Việc thiếu hụt khỉ phục vụ mục đích nghiên cứu có thể làm trì hoãn hoạt động của các nhà sản xuất dược phẩm Mỹ, thậm chí có nguy cơ trở thành vấn đề an ninh kinh tế quốc gia.
Theo nhà phân tích Elizabeth Anderson của hãng nghiên cứu Evercore ISI, giá của các loài động vật thí nghiệm, chẳng hạn như khỉ đuôi dài và khỉ vàng, đã tăng lên khoảng 55.000 - 60.000 USD trong tháng 4 vừa qua, trong khi giá thành trước COVID-19 chỉ rơi vào khoảng 4.000 - 7.000 USD.
Khỉ là loài động vật thiết yếu được sử dụng trong mục đích nghiên cứu và chế tạo thuốc tại Mỹ, vốn yêu cầu thử nghiệm an toàn trên động vật trước khi thử nghiệm lâm sàng trên người. Nhu cầu khỉ thí nghiệm tăng sau khi đại dịch bùng phát, đặc biệt là từ các công ty dược phẩm lớn đang gấp rút phát triển vaccine và phương pháp điều trị, giúp đẩy giá thành lên cao.
Giá khỉ tăng đột biến chủ yếu do Trung Quốc, vốn cung cấp 60% số lượng khỉ thí nghiệm cho Mỹ, đã đột ngột cắt giảm các chuyến hàng ra nước ngoài sau khi đại dịch bắt đầu.
Mỹ đã nhập khẩu 20.270 cá thể khỉ thí nghiệm từ Trung Quốc vào năm 2019, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Vào năm 2020, con số đó giảm xuống chỉ còn 3.723 cá thể. Trung Quốc cho biết việc đình chỉ xuất khẩu là do ngăn chặn đà lây lan của mầm bệnh.
Quan hệ Trung-Mỹ xấu đi cũng là yếu tố thúc đẩy giá cả leo thang. Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực y tế và dược phẩm với tham vọng trở thành cường quốc y dược.
Do đó, nước này muốn giữ lại số lượng lớn khỉ nhằm mục đích nghiên cứu trong nước. Điều này giống với cách Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu các loại đất hiếm, vốn sử dụng trong sản xuất điện thoại thông minh và xe điện, với lý do đảm bảo an ninh kinh tế.
Các hãng dược phẩm của Mỹ đang "đỏ mắt" tìm kiếm nguồn cung mới, nhưng rất khó để nhanh chóng ổn định so với mức trước COVID-19. Những con khỉ được sử dụng để thử nghiệm thuốc phải được nuôi trong chuồng trại với những điều kiện nghiêm ngặt. Khỉ hoang dã có thể mang mầm bệnh và không thể được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng.
Sau khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu, Campuchia nổi lên trở thành thị trường thay thế. Nhưng vào tháng 11, các quan chức Campuchia bị cáo buộc xuất khẩu khỉ đuôi dài hoang dã sang Mỹ dưới vỏ bọc là đã được nuôi nhốt để nghiên cứu. Kể từ đó, Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Mỹ đã cấm nhập khẩu từ quốc gia Đông Nam Á này.
Hiện tại không có triển vọng nối lại xuất khẩu từ Trung Quốc hoặc Campuchia. Nhà phân tích Elizabeth Andersoncho biết tuyến xuất khẩu khỉ từ Trung Quốc khó có thể tiếp tục vào năm 2023 do lập trường cứng rắn của nước này đối với Mỹ.
Ảnh hưởng của sự thiếu hụt khỉ đối với sự phát triển của các phương pháp điều trị ung thư và các loại thuốc khác đang lan rộng.
Bà Anderson cho biết nếu nguồn cung mới không được đảm bảo, thì các công ty dược phẩm của Mỹ có thể bắt đầu cảm nhận rõ hậu quả trong quá trình nghiên cứu thuốc mới từ tháng 6.