Bà Wang, một phụ nữ ngoài 60 tuổi, đã mất người con trai của mình trong một vụ tai nạn xe hơi cách đây 4 năm.
"Tôi có thú vui là ăn tối với bạn bè, nhưng kể từ sau vụ tai nạn, tôi chẳng thiết đi nữa. Những người ở độ tuổi như tôi chỉ biết nói về con cái của mình", bà Wang trải lòng. “Con trai tôi là một đứa trẻ rất ngoan. Tôi không dám đi gặp bạn bè chỉ để nghe họ kể về con cái”.
Miệng nói, nhưng mắt bà Wang dán chặt vào tấm ảnh chụp con trai bà trong buổi lễ tốt nghiệp đại học. Việc con trai qua đời ở tuổi 27 đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của bà Wang.
Theo một ước tính năm 2010, có tới 1 triệu bà mẹ Trung Quốc trên 35 tuổi mất con. Mặc dù Trung Quốc đã công bố chính sách hai con vào năm 2015, nhưng số lượng các cặp đôi "thất độc" vẫn tiếp tục tăng, do họ không còn ở độ tuổi sinh sản.
Mặc dù mất con là một trải nghiệm đau đớn về mặt tinh thần đối với bất kỳ bậc cha mẹ nào, nhưng sự mất mát này ở Trung Quốc còn trầm trộng hơn bởi con cái là nguồn vui và chỗ dựa cho cha mẹ khi về già.
Xuất phát từ quan niệm này, cùng với sức ép của chính sách một con, các bậc phụ huynh Trung Quốc luôn phải đảm bảo đứa con duy nhất của họ thành công trong học tập và cuộc sống để nuôi họ sau này.
Do đó, họ không tiếc tiền và thời gian để hỗ trợ các mục tiêu giáo dục, nghề nghiệp và gia đình của con cái mình.
Bà Wang kể đã phải tốn một khoản rất lớn để đưa con đi du học nước ngoài, vào thời điểm con trai mình đột ngột qua đời, bà Wang cũng đang tất bật tìm kiểm một công việc ổn định cho con.
“Mỗi lần nhìn thấy bằng tốt nghiệp của nó, tôi lại không cầm được nước mắt”, bà Wang nói. “Tôi đã hết lòng nuôi con. Bây giờ tất cả những gì tôi có là tấm bằng tốt nghiệp đó”.
Làm trầm trọng thêm nỗi đau của các cặp đôi "thất độc phụ mẫu" đó là cảm giác tội lỗi và bất lực vì không thể ngăn chặn cái chết của con mình.
Trong một xã hội lấy trẻ em làm trung tâm, trong đó mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ và con cái không chỉ được coi là lý tưởng, mà còn là thước đo của sự thành công và hạnh phúc trong cuộc sống cá nhân của một người, việc mất đi một đứa con có thể khiến họ mất đi động lực sống.
“Bất cứ khi nào tôi so sánh cuộc sống của mình với bạn bè, tôi cảm thấy mình như một kẻ thất bại. Gia đình tôi không còn hạnh phúc và vẹn nguyên ”, một người mẹ mất con chia sẻ.
Một thách thức khác khi sống trong một xã hội lấy trẻ em làm trung tâm đó là sau khi mất đi đứa con duy nhất, nhiều người không thể hòa nhập được với người thân và bạn bè xung quanh.
Ở tuổi bà Wang, ai cũng muốn nói về niềm vui được chăm sóc cháu. Đối với bà, việc giao du với những người cùn trang lứa thường gợi lên cho bà nỗi đau mất con. Do đó, không hiếm người chọn cách cô lập mình bằng cách tránh tiếp xúc với người quen, còn với người lạ, họ không kể về hoàn cảnh gia đình.
Một tín hiệu tích cực, đó là ngày càng có nhiều các nhóm cha mẹ "thất độc" liên kết với nhau thông qua mạng xã hội. Họ đem đến cho nhau sự an ủi về tinh thần vào những lúc nhớ tới con nhất, như nấu ăn hay đau ốm.
Một số người thậm chí đã thảo luận về cách họ có thể sống cùng nhau khi về già.
“Người thân và bạn bè của tôi không hiểu cảm giác thực sự của tôi, vì họ không trải qua mất mát như tôi. Nhưng khi tôi nói chuyện với những người mất con giống mình, tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn", một phụ nữ giấu tên cho biết.
Ngoài việc tự chữa lành vết thương cho nhau, các cặp vợ chồng "thất độc" còn muốn chính phủ hỗ trợ cho họ.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đã khởi xướng nhiều chương trình dành cho các trường hợp như bà Wang, đáng chú ý nhất là dành một khoản trợ cấp hàng tháng và bảo hiểm y tế, nhưng họ mong muốn nhiều hơn thế, đặc biệt là một trung tâm dưỡng lão giành cho những người không có con cái khi về già.
“Nhiều người trong chúng tôi hy vọng được sống trong một viện dưỡng lão chỉ dành cho các thất độc phụ mẫu. Nếu chúng tôi ở chung một viện dưỡng lão với những người có con, thì chúng tôi sẽ rất đau lòng khi thấy con cái họ tới thăm", bà Wang lau nước mắt nói.