Thăm rừng di sản pơ mu

Rừng pơ mu vận vào tiềm thức của người dân A Xan ý niệm báu vật của làng? Dưới mái gươl, lớp hậu bối lặng nghe lời truyền dạy của già làng. Không xa, pơ mu sừng sững, thẩm xanh săn chắc dáng rừng.
Thăm rừng di sản pơ mu

Tôi trở lại A Xan (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), ước chừng cũng tầm một năm xa cách. Mảnh đất tựa lưng vào sườn Nam Trường Sơn này, cơ hồ đang cựa mình đổi mới. Mà hiện thực nhất, là con đường bê tông thay con đường đất đến giờ vẫn còn ám ảnh chúng tôi trong chuyến đi trước. Nhưng những mái nhà của người Cơ Tu vẫn vậy, vẫn lặng lẽ khép mình bên gươl làng. Và chủ nhân của ngôi làng, vẫn thế, vẫn hiền hoà và mến khách như cũ.

Gươl là cách gọi của người Cơ Tu, ý nghĩa cũng như đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây nguyên gọi là nhà rông. Hôm nay có vẻ họ đang rất bận, khi miệt mài với những công việc cho ngày lễ công nhận quần thể cây pơ mu là cây di sản. Nhưng gặp lại “khách quen”, sự hiếu khách của họ trở về bản ngã.

Cái sự trở-về-bản-ngã ấy, được cụ thể hóa bằng hành động hẳn hoi. Là sau cái bắt tay, cái ôm thân mật, là phải “âm lúch’’. “Âm lúch’’ trong tiếng Cơ Tu nghĩa là “uống hết”. Rằng rượu tr’đin ngon và dễ uống thiệt, nhưng sau gần chục cái “âm lúch’’, lũ dưới xuôi chúng tôi đều… chóng mặt! Và đến lúc này, già làng Hốih Nhiếc mới… điềm tĩnh kể chuyện làng.

Đôi mắt già Hốih Nhiếc như sáng quắc lên, khi nói chúng tôi nghe về buổi lễ công nhận cây di sản. Họ mừng, cái thành quả đến từ sự… ngẫu nhiên, rồi sẽ được nhiều người biết đến. Và họ bỗng chốc lo, lo cho sự an nguy của rừng pơ mu. Già Nhiếc quả quyết, rằng không sợ người Cơ Tu mình, mà chỉ sợ người dưới xuôi lên tàn phá. Bởi từ lâu, rừng pơ mu được xem là báu vật của làng. Tự tiềm thức họ, mãnh liệt nghĩ suy giữ gìn. Khi nghe tin rừng pơ mu sẽ được công nhận di sản, người dân 3 thôn A Rầng 1, A Rầng 2 và Ganil đã chia nhau làm các “tiểu ban phục vụ” cho buổi lễ.

Tôi nhớ chiều hôm trước, dưới mái gươl A Rầng 1, bắt gặp một nhóm người đang hì hục với công việc. Kẻ thì đan lạt. Người thì vót lồ ô… Trưởng thôn Pơloong Zà nói rằng thôn mình lo việc làm lán, chòi ở bìa rừng pơ mu. Mùa này mưa hay bất chợt. Nên làm ở gươl làng, xong, mang vào rừng ráp. Ai nấy cũng chăm chỉ.

Tôi hỏi đùa: “Chỉ là một buổi lễ, sao phải kỹ và chỉnh chu rứa?”. Pơloong Zà cười, thủng thẳng: “Mình phải làm kỹ, cho lâu hư. Phải làm cho đẹp, để hấp dẫn mọi người. Vì sau này, ở đó sẽ làm du lịch…’’.

Cái thông tin sẽ làm du lịch ở rừng pơ mu, chính vị Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc tâm sự hôm chúng tôi rời A Xan sang Lào. Ông nói bằng tất cả hồ hởi và xen lẫn ước mơ. Trong bối cảnh mà người đồng bào khó sống nếu không… phá rừng, thì việc giữ được rừng pơ mu đã quý. Nhưng nếu biết kết hợp giữa giữ rừng pơ mu với giúp họ kiếm sống từ rừng này, tức là làm du lịch, thì càng quý hơn.

Hẳn điều này, được ông nghĩ trên thực tế hẳn hoi, mà 2 tấm gương sáng là làng du lịch cộng đồng Cơ Tu tại Ta Bhinh ở huyện Nam Giang và Bhờ Hôồng 1 ở huyện Đông Giang. Tôi ướm hỏi anh Zơ Râm Boông về điều ấy, vừa đan lạt, anh cười gọn lỏn: “Thì mình cũng mong thế!”.

Thăm rừng di sản pơ mu ảnh 1

Người dân A Rầng 1 vớt nan tre để làm trại cho lễ công nhận cây di sản.

Người Cơ tu quan niệm, pơ mu là vật thiêng của làng, nên họ hết sức giữ gìn. Già làng Pơloong Đưm, thôn Arầng 1: “Theo truyền thống của đồng bào nơi đây, những cây to trong rừng là chỗ trú ngụ của thần linh, hoặc là nơi linh hồn người chết trú ẩn, những cây pơ mu to lớn cũng không ngoại lệ. Loại gỗ này chôn dưới đất lâu ngày không bị mục nát, nên người dân chỉ dùng để đóng quan tài.

Trước kia, những cây gỗ này, chúng tôi thường lấy để làm quan tài, làm nhà, làm gươl. Nhưng khi nghe Đảng, Nhà nước tuyên truyên từ nhiều năm trước, chúng tôi không chặt phá nữa mà bảo vệ nghiêm ngặt. Bây giờ cây pơ mu như vật thiêng của bản làng mình, nên quyết tâm gìn giữ cho con cháu mai sau".

Ngay cả trước đây, người dân muốn chặt cây pơ mu phải có sự đồng ý của cả làng, rồi phải mời già làng làm lễ cúng để xin chặt cây. Bây giờ đây, cánh rừng pơ mu là tài sản quý; không chỉ có giá trị về vật chất, mà còn thấm đượm giá trị tinh thần của người Cơ Tu. Do đó, việc gìn giữ pơ mu đối với họ có nhiều ý nghĩa, nên ý thức trách nhiệm khá cao.

Hành trình trở thành cây Di sản Việt Nam của pơ mu khá gian nan. Từ ý kiến của địa phương này, Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vào cuộc, bằng cách thực địa để khoan cây đo độ tuổi trước khi hoàn thiện hồ sơ. TS Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp) người cùng PGS.TS Vũ Đình Hèo - Tổng Thư ký Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, từng lặn lội lên “vương quốc” pơ mu cho biết đã mất khoảng 1 tuần để khoan, đo đạt..., nhằm đánh giá độ tuổi cây pơ mu.

“Những cây pơ mu ở đây rất đặc trưng, thân to, thẳng, rễ chùm và gỗ rất thơm. Có khoảng trên 700 cây có độ tuổi trên 700 năm. Hiện nay, ở nước ta những rừng pơ mu như thế này còn rất ít. Đây là tặng vật mà thiên nhiên ban tặng cho Tây Giang, chúng ta cần gìn giữ chúng một cách cẩn thận”- TS Lê Huy Cường cho hay.

Thăm rừng di sản pơ mu ảnh 2

TS Lê Huy Cương khoan để xác định tuổi cây pơ mu.

Pơ mu ở đây cao từ 25-30m, có cây cao đến 50m, phải nhiều người ôm mới xuể. Cây có vỏ màu ánh nâu, xám, nứt nẻ. Ở những cây già vỏ dày, có vết nứt theo chiều dọc và có mùi thơm đặc trưng. Loài cây này không chịu được bóng râm, nên vươn mình lớn mãi.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang, khu rừng này có 1.234 cây phân bố trên diện tích 250 ha thuộc 4 tiểu khu 94, 97, 101. Trong đó, 1 cây to nhất với đường kính lên tới 3,5 m; 5 cây với đường kính từ 2-2,5 m; 7 cây có đường kính từ 1-1,9 m; 150 cây có đường kình từ 1-1,8m; còn lại là những cây có đường kính dưới 1 m.

Số liệu những cây pơ mu này được quản lý chặt chẽ bởi lực lượng kiểm lâm huyện và người dân địa phương. Đây được xem là cánh rừng nguyên sinh cuối cùng, có trữ lượng lớn nhất ở Nam Trường Sơn.

Thăm rừng di sản pơ mu ảnh 3

Một trong hai gốc đa di sản.

Điều thú vị là bên cạnh 725 cây pơ mu, thì 2 cây đa đoàn kết cũng được xét chọn là cây di sản, đưa huyện Tây Giang trở thành địa phương đứng đầu cả nước về số lượng cây Di sản Việt Nam. Hai cây đa này có độ tuổi gần 1.000 năm.

Dân làng Arầng 1 đặt cho cái tên là cây đa đoàn kết. Đây là hai cây đã từng được người xã A Xan và Lăng “mượn” để giải hòa với nhau, cùng xóa bỏ hủ tục “săn đầu người” tàn khốc. Ngày nay, người dân trong thôn đã xây một ngôi đền dưới hai cây này để thờ thần rừng.

Lê Xuân Thọ

Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.