Ngày 2/3, tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, khả năng đáp ứng của ngành y tế Thành phố khi xuất hiện cúm A (H5N1) ở biên giới Việt Nam-Campuchia, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết ngay khi có văn bản cảnh báo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 24/2 về tình hình cúm A (H5N1), Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo cho tất cả các cơ quan, ban ngành chủ động ứng phó.
Tại khu vực cửa khẩu, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường khám xét người đến từ nước ngoài, bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế của HCDC tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng hàng hải trong phạm vi. Nếu có trường hợp nghi ngờ sẽ thăm khám, điều tra dịch tễ, chẩn đoán.
Tại các cửa khẩu này, Sở sẽ phối hợp Chi cục thú y để kiểm soát tình trạng gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam.
Ở cửa khẩu nội địa, ngành y tế tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp viêm hô hấp cấp, đặc biệt là người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm, có các triệu chứng nghi ngờ.
Cùng với đó, Sở Y tế cũng tăng cường giám sát để phát hiện các chùm ca bệnh viêm hô hấp cấp tại cộng đồng.
Khi phát hiện những trường hợp bệnh viêm hô hấp nặng, chùm ca bệnh, Sở sẽ báo cáo và phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, có chẩn đoán, điều trị kịp thời; đồng thời báo cáo HCDC để tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý.
Bên cạnh đó, HCDC tăng cường công tác truyền thông đến cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng tiếp xúc nhiều với gia cầm.
Theo bà Lê Hồng Nga, dịch cúm này chưa xuất hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, thành phố từng ghi nhận 4 ca bệnh cúm A (H5N1) vào năm 2004, từ đó đến nay chưa ghi nhận thêm ca nào. Do đó, cúm A (H5N1) chưa được coi là bệnh lưu hành tại thành phố.
Tuy nhiên, với mức độ giao lưu tại một thành phố rộng lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là nơi mua sắm, giao thương nhiều mặt hàng, HCDC cũng khuyến cáo người dân cảnh giác cao độ về nguy cơ xâm nhập của loại cúm này.
Để phòng dịch, các chuyên gia khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, thịt gia cầm sống, thức ăn chưa nấu chín kỹ; luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm để ngăn ngừa virus xâm nhập.
Liên quan đến số ca viêm cơ tim ở trẻ, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thiện Quỳnh Như, cho biết đến nay, thành phố ghi nhận 3 trường hợp bệnh nhi mắc viêm cơ tim; trong đó, 1 trường hợp đang chuẩn bị xuất viện, 2 trường hợp lâm sàng đã ổn định.
“Theo tình hình hiện nay, Sở Y tế nhận thấy chưa có xu hướng tăng về số trẻ bị viêm cơ tim. Các Bệnh viện Nhi tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai hàng loạt kĩ thuật hồi sức chuyên sâu,” đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, viêm cơ tim rất khó nhận biết, phân biệt rõ ràng với các bệnh lý khác. Một số triệu chứng ghi nhận được là đau ngực, môi trẻ tím tái kèm sốt.
Hồi đầu tháng 2/2023, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cứu sống một bệnh nhi 13 tuổi, từ Kiên Giang chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh trong tình trạng tim ngừng đập với chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp.
Bệnh viện đã khởi động quy trình báo động đỏ để duy trì, nhanh chóng hồi sức tim mạch, duy trì nhịp tim, bảo vệ não, điều trị tổn thương gan, thận, các quy trình hạ thân nhiệt, lọc máu liên tục.
Các bác sỹ khoa hồi sức tích cực cũng huy động để sẵn sàng thực hiện kỹ thuật ECMO để hồi sinh tim, phổi nhân tạo cho bệnh nhi.