Sau Đại hội XX của Trung Quốc, ông Lý Cường, người đứng đầu Thành ủy Thượng Hải, sẽ kế nhiệm đương kim Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Ông Lý sẽ phải đảm nhận nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng để chống lại tình trạng mất việc làm trên diện rộng, vốn có thể làm suy yếu sự ổn định xã hội, vào thời điểm mà ông Tập đang ngày càng chú trọng hơn đến vấn đề an ninh.
Thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc sẽ phải kế thừa một nền kinh tế đang hứng chịu những tác động tiêu cực bởi dịch bệnh và cuộc khủng hoảng tài sản ngày càng sâu sắc, trong khi triển vọng cho một cuộc cải cách còn xa vời.
Hôm thứ Hai, chứng khoán Hong Kong và Trung Quốc, cùng với đồng nhân dân tệ suy giảm sau khi kết quả của Đại hội XX làm dấy lên lo ngại rằng ông Tập sẽ tăng cường sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động kinh tế.
"Các biện pháp hạn chế dịch bệnh sẽ không sớm được nới lỏng bất cứ lúc nào, lĩnh vực bất động sản sẽ không khởi sắc trong thời gian tới, phe cải cách kinh tế không còn ai. Điều này đánh vào niềm tin của các nhà đầu tư", một nguồn tin của hãng thông tấn Reuters chỉ ra. "Chính phủ mới sẽ có ít lựa chọn ngoài việc sử dụng các biện pháp kích thích lớn trong năm tới để hỗ trợ nền kinh tế, tập trung vào đầu tư và các dự án lớn".Dịch Cương
Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một nhà kinh tế được đào tạo tại Mỹ, người được coi là bộ não đằng sau những cải cách của Trung Quốc, sẽ được thay thế bởi ông Hà Lập Phong - Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, vốn thân cận với ông Tập.
Một nhân vật khác là Dịch Cương - Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, có khả năng từ chức khi ông đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc vào năm 2023.
Việc ông Lý Cường vẫn được chọn vào vị trí Thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc khiến giới quan sát bất ngờ, bởi họ cho rằng ông Lý là người chịu trách nhiệm cho việc Thượng Hải phải trải qua 2 tháng phong tỏa vì dịch bệnh, cũng như thiếu sót về kinh nghiệm quản lý kinh tế cấp vĩ mô.
Một núi thách thức
Các nhà phân tích nhận định, việc ông Tập thúc đẩy mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo có thể gây nguy hiểm cho mục tiêu lâu dài của ông là biến Trung Quốc thành một cường quốc toàn cầu.
Phép màu kinh tế Trung Quốc bắt đầu vào năm 1978 khi Đặng Tiểu Bình khởi động cuộc cải cách lịch sử, cho phép nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động và mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài.
"Với an ninh quốc gia được nâng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng, làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa phát triển và an ninh có thể là một trong những câu hỏi quan trọng nhất đối với giới lãnh đạo trong những năm tới", các chuyên gia của tập đoàn phân tích và xếp hạng Citi nhận định sau khi Trung Quốc công bố dàn lãnh đạo mới.
Sau khi dữ liệu kinh tế chính thức cho thấy sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong quý thứ ba, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các manh mối chính trong chương trình nghị sự từ cuộc họp Bộ Chính trị và Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hàng năm, cả hai sự kiện đều được dự kiến tổ chức vào tháng 12.
Vào tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp thành thị Trung Quốc đã tăng lên 5,5%, mức cao nhất kể từ tháng 6, do ảnh hưởng của dịch bệnh, với tỷ lệ thất nghiệp cho những người tìm việc từ 16 đến 24 là 17,9%.
Trung Quốc đang trên đà bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5,5%. Cuộc thăm dò mới nhất của Reuters dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc chỉ ở mức 3,2% và sẽ lên tới 5,0% vào năm 2023.
Những gương mặt mới trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đã không làm hài lòng các nhà đầu tư, những người đã hy vọng ông Tập sẽ giữ chân một số quan chức có tư tưởng cải cách, bao gồm Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương.
Alvin Tan - chuyên gia tại ngân hàng RBC Capital Markets ở Singapore, cho biết: “Có thể có nhiều sự khác biệt với quan điểm của chính ông Tập về cách đưa đất nước và nền kinh tế tiến lên”.