Lần đầu tiên, 41 họa sĩ cùng tham gia vào một triển lãm gốm, một con số kỷ lục mà giám tuyển Lê Thiết Cương xác nhận là chưa từng có. Tuy nhiên, ẩn sau con số này là một “tập thể đơn lập” – mỗi họa sĩ đều bước vào một cuộc lãng du riêng biệt, mang theo cảm hứng cá nhân từ văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Có người vẽ từ cốt truyện, có người lấy cảm hứng từ một câu đối thoại, có người chỉ dựa vào tên truyện, nhưng có người lại đề hẳn đoạn văn lên đĩa gốm. Sự đa thanh này khiến không gian trên đĩa gốm Bát Tràng, dù đơn sắc, trở thành một sân chơi nghệ thuật đương đại đầy biến ảo.
![]() |
Không gian triển lãm Gốm Thiệp ở 22 Hàng Buồm, Hà Nội |
Đây không chỉ thuần gốm, mà là gốm-văn, là những “ngữ nghĩa có hình”, như một cách phục dựng tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp qua thị giác. Sự sống động này, như họa sĩ Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ, bắt nguồn từ đời sống nghệ sĩ rất “thật” và cũng rất “Thiệp” của nhà văn.
Nguyễn Huy Thiệp vẽ trên gốm như một thú chơi, để tặng bạn bè, ghi dấu kỷ niệm, hoặc đơn giản là “trò chuyện văn học”. Những chiếc đĩa vẽ chân dung bạn bè, thần tượng – từ Lý Bạch đến Hồ Xuân Hương – là chứng tích cho một tinh thần nghệ sĩ tự do nhưng cũng đầy trăn trở và nhân bản của ông.
![]() |
Đĩa gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm "Không có vua" của họa sĩ Lê Minh Đức. |
Trong triển lãm Gốm Thiệp, không thể không nhắc đến hai con của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – Bách và Khoa. Bằng cách tham gia cùng các họa sĩ khác trong hành trình lãng du, họ không chỉ góp phần tiếp nối di sản văn hóa của cha mà còn mang lại một chiều sâu cảm xúc rất riêng biệt.
Đọc trong thư ngỏ mà Bách chia sẻ về triển lãm, có thể thấy anh tham gia cuộc chơi này không chỉ với tư cách là con trai của Nguyễn Huy Thiệp, mà còn là người nối dài mối quan hệ đặc biệt giữa bè bạn và văn chương của cha. Có lẽ Bách cũng cảm nhận mỗi tác phẩm gốm đều mang trong đó những “ngữ nghĩa có hình” mà cha anh để lại, những tầng nghĩa ẩn sâu trong những câu chữ tưởng chừng giản đơn mà lại đầy nhức nhối.
![]() |
Chùm đĩa gốm tạo hình "trái tim hổ" và "hoa ban" của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy |
Là bạn tâm giao của Nguyễn Huy Thiệp, Lê Thiết Cương gọi Gốm Thiệp là một triển lãm “có một không hai” vì Nguyễn Huy Thiệp là một trường hợp hiếm hoi, nếu không muốn nói là độc nhất, có thể mở ra cả hình ảnh, màu sắc, không gian thị giác lẫn chiều sâu triết lý và biểu tượng.
![]() |
41 họa sĩ đương đại và hành trình "nối nghĩa" với văn chương Nguyễn Huy Thiệp |
Văn chương Nguyễn Huy Thiệp luôn “nhiều nghĩa” và “lưỡng nghĩa”, chính là mảnh đất màu mỡ để các nghệ sĩ gieo trồng ý niệm. Những đĩa gốm, bình gốm vì thế trở thành một hình thức văn bản mới, nơi mà nghĩa không chỉ được đọc bằng mắt, mà còn phải cảm bằng đôi tay, khối óc và trái tim.
Đúng như tên gọi, Gốm Thiệp đã trở thành một cuộc lãng du đầy ẩn dụ của "nghĩa". Nó không chỉ dừng lại ở mỹ thuật, mà còn là cuộc đối thoại xuyên thời: giữa văn chương và tạo hình, giữa nhà văn quá cố và thế hệ nghệ sĩ hôm nay, giữa ký ức và hiện tại, giữa bạn bè và một văn tài đã xa vắng.