Lịch sử, tiếng Anh vẫn giữ “truyền thống” thấp
Sáng qua, trao đổi với báo chí, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết nhìn vào phổ điểm, hầu hết các môn thi đều dải điểm liên tục, đỉnh lệch phải và có điểm trung bình từ 4-6 điểm. Điểm trung vị gần xấp xỉ bằng điểm trung bình. Phía trái của phổ điểm có độ dốc thấp và phía phải có độc dốc cao. Điều này chứng tỏ đề thi đáp ứng được hai mục đích: xét tốt nghiệp (phía trái của phổ điểm) và phân hóa để tuyển sinh (phía phải của phổ điểm). Các môn thi đều có điểm tuyệt đối, trừ môn tự luận Ngữ văn.
Nói riêng về môn tiếng Anh và Lịch sử, ông Sái Công Hồng cho rằng hai môn này có truyền thống điểm thi thấp nên điểm trung bình của hai môn không cao. Tuy nhiên có cải thiện đáng kể về số lượng thí sinh đạt trung bình trở lên so với năm 2018. (Năm 2018, riêng môn lịch sử, có tới trên 80% thí sinh dưới điểm trung bình, năm nay là 70%).
Với môn tiếng Anh, ông Sái Công Hồng phân tích, đề thi dựa vào chuẩn kiến thức kỹ năng đề ra nên với điểm thi như hiện nay, có thể thấy sự chuyển biến trong việc dạy và học môn này chưa rõ ràng. Tuy nhiên, đánh giá ở từng địa phương thì có thể thấy các thành phố lớn, các khu vực thuận lợi có chuyển biến rõ nét. “Ví dụ như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nam Định, điểm trung bình môn tiếng Anh là từ 5 trở lên. Trong đó, điểm trung bình của TPHCM là 5.8, cao nhất nước. Tiếp đến là Bình Dương 5.2” - ông Hồng nói. Tuy nhiên, một số tỉnh khó khăn thì điểm trung bình tiếng Anh tương đối thấp, chỉ đạt xấp xỉ 3 điểm, tỉnh thấp nhất là 2,99. Chính vì vậy nên kéo tụt điểm trung bình tiếng Anh của toàn quốc.
Với môn Lịch sử, theo ông Sái Công Hồng, do mục đích của thí sinh lựa chọn môn này đã quyết định điểm thi. Những thí sinh chọn môn Lịch sử để xét tuyển ĐH có điểm thi rất cao, trung bình từ 5 điểm trở lên. Nhưng các trường chọn tổ hợp có môn lịch sử để xét tuyển không nhiều nên số lượng thí sinh lựa chọn môn này để xét tuyển cũng không cao. Trong khi đó, số thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội để thi lại lớn hơn số thí sinh lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên. Không những thế, trong tổ hợp khoa học xã hội, môn giáo dục công dân có tính ứng dụng thực tiễn cao, môn Địa lý thí sinh được mang Atlat nên các em đều tập trung vào hai môn thi này để gỡ điểm cho môn lịch sử.
“Tuy vậy, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì vẫn tiếp tục phân tích sâu hai môn thi này để sử dụng kết quả thi như một giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời đề xuất địa phương đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực cho hai môn học này” - ông Hồng cho hay.
Ðiểm cao từ miền ngược đã về miền xuôi
Ông Sái Công Hồng cũng cho biết, phổ điểm năm nay cũng đã trả lại vị trí cho những thí sinh học tốt đến từ các địa phương có truyền thống học tập. Đơn cử như môn tiếng Anh, tuy điểm trung bình thuộc top cuối trong 9 môn thi nhưng số thí sinh đạt điểm 8 trở lên ở Hà Nội và TPHCM xấp xỉ 10.000 em. Nếu tính tỷ lệ, thì TPHCM đạt 17% và Hà Nội gần 16%.
Trong số 12 điểm 10 môn Toán, Hưng Yên có 4 thí sinh, Hà Nội có 2 thí sinh, Nghệ An và Phú Thọ có 1 thí sinh… Với 17 bài thi môn Ngữ văn đạt 9.5 điểm (điểm thi cao nhất của môn này) thì Nghệ An chiếm tới 10 thí sinh, Cần Thơ 3 thí sinh và Quảng Nam 2 thí sinh. Ở môn Ngoại ngữ, với gần 300 thí sinh đạt điểm 10, Hà Nội và TPHCM mỗi nơi chiếm 1/3. Như vậy 1/3 điểm 10 còn lại là cho các địa phương còn lại. Môn Vật lý chỉ có 2 thí sinh đạt điểm 10 thì 1 thí sinh của Hà Nội và 1 thí sinh của Bắc Ninh. Đồng thời, 12 điểm 10 môn Hóa học đều không có thí sinh nào đến từ các tỉnh miền núi khó khăn khu vực phía Bắc.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, những gian lận thi cử được phát hiện bắt đầu từ chính những điểm cao bất thường ở 3 địa phương Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình. Điểm thi THPT quốc gia năm nay, các địa phương này không có nổi trội vượt bậc như năm 2018. Thậm chí, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2019 cũng bị tụt đáng kể do tỷ lệ 70% điểm thi và 30% kết quả học tập. Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung của địa phương này là 71,97%. Trong đó hệ THPT là 77,79% và hệ giáo dục thường xuyên là 28,34%. Có 1 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% là trường THCS&THPT Chu Văn An. So với năm 2018 thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của Sơn La đã giảm đáng kể. Năm 2018, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của tỉnh là 97,29%. Năm nay, Sơn La có hơn 10.000 thí sinh đăng ký dự thi. Như vậy, tỷ lệ tốt nghiệp tại địa phương này sụt tới gần 20%. Tại Hà Giang, ông Nguyễn Thế Bình, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT cho biết tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của toàn tỉnh là 71,96%, thấp hơn năm 2018 là gần 17%. Năm 2018, Hà Giang cũng thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất cả nước, 89,35%.