Sở thú liệu còn xứng với cái giá của lòng trắc ẩn?

0:00 / 0:00
0:00

(Ngày Nay) - Những ngày qua, dư luận dấy lên làn sóng kêu gọi có giải pháp nhân đạo hơn cho chú voi ở Vườn thú Hà Nội. Hình ảnh bị xích, đờ đẫn và thiếu sức sống của chú voi khiến nhiều người thương cảm. Ngày Nay xin giới thiệu bài viết của nhà hoạt động môi trường Emma Marris, đã đăng trên báo The New York Times.

Sở thú liệu còn xứng với cái giá của lòng trắc ẩn?

Khi đưa máy lên chụp ảnh "tự sướng" bên cạnh những con thú, có một câu hỏi đáng được đặt ra là liệu niềm vui của con người khi nhìn cận cảnh các loài động vật hoang dã có xứng đáng với cái giá phải trả cho việc chúng bị giam cầm hay không.

Trong suốt lịch sử, nhiều người có thú vui nuôi nhốt những con vật to lớn và hung dữ để quảng bá sức mạnh và uy tín của họ. Những người đàn ông cuồng quyền lực, từ hoàng đế nổi danh Charlemagne, đến vua nước Anh Henry III, gần hơn là trùm ma túy Pablo Escobar, tất cả đều cố gắng củng cố sức mạnh của họ bằng cách giam giữ những con thú đáng sợ.

Ông trùm báo chí Mỹ William Randolph Hearst từng tạo ra sở thú riêng của mình với đủ loài sư tử, hổ, báo,... tại dinh thự mang tên Lâu đài Hearst. Chính những bộ sưu tập động vật hợm hĩnh này, những bầy thú độc quyền này là tiền đề của Sở Thú hiện đại, với những tấm bảng chú thích mô phạm và những món đồ ăn nhanh rẻ tiền, đã trở thành một mô hình kinh doanh thành công.

Tiền thân của sở thú hiện đại, vốn mở cửa cho công chúng nhân danh nghiên cứu khoa học, đã hình thành vào thế kỷ 19. Các sở thú công cộng mọc lên khắp châu Âu, nhiều vườn thú được mô phỏng theo Sở thú London ở Công viên Regent's. Bề ngoài là những nơi để giải trí cho tầng lớp thượng lưu, các sở thú đã dung nạp không chỉ những loài động vật to lớn và đáng sợ, mà còn xây dựng các nhà bò sát, chuồng chim và bể côn trùng. Các bộ sưu tập còn sống thường được trình bày theo thứ tự phân loài, với các loài khác nhau trong cùng một họ được nhóm lại với nhau để nghiên cứu so sánh.

Những vườn thú đầu tiên nhốt động vật sau những thanh kim loại, trong những chiếc lồng kiểu Sparta. Thế rồi một nhà nhập khẩu động vật ngoại lai người Đức tên Carl Hagenbeck đã thay đổi cách trưng bày động vật hoang dã.

Tại Công viên Động vật của mình, mở cửa vào năm 1907 ở thành phố Hamburg phía bắc nước Đức, Hagenbeck đã thiết kế những chiếc lồng lộ thiên bằng cách sử dụng hào và những bức tường đá được sắp xếp một cách nghệ thuật để nhốt những con thú.

Bằng cách thiết kế những khu vực bao quanh này để có thể nhìn thấy nhiều loài động vật cùng một lúc mà không có bất kỳ thanh chắn hay bức tường nào trong tầm nhìn của du khách, ông đã tạo ra một bức tranh mô phỏng toàn cảnh, trong đó "thực tế" bị giam cầm được thay thế bằng "ảo giác" được ở ngoài tự nhiên.

Mô hình của ông Hagenbeck có ảnh hưởng rộng rãi. Càng ngày, các loài động vật càng thấy rõ sự thật khó chịu về việc chúng bị giam cầm một cách trực quan. Các sở thú chỉ dịch chuyển một chút từ câu chuyện kể về khả năng làm chủ các con thú, sang một câu chuyện kể về sự bảo vệ các loài động vật.

Sở thú liệu còn xứng với cái giá của lòng trắc ẩn? ảnh 1

Mô hình “ngày nghỉ mang tính giáo dục” của các vườn thú tồn tại cho đến cuối thế kỷ 20, khi các vườn thú bắt đầu tích cực thay đổi thương hiệu thành những cơ sở đóng góp nghiêm túc cho việc bảo tồn.

Động vật trong vườn thú, theo câu chuyện mới này, có chức năng như quần thể dự phòng cho động vật hoang dã đang bị đe dọa, đồng thời là “đại sứ” cho loài của chúng, dạy con người và thúc đẩy họ quan tâm đến động vật hoang dã. Trọng tâm bảo tồn này “phải là một thành phần quan trọng” đối với các tổ chức muốn được Hiệp hội Sở thú và Thủy cung (AZA), một tổ chức phi lợi nhuận đặt ra các tiêu chuẩn và chính sách cho các cơ sở ở Mỹ và 12 quốc gia khác, công nhận.

Báo cáo của AZA cho biết họ chi tiêu khoảng 231 triệu USD hàng năm cho các dự án bảo tồn. Trong năm 2018, AZA đã chi 4,9 tỷ USD cho việc triển khai hoạt động và xây dựng. Một phân tích năm 2018 về các bài báo khoa học đăng tải từ ​​năm 1993 đến năm 2013 cho thấy chỉ khoảng 7% trong số các hoạt động hàng năm của AZA được phân loại là “bảo tồn đa dạng sinh học”.

Sở thú được công nhận bởi AZA hoặc Hiệp hội Vườn thú và Thủy cung châu Âu (EAZA) thường có sách hướng dẫn giống và phả hệ di truyền, cũng như cẩn thận lai tạo động vật bị nuôi nhốt, giống như việc ông già Noah mở toang cánh cửa con tàu cứu thế để xua muôn loài trở về với tự nhiên sau thảm họa đại hồng thủy trong Kinh thánh. Nhưng ngày "mở cửa" đó dường như không bao giờ đến.

Có một vài trường hợp ngoại lệ. Linh dương sừng xám Ả Rập, một loài linh dương có nguồn gốc từ Bán đảo Ả Rập, đã tuyệt chủng trong tự nhiên vào những năm 1970 và sau đó được đưa trở lại tự nhiên từ các quần thể vườn thú. Chương trình nhân giống kền kền California, gần như chắc chắn đã cứu loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Các loài như chồn chân đen và sói đỏ Mỹ và khỉ sư tử vàng Tamarin ở Brazil đều có nguy cơ tuyệt chủng, đã được nhân giống tại các sở thú để tái thả vào tự nhiên.

AZA nói rằng các thành viên của họ đã tổ chức “hơn 50 chương trình tái giới thiệu các loài được liệt kê là bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng". Tuy nhiên, phần lớn động vật trong vườn thú (có 800.000 động vật thuộc 6.000 loài chỉ riêng trong các vườn thú thuộc hệ thống AZA) sẽ dành cả đời trong điều kiện nuôi nhốt, hoặc chết vì già sau một thời gian trưng bày hoặc bị loại bỏ như “đồ thừa”.

Việc tiêu hủy các cá thể động vật bị coi là "đồ thừa" vốn được các sở thú giữ im lặng, nhưng nó vẫn xảy ra, đặc biệt là ở châu Âu. Năm 2014, giám đốc của EAZA vào thời điểm đó, ước tính có khoảng 3.000 đến 5.000 động vật chết trong các vườn thú châu Âu mỗi năm.

Việc tiêu hủy động vật có vú đặc biệt ở các vườn thú ở châu Âu thường không quá 200 con mỗi năm, EAZA cho biết. Đầu thời kỳ đại dịch, sở thú Neumünster ở miền bắc nước Đức đã công bố một kế hoạch khẩn cấp để đối phó với tình trạng thiệt hại doanh thu bằng cách để loài này làm mồi cho loài khác, cho tới khi chỉ còn duy nhất một cá thể gấu Bắc cực mang tên Vitus sống sót sau cùng.

Các chính sách của AZA cho phép tiêu hủy động vật, nhưng chủ tịch của tổ chức này, ông Dan Ashe, cho biết: “cách này rất hiếm khi được sử dụng” bởi các sở thú thành viên tại Mỹ.

Ông Ashe, cựu giám đốc của Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ, gợi ý rằng việc học cách nhân giống động vật sẽ góp phần bảo tồn về lâu dài, ngay cả khi hiện có rất ít động vật nuôi nhốt được thả. Theo vị này, rồi sẽ tới lúc con người cần nhân giống các loài như voi, hổ hoặc gấu Bắc cực trong điều kiện nuôi nhốt để cứu chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

“Nếu chúng ta không có những người biết cách chăm sóc, lai tạo chúng thành công, biết cách giữ chúng trong những môi trường mà các nhu cầu tâm lý và xã hội của chúng có thể được đáp ứng, thì chúng ta không thể bảo tồn chúng", ông Ashe nói.

Lập luận khác mà các sở thú thường đưa ra đó là họ giáo dục công chúng về động vật và tạo ra một thứ gọi là đạo đức bảo tồn. Sau khi nhìn thấy một con báo hoa mai tuyệt mỹ trong sở thú, du khách cảm thấy sẵn sàng trả tiền cho việc bảo tồn loài này hoặc bỏ phiếu cho các chính sách sẽ bảo tồn chúng trong tự nhiên. Điều mà ông Ashe muốn du khách trải nghiệm khi họ nhìn vào các loài động vật là “cảm giác đồng cảm với từng con vật cũng như quần thể hoang dã của loài động vật đó”.

Nhưng không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy các sở thú đang khiến du khách quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào để hỗ trợ điều đó. Xét cho cùng, hơn 700 triệu người đến thăm các vườn thú và thủy cung trên toàn thế giới mỗi năm và đa dạng sinh học vẫn đang suy giảm.

Trong một nghiên cứu năm 2011, các nhà nghiên cứu đã hỏi du khách tại 4 sở thú nổi tiếng ở Mỹ gồm Cleveland, Bronx, Prospect Park và Central Park về mức độ quan tâm đến môi trường của họ và suy nghĩ của họ về các loài động vật. Các nhà nghiên cứu nhận ra “không có sự khác biệt đáng kể nào trong các câu trả lời khảo sát trước khi bước vào sở thú so với những câu trả lời thu được khi khách tham quan ra ngoài".

Cùng nhóm nghiên cứu này vào năm 2008 đã khảo sát 206 khách tham quan sở thú và thu về kết quả cho thấy rằng trong khi 42% nói rằng “mục đích chính” của sở thú là “dạy cho du khách về động vật và bảo tồn”, 66% nói rằng lý do chính để họ đến là “đi chơi với bạn bè hoặc gia đình” và chỉ 12% cho biết ý định của họ là “tìm hiểu về động vật”.

Các nhà nghiên cứu cũng theo dõi hàng trăm cuộc trò chuyện của du khách Mỹ tại sở thú Bronx, sở thú Brookfield và sở thú Cleveland Metroparks. Họ phát hiện ra rằng chỉ có 27% du khách quan tâm đến việc đọc các biển báo thông tin.

Hơn 6.000 nhận xét của khách tham quan đã được ghi lại, gần một nửa trong số đó là “những câu mô tả thuần túy khẳng định sự thật về vật trưng bày hoặc con vật”.

“Trong tất cả các câu trả lời được thu thập, không ai cung cấp thông tin khiến chúng tôi tin rằng họ có ý định ủng hộ việc bảo vệ động vật hoặc có ý định thay đổi hành vi của chính họ", nhóm nghiên cứu chỉ ra.

Nhiều người không đến sở thú để tìm hiểu về cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học hoặc cách họ có thể giúp đỡ. Họ ra khỏi nhà, để trẻ nhỏ hít thở không khí trong lành, để xem những con vật thú vị. Họ đi vì lý do tương tự mà mọi người đến sở thú vào thế kỷ 19: để được giải trí.

Bản thân một ngày đẹp trời với nhiều gia đình có thể đủ để biện minh cho sự tồn tại của vườn thú nếu tất cả các loài động vật trong vườn thú đều vui vẻ ở đó. Tuy nhiên, có rất nhiều bằng chứng đau lòng mà nhiều bằng chứng thì không.

Trong nhiều sở thú hiện đại, động vật được chăm sóc tốt, khỏe mạnh và có lẽ, đối với nhiều loài, hài lòng với cuộc sống hiện có. Những người trông coi vườn thú không phải là những nhân vật phản diện. Họ là những người tốt bụng, gắn bó với trách nhiệm của mình và đắm chìm trong văn hóa của sở thú, nhiều người thực sự tử tế.

Nhưng nhiều loài động vật cho chúng ta thấy rõ ràng rằng chúng không thích bị giam cầm. Khi bị giam giữ, chúng lắc lư, tự nhổ lông,.... Những con hổ bị nuôi nhốt đi đi lại lại, và trong một nghiên cứu năm 2014, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng “thời gian dành cho việc đi lại của một loài trong điều kiện nuôi nhốt được dự đoán chính xác nhất bằng khoảng cách hàng ngày mà các mẫu vật hoang dã di chuyển trong tự nhiên".

Gần như thể những con thú cảm thấy bị thúc đẩy để tuần tra lãnh thổ của mình, săn bắn, di chuyển, đi bộ một số bước nhất định, như thể chúng có một chiếc đồng hồ thông minh trong não.

Sở thú liệu còn xứng với cái giá của lòng trắc ẩn? ảnh 2

Các nhà nghiên cứu đã chia các hành vi kỳ lạ của động vật bị giam cầm thành hai loại: “hành vi bốc đồng/bắt buộc”, bao gồm ăn phân, nôn trớ, tự cắn xé, hung hăng thái quá và giết con non; và “khuôn mẫu”, gồm những chuyển động lặp đi lặp lại không ngừng. Voi lắc đầu qua lại. Tinh tinh tự nhổ lông của mình. Hươu cao cổ không ngừng thè lưỡi. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 80% loài động vật ăn thịt, 64% tinh tinh và 85% voi sống trong vườn thú đã thể hiện những hành vi bốc đồng/bắt buộc hoặc theo khuôn mẫu.

Voi đặc biệt không vui vẻ với việc sống trong vườn thú, do kích thước to lớn, bản chất xã hội và sự phức tạp về nhận thức của chúng. Nhiều cá thể voi bị viêm khớp và gặp các vấn đề về khớp do đứng trên bề mặt cứng; những con voi bị nhốt một mình trở nên cô đơn tuyệt vọng. Phần lớn những con voi trong sở thú đều bị ảnh hưởng về mặt tinh thần khi bị nhốt trong những bãi đất nhỏ, trong khi những cá thể ngoài tự nhiên thường đi bộ tới 80 km một ngày. Voi trong sở thú có xu hướng chết trẻ. Ít nhất 20 sở thú ở Mỹ đã chấm dứt việc nuôi nhốt voi, một phần vì những lo ngại về đạo đức trong việc nuôi nhốt loài này.

Sở thú liệu còn xứng với cái giá của lòng trắc ẩn? ảnh 3

Nhiều sở thú sử dụng thuốc giảm đau Prozac và các loại thuốc thần kinh khác trên ít nhất một số động vật của họ để đối phó với các tác động tâm thần của việc nuôi nhốt. Sở thú Los Angeles đã sử dụng Celexa, một loại thuốc chống trầm cảm, để kiểm soát sự hung hăng của một trong những con tinh tinh của sở thú.

Gus, một chú gấu Bắc cực ở sở thú Central Park (New York), đã được cho uống Prozac như một phần trong nỗ lực ngăn nó bơi những vòng hình số 8 vô tận trong hồ bơi nhỏ bé của mình. Sở thú Toledo (bang Ohio) đã cho ngựa vằn và linh dương đầu bò uống thuốc haloperidol chống loạn thần để giữ cho chúng bình tĩnh.

Cũng tại sở thủ Toledo, một con khỉ đột cái tên Johari liên tục gây hấn với một con đực được nuôi nhốt cùng, sở thú đã cho Johari uống thuốc Prozac cho đến khi nó cho phép con đực giao phối. Một cuộc khảo sát năm 2000 về các sở thú tại Bắc Mỹ cho thấy gần một nửa số người được hỏi đã cho khỉ đột của họ uống Haldol, Valium hoặc một loại thuốc an thần khác.

Sở thú liệu còn xứng với cái giá của lòng trắc ẩn? ảnh 4

Một số động vật trong vườn thú cố gắng trốn thoát. Cuốn sách năm 2010 của Jason Hribal, “Fear of the Animal Planet" (tạm dịch: "Nỗi sợ của Hành tinh Động vật'") ghi lại hàng tá cuộc đào tẩu của các loài trong sở thú. Trong cuốn sách của ông, những con voi nổi bật một phần vì chúng quá lớn nên khi trốn thoát, chúng thường trở thành tâm điểm chú ý.

Tác giả Hribal đã ghi lại nhiều câu chuyện về những con voi chạy trốn, trong một trường hợp, chúng chạy đến một khu rừng gần đó với một cái ao để tắm bùn. Ông cũng kể lại nhiều ví dụ về việc những con voi trong vườn thú làm tổn thương hoặc giết chết những người trông giữ chúng và bằng chứng cho thấy các vườn thú thường xuyên hạ thấp hoặc thậm chí nói dối về những sự cố đó.

Voi không phải là loài duy nhất cố gắng chạy trốn khỏi sở thú. Vào năm 2007, Tatiana - một con hổ được nuôi trong Sở thú San Francisco, bằng cách nào đó đã nhảy qua bức tường cao 3 m và lập tức giết chết một trong ba thiếu niên đã trêu chọc nó. Tatiana sau đó đuổi theo hai thiếu niên còn lại, bỏ mặc những người khác trong sở thú, nó lao vào tấn công hai nạn nhân trước khi bị cảnh sát bắn chết.

Các nhà điều tra đã tìm thấy những chiếc gậy và quả thông bên trong khu vực nuôi nhốt, rất có thể là do các nạn nhân đã ném vào khiến Tatiana bị kích động.

Loài vượn rất giỏi trốn thoát. Một con khỉ đột tên Nhóc Joe đã trốn thoát khỏi sở thú Franklin Park ở thành phố Boston hai lần vào năm 2003. Tại sở thú Los Angeles, một con khỉ đột tên Evelyn đã sở hữu bộ sưu tập với 7 lần "vượt ngục" trong vòng 20 năm. Loài linh trưởng có khả năng cạy ổ khóa và để mắt đến những người chăm sóc chúng, chờ ngày ai đó quên khóa cửa.

Một con đười ươi ở sở thú Omaha (bang Nebraska) từng giấu dây móc khóa trong miệng. Một con khỉ đột tên Togo ở vườn thú Toledo (bang Ohio) đã sử dụng sức mạnh đáng kinh ngạc của mình để bẻ cong các thanh sắt trong lồng.

Vào những năm 1980, một nhóm đười ươi đã trốn thoát nhiều lần tại sở thú San Diego (bang California). Trong một lần trốn thoát, chúng đã phối hợp cùng nhau: Một con giữ chặt cán cây lau nhà trong khi một con khác leo lên để tẩu thoát. Một lần khác, một trong những con đười ươi tên Kumang, đã học cách sử dụng gậy để nối đất dây điện được chăng xung quanh chuồng của mình. Sau đó nó có thể trèo lên dây mà không bị giật.

“Tôi không thấy có vấn đề gì với việc giữ động vật để trưng bày. Mọi người cho rằng vì một con vật có thể di chuyển những khoảng cách xa nên chúng sẽ chọn tẩu thoát”, ông Ashe bình luận.

Vị này lập luận, nếu động vật có mọi thứ chúng cần gần đó, chúng sẽ hài lòng với những lãnh thổ nhỏ hơn. Và đúng là quy mô lãnh thổ của một loài động vật như sói phụ thuộc rất lớn vào mật độ tài nguyên và những con sói khác. Nhưng sau đó là nhịp độ, sự rung chuyển. Con người không thể hỏi động vật xem chúng có hài lòng với kích thước chuồng của mình hay không.

“Đó là sự thật. Luôn có yếu tố lựa chọn bị loại bỏ khỏi chúng trong môi trường nuôi nhốt. Đó là điều không thể phủ nhận", ông Ashe thừa nhận. “Chúng ta sống với những ràng buộc của chính mình. Tất cả chúng ta đều bị giam cầm ở một số khía cạnh xã hội, đạo đức và tôn giáo và những ràng buộc khác đối với cuộc sống và hoạt động của chúng ta".

Điều gì sẽ xảy ra nếu các sở thú ngừng nhân giống tất cả các loài động vật của họ, ngoại trừ các loài có nguy cơ tuyệt chủng có và cơ hội thực sự được thả trở lại tự nhiên? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ gửi tất cả các loài động vật cần diện tích thực sự rộng lớn hoặc nhiều tự do và xã hội hóa đến khu bảo tồn?

Khi vượn, voi, mèo lớn và các loài to lớn và thông minh khác đã biến mất, sở thú có thể mở rộng chuồng cho những loài động vật còn lại, tập trung vào việc giữ cho chúng hạnh phúc cho đến khi chúng chết tự nhiên. Cuối cùng, những động vật duy nhất được trưng bày sẽ là một số cổ vật còn sót lại từ các trại chăn nuôi cũ, động vật trong các chương trình nhân giống bảo tồn tích cực và từ những cuộc giải cứu.

Những vườn thú như vậy thậm chí có thể được sáp nhập với các khu bảo tồn, những nơi tiếp nhận động vật hoang dã bị thương hoặc bị giam cầm suốt đời không thể sống trong tự nhiên. Những nơi trú ẩn hiện tại thường cho phép du khách, nhưng cơ sở vật chất của họ thực sự được sắp xếp cho động vật chứ không phải cho con người. Những vườn thú trú ẩn này có thể trở thành nơi sinh sống của động vật.

Sự chuyển đổi như vậy có thể giải phóng một số không gian. Những vườn thú này có thể làm gì với nó, ngoài việc mở rộng các khu vực bao quanh?

Khi các loài động vật nuôi nhốt "nghỉ hưu" và chết đi mà không được thay thế, các cơ sở này có thể dành nhiều không gian hơn cho thế giới thực vật. Một khu vườn được chăm sóc tốt có thể là địa điểm cho một “cuộc dạo chơi với bạn bè hoặc gia đình” bổ ích.

Những vườn cây được thiết kế đẹp mắt cũng sẽ tạo ra trải nghiệm độc đáo cho người tham quan, khi họ chứng được sự kỳ diệu không ngừng của quá trình tiến hóa và không có cảm giác khó chịu hay tội lỗi nào.

Theo New York Times
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.
UBND tỉnh Quảng Trị, T&T Group và Công ty năng lượng SK E&S ký kết hợp tác đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh
Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK
Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.