Cụ thể, những người thuộc thế hệ Z (sinh vào cuối những năm 1990) tại Trung Quốc đang có tư tưởng chống đối lại các lề lối làm việc truyền thống bằng cách áp dụng triết lý "thừa nước đục thả câu".
Triết lý này trở nên nổi bật vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều công ty cho nhân viên làm việc ở nhà hay thậm chí là cắt giảm nhân sự. Những người trẻ tuổi trở nên buông thả bằng cách từ chối làm thêm giờ, hoặc làm với chất lượng trùng bình, thường xuyên trốn trong nhà vệ sinh để chơi game hoặc đọc sách.
Thế hệ Z lý giải sự lười lao động của họ là dẫn chứng cho một cuộc nổi loạn thầm lặng chống lại văn hóa làm việc ngoài giờ nhưng lại không nhận được mức thù lao tương xứng, khiến họ không thể hoàn thành giấc mơ lập nghiệp của mình, ít nhất là đủ để mua một căn hộ.
Một người dùng trên Weibo viết: “Tôi 'thừa nước đục thả câu' mỗi ngày và tôi hài lòng với nó. Tại sao sếp của tôi chỉ cho tôi 1 xu nhưng lại mong tôi nỗ lực bằng 10 xu vì ông ấy?"
Một người dùng khác bình luận: “Chúng ta không sẵn sàng cố gắng hết sức để làm việc của mình. Thay vào đó, chúng ta dành thời gian và năng lượng để làm công việc phụ khác. Không phải như vậy tốt hơn là nỗ lực để làm việc hay sao?"
Một người dùng có tên Massage Bear đã trở nên nổi tiếng trên Weibo vào năm 2020 bằng cách quảng bá triết lý "thừa nước đục thả câu". Tài khoản của cô có hơn 500.000 người theo dõi.
Một trong những bài đăng của cô được lan truyền rộng rãi có nội dung: “Bạn làm việc chăm chỉ như thế nào phụ thuộc vào số tiền bạn nhận được và đừng bao giờ nghiêm túc với công việc của mình”.
“Một khi bạn làm việc chăm chỉ, đồng nghiệp của bạn sẽ gặp xui xẻo" Massage Bear chia sẻ. “Đó là bởi vì sếp của bạn sẽ thấy rằng bạn có thể làm công việc bằng 3 người. Cuối cùng, lương của bạn sẽ không được tăng lên, nhưng ông chủ sẽ yêu cầu bạn tiếp tục làm việc chăm chỉ”.
Jennifer Feng, giám đốc nhân sự của trang web săn việc làm 51job.com, cho biết những người trẻ, thường ở độ tuổi 20, không hào hứng với việc đi làm, chủ yếu là do thu nhập thấp hoặc lương không tăng nhiều.
“Theo điều tra của chúng tôi, mức lương mà các công ty Trung Quốc đưa ra tăng trung bình 2% vào năm 2020, với một nửa số doanh nghiệp không tăng lương cho nhân viên của họ", Feng nói. “Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người phải nghĩ cách để đa dạng hóa nguồn thu nhập của họ, chẳng hạn như bán hàng trên mạng".
Cũng theo Jennifer Feng, trong khi những người thuộc thế hệ 1970 và 1980 luôn làm việc theo tinh thần chịu đựng gian khổ và làm việc gan dạ, thì những người sinh vào những năm 1990 lại có một triết lý rất khác. Thế hệ Z đặt ưu tiên cao cho lợi ích của bản thân và các lợi ích cá nhân khác.
“Họ có thể dễ dàng bỏ việc nếu họ không thích, nhờ sự hỗ trợ tài chính của cha mẹ họ, vốn mạnh hơn so với các thế hệ trước", Feng nói.
Nhìn chung, thế hệ Z ghét cái gọi là nhịp điệu làm việc 996 - ca làm việc kéo dài từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần, vốn được áp dụng rộng rãi ở nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.
Vào tháng 11, một cuộc khảo sát trên trang web tìm việc zhaopin.com cho thấy cảm giác được tưởng thưởng là động lực chính của những người trẻ tuổi. Tiếp theo là tiền bạc, mức độ thú vị của công việc và mức độ mới của họ đối với công việc, theo cuộc khảo sát với 3.773 người sinh sau năm 1990.
“Tính cách của những nhân viên trẻ tuổi đã đặt ra những thách thức mới cho người sử dụng lao động, đôi khi kiểm tra khả năng chịu đựng của họ", Jennifer Feng chỉ ra.
Về phản ứng từ các sếp, blogger Massage Bear viết: “Dù bị sếp mắng là rác rưởi hay vô trách nhiệm, tôi sẽ chỉ mỉm cười và không bao giờ tức giận. Tôi sẽ không bao giờ chủ động nghỉ việc. Nếu ông ta sa thải tôi, tôi sẽ nhận được khoản bồi thường".
Luật Lao động của Trung Quốc quy định rằng nếu một công ty sa thải nhân viên mà không có lý do chính đáng, thì công ty đó phải trả tiền bồi thường cho họ, thường là lương hàng tháng của nhân viên nhân với số năm họ đã làm việc cho công ty cộng thêm một năm.
Một số công ty đã sa thải những người làm việc kém hiệu quả. Allen He, quản lý cấp cao của một công ty tài chính quốc tế ở Thượng Hải, cho biết sếp của ông đã sa thải những người không đạt hiệu quả.
“Chúng tôi có nhân viên mới hàng năm, một số người xuất sắc nhưng một số lại rất lười biếng. Hầu hết chúng tôi đều bận rộn trong công việc. Những nhân viên lười biếng đó sẽ tìm ra khoảng cách ngày càng lớn giữa họ và đồng nghiệp. Cuối cùng, họ sẽ bị đào thải", Allen He chia sẻ.