* * *
Cũng như toàn bộ xã hội, hoạt động tại hai ngôi chùa lớn nhất nhì Việt Nam là Bái Đính (Ninh Bình) và Tam Chúc (Hà Nam) cũng đang diễn ra theo tinh thần… chống dịch là trên hết. Các buổi giảng kinh, các hoạt động tín ngưỡng, các buổi tu tập đã được hạn chế, thậm chí là dừng theo khuyến cáo của ngành y tế.
Thượng toạ Thích Minh Quang, Phó trụ trì thường trực chùa Tam Chúc (Hà Nam) và chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, từ khi nhận được thông tin về dịch COVID-19, nhà chùa đã thực hiện rất nghiêm túc các khuyến cáo từ ngành y tế và chính quyền. Do cả hai chùa Tam Chúc và Bái Đính đều là những chùa lớn, nhiều phật tử tìm tới nên công tác tuyên truyền khuyến cáo các phương pháp phòng chống dịch liên tục được thực hiện.
Về việc sẵn sàng trở thành nơi cách ly khi được chính quyền yêu cầu, Thượng toạ Thích Minh Quang chia sẻ, Phật giáo có mặt ở Việt Nam trên dưới 2.000 năm, gắn bó đồng hành cùng hành dân tộc. Trong những năm tháng kháng chiến, chùa là nơi nuôi giấu các chiến sĩ, cán bộ cách mạng.
Hiện nay, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhà chùa tuyệt đối tôn trọng các ý kiến của cơ quan hữu quan và chuyên môn.
Hằng năm các chùa vẫn tổ chức các khóa tu hàng nghìn người nên nếu các cơ quan hữu quan có ý kiến muốn sử dụng cơ sở của chùa Tam Chúc và chùa Bái Đính để đón những người con xa xứ, những du khách, quý Phật tử hay người dân trong nước cần phải cách ly vì nghi ngờ lây nhiễm COVID-19, hai chùa sẵn sàng đón nhận. Vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc thì đây là việc làm hết sức cần thiết.
Trong bối cảnh toàn xã hội đang chống dịch, những buổi giảng kinh tại hai chùa Tam Chúc và Bái Đính luôn được lồng ghép những nội dung tuyên truyền. Bản thân Thượng toạ Thích Minh Quang cũng nhiều lần làm lễ cầu cho quốc thái dân an, cầu cho dịch bệnh sớm được đẩy lùi, xã hội ngày càng phát triển.
Chúng ta là những Phật tử thì chúng ta phải biết thực hiện nghiêm túc những hướng dẫn, khuyến cáo của chính quyền, cơ quan chuyên môn. Chúng ta phải thật thà trong mọi tình huống và phải biết xây dựng sự an toàn chung cho cả xã hội, không thể chỉ vì suy nghĩ cá nhân mà làm ảnh hưởng tới cộng đồng. Thượng toạ Thích Minh Quang chia sẻ: Mỗi chúng ta đều ý thức được trách nhiệm của bản thân, tự giữ gìn bản thân mình và cũng nỗ lực trong công tác phòng chống dịch thì chắc chắn sẽ dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi…
Bên cạnh việc tuyên truyền hướng dẫn các phật tử thì hai chùa Tam Chúc và Bái Đính còn tổ chức các buổi phát khẩu trang miễn phí, nước rửa tay dạng khô cho những khách hành hương. Do lợi thế là những nơi có nhiều người tìm tới nên việc phát khẩu trang, dung dịch rửa tay đã mang đến rất nhiều lợi ích.
Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến mới, mặc dù là một trong những điểm đến quan trọng trong năm du lịch quốc gia 2020 của tỉnh Ninh Bình nhưng chùa Bái Đính đã tiến hành rất nhiều các biện pháp theo khuyến cáo như dừng nhiều khoá tu tập, không tổ chức một số những buổi giảng kinh nếu như không thật sự cần thiết…
Những diễn biến mới của dịch COVID-19 theo như nhận định là nằm trong kịch bản đã được dự báo từ trước nên không gì là bất ngờ đối với ngành chức năng và các cơ quan tham gia phòng chống dịch. Tuy nhiên, có một bộ phận người dân đang rơi vào trạng thái hoảng sợ, lo lắng thái quá sau đó dẫn đến việc tích trữ đồ ăn, di tản khỏi nơi cư trú… đây là những việc làm được khuyến cáo là không nên thực hiện trong mùa dịch.
Cũng là một người tu hành, Ni trưởng Thích Giác Minh, Trụ trì Quang Minh tự (Thanh Trì-Hà Nội) đặt câu hỏi, phật tử tin ở sức mạnh của cái thiện, của lẽ phải, vậy tại sao chúng ta không tin rằng Nhà nước, Chính phủ, ngành y tế và xã hội sẽ đẩy lùi được dịch bệnh. Chúng ta hoảng sợ nghĩa là chúng ta đang mất niềm tin và khi đã mất niềm tin thì chúng ta sẽ đánh mất đi nội lực của chính bản thân.
Ni trưởng Thích Giác Minh cho biết, đạo Phật luôn giảng dạy mọi người làm việc tốt, làm càng nhiều việc tốt thì hậu vận chúng ta càng may mắn, dù cuộc sống trần gian có dừng lại thì chúng ta vẫn được tìm đến cõi Phật, được hoá độ và lên thiên đàng. Chúng ta tin Phật có thể giúp chúng ta hoá giải khổ đau, tai ương, thậm chí tu tập khoa học còn phòng chống đẩy lùi một số bệnh tật. Vậy chúng ta cũng nên tin vào các biện pháp y tế.
“Từ khi dịch bệnh xuất hiện đến nay, tất cả những trường hợp mắc bệnh ở nước ta đều được chữa khỏi chứ có ai chết đâu mà phải lo, điều này chứng minh rằng đất nước ta đang thành công bước đầu và các phương pháp là có hiệu quả cao. Và hơn nữa, đất nước trải qua nhiều thăng trầm biến cố, đến nay xã hội phát triển, cuộc sống no ấm rồi thì chẳng bao giờ phải lo chuyện thiếu thốn thực phẩm như trước nữa mà đổ xô đi mua… Chúng ta lo sợ, chúng ta hoảng loạn chỉ có tự hại bản thân chúng ta. Vì đất nước này, nhà nước này sẽ không bao giờ để chúng ta phải thiếu thốn…” Ni trưởng Thích Giác Minh chia sẻ.
Phân tích lý lẽ của mình, Ni trưởng Thích Giác Minh cho biết, Phật dạy chúng ta làm việc đúng, việc thiện thì cũng giống như ngành chức năng yêu cầu chúng ta các phương pháp thực hiện khi chống dịch. Nếu chúng ta làm theo lời Phật thì chúng ta sẽ được che chắn với quyền năng của Phật, được hưởng sự yên bình và an lành. Và cũng như vậy, khi chúng ta làm đúng theo hướng dẫn của ngành chức năng trong việc chống dịch thì đương nhiên chúng ta sẽ chẳng còn phải sợ hãi với dịch giã nữa, bệnh dịch thì sớm muộn gì cũng đẩy lùi…
Mặc dù vậy, cũng theo vị Ni trưởng này thì không phải người nào mặc áo nâu, miệng nói theo Phật, làm theo lời Phật cũng là đúng như vậy. Nói như quan niệm dân gian cũng chỉ ra những kẻ “miệng nam mô nhưng bụng chỉ nghĩ làm việc xấu” thì như vậy không phải là hướng Phật, không phải là Phật tử mà đó chỉ là những kẻ mượn danh của Phật mà trục lợi và chắc chắn những kẻ này sẽ gánh những hậu quả.
Nếu nhìn ra chúng ta, những người dân bình thường nếu như không làm theo các hướng dẫn chống dịch của ngành y tế thì chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm…
“Phật mang đến cho chúng ta những niềm tin về giá trị tinh thần cao cả, hướng con người đến những điều tốt đẹp, hành động tốt đẹp. Nhưng trước khi làm được những điều tốt đẹp thì mỗi chúng ta chỉ cần làm đúng và luôn suy nghĩ đến lợi ích cộng đồng là đã phần nào thể hiện được tâm hướng Phật…” Ni trưởng Thích Giác Minh chia sẻ thêm.
Chia sẻ về vai trò, vị trí của Phật giáo trong lịch sử dân tộc, đất nước, Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹ phân tích, các nhà sư của Phật giáo trong quá trình đi truyền bá ở đâu thì họ đều là những thầy thuốc và họ mang những khả năng chữa bệnh được đi khắp các nơi mà họ tu hành. Cho nên, chúng ta thấy ở các nền chùa cũ từ đời Lý thì xung quanh các núi tu hành của PG còn sót lại những rừng cây thuốc, có khi rất quý và hiếm. Chứng tỏ, nhà sư mang những sứ mệnh: thứ nhất, chữa bệnh cho chính mình trong quá trình truyền bá PG; thứ hai, chữa bệnh cho nhân dân. Các vị Bồ Tát trong Phật giáo có vị gọi là Dược Sư Bồ Tát.
Trong Nho Giáo, thì việc học về ngành y cũng đi kèm với học Nho Giáo, vì vậy mà người ta thường hay nói rằng học “Nho, Y, Lý, Số” là vì như vậy. Thường những nhà Nho là kèm cả thầy thuốc luôn, thường hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân.
Trong Thiên Chúa Giáo, lịch sử cũng như vậy. Bệnh viện là vốn xuất phát từ nhà thờ từ thiện, các nhân vật chăm sóc người bệnh trong các nhà thờ từ thiện này chúng ta thường gọi là mai xơ, và nay là y tá trong bệnh viện.
Từ đó có thể nhận thấy rằng, việc các tôn giáo tham gia chữa bệnh cho nhân dân có một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử. Khi có dịch bệnh diễn ra, thiên chức của các tôn giáo là phải cùng với các nhà chức trách có trách nhiệm rất lớn trong việc phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh, chữa trị và bảo vệ người dân.
Trong quá khứ, mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, các ngôi chùa Phật giáo cũng như các tu viện và nhà thờ của Thiên Chúa Giáo được “biến” thành các bệnh viện để chữa trị cho người dân. Bởi vì, đó là những công trình được hình thành và xây dựng nên do công đức của nhân dân, những nhà sư không có hoạt động kinh tế mà họ sống dựa vào sự quyên góp của nhân dân.
Như hiện nay đang có dịch bệnh Covid-19 hoành hành thì các tôn giáo đóng một vai trò lớn để “ trả ơn nghĩa” cho nhân dân, góp phần ổn định xã hội; chứ không chỉ là cầu cúng hay lễ lạt mà phải có những hành động hết sức thực tế.
Như trước đây, những nhà sư tu hành Phật giáo, họ đi “khất thực” không phải vì họ đói mà vì trong giáo lý của Phật giáo thì họ làm như vậy là là nhằm để họ hàm cái ơn người dân đã nuôi nấng mình, và họ phải trả lại ơn đó cho người dân.
Theo Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹ, trong thời dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra như hiện nay, các tôn giáo nên chủ động kết hợp cùng với Chính phủ, cùng với Nhà nước vào cuộc một cách tích cực, nhằm thực hiện thiên chức cũng như trách nhiệm của mình đối với nhân dân, để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Với ý kiến về việc tôn giáo mang đến cho con người đức tin, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp chưa biết khi nào sẽ dừng lại, nhiều người hoang mang lo sợ, thì những nhà sư, những người tu tập Phật giáo nên làm như thế nào trong các buổi giảng đạo của mình đến người dân khi mà niềm tin của mỗi con người. Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, thứ nhất, niềm tin là thứ rất quan trọng. Các nhà sư đều là những công dân của quốc gia, chính vì vậy mà trước hết họ phải gương mẫu thực hành các quy định của Chính phủ. Ví dụ: không tập trung đông người; sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với người khác; góp phần thực hiện công tác cách ly bằng cách báo ngay cho nhà chức trách nếu như phát hiện những người đến chùa có biểu hiện, hiện tượng nghi ngờ nhiễm bệnh… Những nhà sư phải tự mình thực hành các quy định một cách mẫu mực.
Thứ hai, những nhà sư phải tuyên truyền đến người dân thực hiện nghiêm túc và tuân thủ tuyệt đối những quy định đó. Tôi đồng tình rằng niềm tin vào tôn giáo là một yếu tố quan trọng; nhưng trong từng trường hợp cụ thể thì những biện pháp thuộc về khoa học kỹ thuật lại là điều cần tuân thủ trước tiên. Bởi vì, cũng có những bệnh mà cơ thể con người có thể tự chữa lành, thì niềm tin lúc đó là hết sức quan trọng. Nhưng có những căn bệnh rất cần thiết phải sử dụng đến những yếu tố về y khoa, của khoa học kỹ thuật hiện đại để chữa bệnh; thì chắc chắn chúng ta phải tuân thủ những điều đó đã.
Hơn nữa, những không gian tịnh vắng của các ngôi chùa hoàn toàn có thể góp phần vào việc cách ly những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Những nguồn kinh phí mà nhà chùa thu được từ sự công đức, đóng góp của nhân dân hoàn toàn có thể góp phần cùng với Nhà nước để giúp làm tốt công tác phòng chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Theo Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹ , đó chính là những việc làm hết sức thiết thực mà PG có thể làm được, trước mắt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Bài: Ngọc Cương - Thùy Chi