở Quảng Ngãi lại không còn thấy cái nào? Phải chăng trong lĩnh vực bảo tồn di sản Quảng Ngãi làm khác các địa phương khác?
Chúng tôi, khi bắt tay hợp tác với Quảng Ngãi trong Đề án CVĐC toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh, rất tin rằng danh hiệu này sẽ giúp Quảng Ngãi đạt được nhiều mục đích: vừa làm cho Quảng Ngãi được biết đến rộng rãi hơn nữa cả trong nước lẫn trên thế giới, vừa làm tốt công tác bảo tồn lại vẫn hài hòa được với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác, đồng thời vẫn tạo ra được một sự khác biệt đáng kể so với các tỉnh bạn... Và quả thực, cho đến lúc này, chúng ta vẫn đang làm tốt mọi việc theo kế hoạch để hướng đến danh hiệu đó, trừ việc hiện nay chúng ta đang ở trong trạng thái “chờ” rất hoang mang này.
Nhưng CVĐC toàn cầu của UNESCO không đơn thuần chỉ là một danh hiệu, để khi có được nó bạn có thể cất vào tủ thi thoảng lấy ra ngắm nghía, tự hào. Đó là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội mới, bền vững, mà bạn phải cam kết và không ngừng nỗ lực theo đuổi. Bởi vì cứ sau mỗi 4 năm thì UNESCO sẽ lại tái thẩm định và nếu bạn làm không tốt hoặc chưa đủ tốt bạn sẽ bị cảnh cáo, thậm chí mời ra khỏi mạng lưới.
Theo UNESCO, một công viên địa chất toàn cầu chú trọng đến 10 lĩnh vực ưu tiên, rất phù hợp với phát triển bền vững. Cũng theo UNESCO, CVĐC toàn cầu là nơi thích hợp nhất để một địa phương hướng đến đạt các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết và có kế hoạch theo đuổi.
Kể lể những điều trên thì có vẻ hơi cao xa quá chăng? Vậy xin đưa ra một số thay đổi rất dễ nhận thấy trên Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang trong khoảng 10 năm qua, kể từ khi được UNESCO công nhận vào năm 2010: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang nói chung, Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt là từ góc độ du lịch, dễ nhận thấy nhất thông qua số lượt du khách, từ chỉ khoảng 300.000 người năm 2010 đã lên đến khoảng 1,5 triệu người năm 2019; doanh thu đạt khoảng trên 1.000 tỷ đồng (để ý rằng theo Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia kể trên thì phải đến 2030 Cao nguyên đá Đồng Văn mới đạt khoảng 1,1 triệu lượt khách du lịch). Hà Giang đang hướng đến trở thành một trung tâm du lịch của miền Bắc Việt Nam và của cả nước...
Có thể là “hơi quá” nếu gọi đó là kỳ tích, nhưng rõ ràng sau 10 năm, Cao nguyên đá Đồng Văn đang có một bầu không khí tích cực, phấn chấn rất dễ lan tỏa, và đặc biệt, xuất phát từ một căn nguyên duy nhất - CVĐC toàn cầu UNESCO. Những hiệu ứng tích cực này cũng đã và đang được nhận thấy ở CVĐC toàn cầu Non Nước - Cao Bằng, CVĐC Đăk Nông, và thậm chí ở cả CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh.
PV: Với thực trạng hiện nay, đề án CVĐC toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh phải đối diện với những kịch bản nào thưa ông?
PGS.TS Trần Tân Văn: Chúng tôi đã phân tích khoảng 5 kịch bản, trong đó có 2 kịch bản tệ nhất: một là Quảng Ngãi dừng đề án, hai là kết quả thẩm định của đoàn chuyên gia UNESCO dự kiến vào tháng 7 tới không tốt, dẫn đến không được công nhận là CVĐC toàn cầu.
Tất nhiên khả năng xảy ra hai kịch bản này rất thấp, thậm chí không thể xảy ra, vì thứ nhất, những ý kiến chưa đồng thuận kể trên chỉ đến từ một bộ phận rất nhỏ của xã hội; và thứ hai, chúng tôi rất tin vào những giá trị di sản của CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh cũng như vào những thành quả, những nỗ lực mà tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được trong ngần ấy năm.
Chỉ còn lại 3 khả năng, một là Quảng Ngãi vẫn đón đoàn chuyên gia thẩm định của UNESCO và được công nhận luôn vào năm 2021; hai là được công nhận “có điều kiện” - tức là còn một số tồn tại cần khắc phục, và sau khi khắc phục xong thì có thể được công nhận vào năm 2022 hoặc 2023; ba là Quảng Ngãi vẫn tiếp tục đề án, nhưng sẽ xin lùi thời điểm thẩm định vào một hoặc hai năm tới.
Khả năng thứ nhất không phải là không thể xảy ra, chỉ có điều là chúng ta đã mất khá nhiều thời gian và bây giờ nếu khởi động lại sẽ khá vất vả, chưa kể một số ý kiến chưa đồng thuận có thể vẫn chưa kịp có đủ thời gian để giải đáp thỏa đáng.
PV: Xin ông cho biết, trong trường hợp phá sản Đề án CVĐC toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh, thì những hệ lụy của nó sẽ là gì?
PGS.TS Trần Tân Văn: Ý bạn là trường hợp Quảng Ngãi dừng đề án?
Như trên đã nêu, chúng tôi không tin vào kịch bản này. Quảng Ngãi đã đi và khắc sẽ đến, có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn một chút, nhưng chắc chắn sẽ đến. Tuy nhiên, phân tích cặn kẽ mọi khía cạnh, để tin rằng kịch bản này không thể xảy ra, thì có thể có một số hệ lụy.
Chẳng hạn như uy tín chính trị của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng sẽ bị ảnh hưởng, khi quyết định dừng đề án chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi trình hồ sơ; các hồ sơ (Di sản Thế giới, Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới, CVĐC toàn cầu...) khác của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng; dư luận xã hội có thể đặt câu hỏi về tính đúng đắn, tính khả thi của Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, hoặc về sự đoàn kết, thống nhất, khả năng định hướng, chỉ đạo, quyết định của Ban chấp hành, Ban thường vụ, Thường trực tỉnh ủy...; một số thiệt hại đáng kể về kinh tế, nhân lực, vật lực, thời gian... sau khi đã triển khai thực hiện đề án được hơn 5 năm; và đặc biệt là một số tác động, có thể gây sốc, về tinh thần, tâm tư, tình cảm... của một bộ phận không nhỏ cộng đồng xã hội trong tỉnh, trong nước và quốc tế...
PV: Tất nhiên, lựa chọn kịch bản nào cũng thuộc về quyết định của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, nhưng nếu được, thì lời khuyên của ông là gì?
PGS.TS Trần Tân Văn: Chúng tôi là người làm khoa học, ít hiểu về những lắt léo, uẩn khúc, vì thế luôn là những người lạc quan.
Chúng tôi đã có dịp qua lại, làm việc ở Quảng Ngãi nhiều lần, đặc biệt là khoảng 5 năm trở lại đây, khi hợp tác với tỉnh Quảng Ngãi trong Đề án CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh. Chừng ấy thời gian đủ để chúng tôi hiểu biết ít nhiều, và bắt đầu yêu mến đất nước, con người nơi đây, đặc biệt là lớp trẻ các bạn. Bên cạnh những chân thành, chăm chỉ, cần cù truyền thống vốn có, chúng tôi còn nhận thấy được sự năng nổ, nhiệt huyết, năng lực, trình độ,... của lớp trẻ Quảng Ngãi.
Thật là cảm động khi nhớ lại tâm sự của một bạn, đại ý rằng các nước phát triển đã đi cả một chặng đường rất dài để đạt được những hiện đại, những tiện nghi..., để rồi giờ đây lại đang vất vả với những hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, tìm lại những giá trị truyền thống, gia đình... Việt Nam mình đang có những thứ đó, sao lại cứ nhất định phải đi theo đúng con đường người ta đã đi?
Khi chưa có CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh, nhiều bạn trẻ đã rời bỏ quê hương, nhưng thật thú vị là một số họ, với đề án này, đã và đang quay trở về sau khi đã được học hành, để làm điều gì đó cho quê hương. Với những con người ấy, và cụ thể là, với những câu hỏi mà bạn đặt ra ở đây, chúng tôi hiểu là tương lai Quảng Ngãi hoàn toàn nằm trong tay lớp trẻ các bạn. Vậy thì có lý do gì mà đề án CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh lại không tiếp tục?
Chỉ xin lưu ý một điều là đạt được danh hiệu đã khó, nhưng đó cũng mới chỉ là sự khởi đầu. Tiếp tục con đường đó còn quan trọng hơn nhiều, và với tinh thần đó, mong Quảng Ngãi sẽ thành công với Đề án CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bài: Xuân Thọ
Ảnh: Lê Xuân Thọ - Bùi Thanh Trung và Ban Quản lí CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh