Đánh giá của Ban Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng cho thấy: Trong ba năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại tỉnh là trên 8.300 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn lồng ghép các chương trình, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, vốn huy động trong cộng đồng...
Với sự đoàn kết, trách nhiệm, tập trung của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, chung tay đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, đến nay toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 80% tổng số xã. Dự kiến, đến cuối năm 2023, tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (số tiêu chí nông thôn mới đạt bình quân là 18,53 tiêu chí/xã).
Hiện Sóc Trăng có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 20% tổng số xã, dự kiến đến cuối năm nay có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ba đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn huyện nông thôn mới là thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên. Tỉnh phấn đấu cuối năm 2023, có thêm 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới là Châu Thành và Cù Lao Dung (nâng tổng số toàn tỉnh đến cuối năm 2023 có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới).
Từ thực hiện có hiệu quả phong trào, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội của người dân có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng hằng năm (đến cuối năm 2022 đạt hơn 45,6 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2% mỗi năm, trong đó tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 3% mỗi năm; cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn nông thôn là 4,75%. Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2022, tổng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 15.139 hộ, chiếm 4,54% tổng số hộ.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững, quốc phòng được củng cố và tăng cường; dân chủ ở nông thôn được cải thiện và ngày càng phát triển. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở ngày càng hiệu quả và có nhiều đổi mới. Nhiều phong trào, mô hình được kế thừa, bổ sung và phát triển như "Dân vận khéo", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch và xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch"; Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh...
Nhiều tham luận của các tập thể, cá nhân đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Văn Lâu cho rằng: Chương trình nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn "sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn", giàu bản sắc văn hóa truyền thống.
Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể tỉnh cần tiếp tục phát huy, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết và phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, đem lại sự chuyển biến tích cực, rõ nét ngay từng hộ gia đình, từng xóm ấp...
Dịp này, 2 tập thể và 8 cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về những đóng góp tích cực trong 3 năm triển khai Nghị quyết 09 về xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025.