* * *
Dọc các tuyến đường từ TP.Hồ Chí Minh về miền Tây, ngang qua khu vực giáp biển của các tỉnh từ Long An đến mũi Cà Mau rồi vòng qua Kiên Giang, ruộng lúa vàng ươm dập dìu theo từng đợt gió thổi như sóng biển nối theo nhau. Tháng Hai âm lịch là mùa đập lúa ở miền Tây, ở những cánh đồng đang gặt lúa máy cắt, máy tuốt chạy xình xịch nghe rất vui tai.
Vài nhóm phụ nữ lớn tuổi trải tấm lưới dưới đồng để ve lúa, phơi luôn tại đồng. Nhưng bạn hãy thử bước xuống cánh đồng và hỏi họ: “Mùa này lúa trúng không cô bác?”. Câu trả lời sẽ là những đợt sóng lúa mênh mông, bất ngờ.
Đó không phải là lúa chín vàng đồng, mà sự thật là lúa cháy vàng đồng. Đất ruộng nứt toác khô cằn, những bụi lúa khô vàng cháy, bông lúa lép nhiều hơn chắc. Cả cánh đồng bao la cháy vàng vì thiếu nước, những con kênh chạy dọc ngang theo ruộng lúa cũng vậy, khô rang dưới cái nắng chói chang.
Ở nhiều ô ruộng, lúa vừa kịp ngậm sữa cũng tức tưởi chết dưới cái nắng như thiêu như đốt. Thi thoảng, có vài người dân đem bao và liềm ra cắt lúa non về cho bò ăn. Họ được chủ lúa cho phép làm điều đấy. Và trong lúc những người ấy cắt lúa non, chủ lúa ngồi rít từng hơi thuốc lá. Mấy cơn gió thoảng qua làm điếu thuốc nhanh tàn, nhưng vẫn còn bị kẹp giữa hai đầu ngón tay, như nông dân bị kẹp giữa hai lựa chọn: cứu lúa hay bỏ mặc lúa trước nắng hạn.
Nếu muốn cứu lúa, họ chỉ có một phương cách duy nhất đó là mua nước ngọt với giá 30.000 đồng/m3; còn bỏ lúa thì công sức, vốn liếng từ đầu mùa coi như bỏ đứt. Họ không biết chính xác cánh đồng nức toác ấy đang cần m3 nước, ngoài câu cửa miệng là “rất nhiều”. Thế nên, họ chọn bỏ lúa mà nỗi niềm day dứt mãi.
Nhưng nông dân vẫn ra ruộng mướn máy cắt, vẫn cắt lúa, tuốt lúa trên đồng dù mỗi công lúa (1.000 m2) trong đợt hạn mặn này chỉ đem về được 5-7 giạ (20 kg/ giạ) lúa. Công nào trúng lắm thì được 15-16 giạ lúa. Nếu những năm trước, nông dân cho máy cuộn rơm ép lại để bán tận thu thêm lãi thì năm nay họ tận thu để gỡ vốn. Hai vợ chồng chủ ruộng nói với tôi: “Mọi năm trồng lúa bán lúa, năm nay trồng lúa bán rơm”.
Nếu lúa cháy vàng đồng vì hạn mặn, thì người miền Tây cũng vào cơn khát quáng quàng. Tất cả kênh mương, đìa nước được tận dụng tối đa. Người dân mang xô, thùng ra để lấy nước về tắm giặt, sinh hoạt vì nước ngọt sạch chỉ được dùng để ăn uống. Một số đìa, ao có chủ thì chủ nhà cắt cử người ra giữ không cho người lạ lấy nước. Hoặc họ treo bảng nhắc nhở người dân không được lấy nước trong đìa.
Cơn khát nước đã đẩy người dân vào sự lựa chọn: có hay không việc chia xô nước ao cho người láng giềng gần. Trong khi đấy, những trụ nước công cộng do chính quyền địa phương dựng lên không đủ tiếp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Nước được mở ở trụ công cộng từ 0-12h, cách một ngày mở nước một ngày. Máy lọc nước hoạt động không kịp cho nhu cầu sử dụng của người dân.
Các hộ trong vùng sâu phải cắt cử người đi canh lấy nước sinh hoạt, một số hộ toàn người già, trẻ em mặc định dùng nước bẩn do không kịp đi lấy nước sạch. Tới giờ lấy nước không ai nói ai, từ khắp các ngõ nhỏ, đường lớn từ xe đạp cho đến xe máy treo đầy bình chứa, tất tả chạy vội đến điểm lấy nước. Người nào không kịp lấy nước chỉ biết thất thểu buồn bã ra về, lo cho gia đình không có nước dùng. Bầy trẻ cần nước sạch. Giữa mùa dịch bệnh, người dân được khuyến cáo rửa tay. Nước uống còn hiếm lấy nước đâu mà rửa tay?
Các đoàn tiếp nước đã đưa nước đến những nơi khô hạn, bị nước biển xâm mặn. Mỗi thứ năm và chủ nhật hàng tuần, các tài xế xe tải từ Bình Dương, Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh,… đều đặn chở nước về giải khát cho bà con. Xe nước lớn chạy trên đường lớn, xe nhỏ len vào những con hẻm nhỏ, để đem nước đến cho người dân.
Rong ruổi miền Tây mùa nắng trên trời làm hạn, biển xâm thực dưới đất làm mặn, mà đâu đâu cũng một màu vàng, vàng đến hanh hao phận người.