Vào tháng 4, một nhóm trên Facebook có tên "Tigers of India", nơi những du khách chia sẻ trải nghiệm tham quan các khu bảo tồn hổ tại Ấn Độ đã chia sẻ hình ảnh một con hổ với vết thương có giòi.
Nhiếp ảnh gia đã nhận thấy sự khó chịu của con hổ và nhờ các thành viên trong nhóm giúp chuyển thông tin cho cơ quan quản lý khu bảo tồn. Giống như những du khách thường xuyên khác đến Khu bảo tồn hổ Tadoba Andhari, nhiếp ảnh gia đã có thể xác định tên của con hổ.
Theo ông Aly Rashid, giám đốc chuỗi khách sạn Jehan Numa Wilderness ở bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, khách du lịch đang đóng vai trò "tai mắt" của các khu bảo tồn.
“Nhiều khu bải tồn ở Ấn Độ đang thiếu nhân lực, vì vậy khi khách du lịch tới đây, họ sẽ là những người báo cáo nếu có bất cứ điều gì không ổn hoặc nếu có bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào đang diễn ra”, ông Rashid chỉ ra.
Kết quả điều tra được công bố vào tháng 4 năm 2023 cho thấy Ấn Độ có 3.167 cá thể hổ, chiếm gần 75% quần thể hổ hoang dã trên thế giới. Nhưng chỉ nửa thế kỷ trước, số lượng hổ của Ấn Độ đã giảm xuống còn 1.827 con, khiến Thủ tướng Ấn Độ lúc đó là Indira Gandhi khởi động "Dự án Hổ". Mặc dù có một số bất cập, đây hiện được coi là một trong những chương trình bảo tồn động vật thành công nhất thế giới.
Các chuyên gia bảo tồn cho rằng có những lý do chính đáng cho việc tập trung bảo vệ loài hổ. Là những kẻ săn mồi đỉnh cao, loài ăn thịt này giúp điều chỉnh hệ sinh thái rừng bằng cách kiểm soát số lượng động vật ăn cỏ. Các nhà khoa học cho biết nếu các loài như hươu và linh dương phát triển mạnh, chúng sẽ ngốn sạch thảm thực vật và cây cối trong rừng, cuối cùng dẫn đến sự suy thoái và phá hủy các quần xã sinh vật.
Anish Andheria, chủ tịch của Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mumbai, cho biết: “Bảo vệ hổ có nghĩa là bảo vệ những cảnh quan rộng lớn và mọi thứ bên trong, từ bướm đến ếch, mối cho đến voi, cũng như cây cối và sông ngòi”.
Trong khi các quốc gia châu Á khác như Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc đang gặp khó trong cuộc chiến bảo tồn hổ, thì Ấn Độ đang nỗ lực vực dậy quần thể hổ từ bờ vực tuyệt chủng bằng cách tận dụng sức hút của loài mèo lớn. Vẻ đẹp của loài hổ giúp thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, mang theo nguồn lợi kinh tế cho các cộng đồng bản địa và khu bảo tồn hổ tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, ngành "du lịch hổ" từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi, khi nhiều chuyên gia cho rằng hoạt động này gây bất lợi cho quá trình bảo tồn. Một số người cho rằng sự hiện diện của con người làm xáo trộn môi trường sống hoang dã và nhịp điệu tự nhiên của động vật. Người ta cũng cho rằng khi hổ quen với sự di chuyển của con người, chúng có xu hướng không còn sợ hãi, khiến chúng trở thành mục tiêu dễ dàng hơn cho những kẻ săn trộm.
Tuy nhiên, các báo cáo gần đây cho thấy số lượng hổ đang gia tăng ở những khu vực được khách du lịch ưa chuộng.
Daleep Akoi, nhà bảo tồn và chủ sở hữu của nhà nghỉ Jim's Jungle Retreat gần Công viên Quốc gia Jim Corbett ở miền Bắc Ấn Độ, cho biết: "Ngay khi du lịch phát triển, chính phủ sẽ chú ý nhiều hơn đến công viên, điều này thực sự có nghĩa là cơ chế giám sát và bảo vệ tốt hơn".
Ngoài việc kiểm tra hoạt động săn trộm, khách du lịch còn trở thành những nhà "khoa học" bất đắc dĩ, bổ sung vào ngân hàng kiến thức về loài hổ.
Một du khách đã chụp được hình ảnh một con hổ cái trưởng thành đang nuôi dưỡng một con hổ cái khác và chuyển thông tin này tới khu bảo tồn. Các nhà khoa học cho biết hiếm khi loài hổ có hành vi "nhận con nuôi" này.
Trong khi cuộc tranh luận về bảo tồn diễn ra gay gắt, các chuyên gia như Anish Andheria cho rằng việc công chúng không quan tâm đến hổ có lẽ góp phần gây khó khăn cho các nước châu Á vốn ít thành công trong công tác bảo tồn.
Ngoài ra, việc lôi kéo các cộng đồng bản địa tham gia vào nỗ lực bảo tồn cũng là điều cấp thiết. Một khi người dân địa phương nhận ra lợi ích kinh tế của hoạt động "du lịch hổ" và bắt đầu hiểu rằng động vật hoang dã có thể đem lại nguồn lợi kinh tế hợp pháp, họ có thể trở thành những nhà bảo tồn hàng đầu.
Chuyên gia Anish Andheria, chủ tịch của Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã, cho biết sinh kế của hàng trăm gia đình tại Ấn Độ đang phụ thuộc vào ngành "du lịch hổ". Họ đảm nhận các công việc như cán bộ lâm nghiệp, nhân viên khách sạn, tài xế taxi, lái xe jeep safari, hướng dẫn viên, chủ nhà trọ và người bán đồ lưu niệm.
Người dân sống trong các ngôi làng xung quanh khu bảo tồn hổ có đời sống khá giả hơn khi du lịch phát triển. Điều này khiến họ có thêm ý thức bảo vệ loài hổ.
Tuy nhiên, nhà bảo tồn Daleep Akoi cũng cảnh báo về sự gia tăng không kiểm soát của các nhà nghỉ xung quanh khu bảo tồn.
Theo báo cáo năm 2016 của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, hoạt động du lịch không kiểm soát có thể nhanh chóng dẫn đến các hoạt động du khách được chụp ảnh selfie với hổ bị đánh thuốc mê hoặc nuôi nhốt trong lồng.
Các khu bảo tồn như Tadoba có lệnh cấm du khách mang điện thoại vào rừng. Thời gian cho các chuyến tham quan do cục lâm nghiệp địa phương quy định, những người lái xe và hướng dẫn viên có thể bị phạt nếu đi muộn.
Chỉ một số phương tiện cố định được phép vào rừng trong mỗi chuyến tham quan, chỉ diễn ra dọc theo một tuyến đường được chỉ định trước. Để giảm bớt áp lực của những chuyến đi bằng xe jeep trong rừng, một số nhà nghỉ thân thiện với môi trường đã nghĩ ra các hoạt động tự nhiên khác, bao gồm đi bộ trong vùng hoang dã, tham quan bằng thuyền.