Một người đàn ông ở Vũ Hán nhìn về phía giường bệnh, cha của ông từng nằm trên chiếc giường ấy. |
Bà Lin Qing hầu như đêm nào cũng có cùng một giấc mơ, rằng chồng bà sẽ cố gắng giật ống thở mặc cho vợ mình ra sức ngăn cản.
Mỗi lần như vậy, người phụ nữ 65 tuổi lại bật dậy, lưng đẫm mồ hôi. Bà nhanh chóng đánh mắt sang phía người bạn đời của mình, vốn đang nằm trên giường bệnh, để trấn an bản thân rằng tất cả chỉ là mơ.
Khi năm 2021 bước qua, nhiều người Trung Quốc học cách bước ra khỏi đại dịch. Bất chấp những đợt bùng phát rải rác cục bộ, những ngày tháng phong tỏa giờ chỉ còn trong ký ức của người dân, còn chính phủ đã bắt đầu vạch ra ranh giới cho cuộc khủng hoảng - tôn vinh những “người tử vì đạo” trong thời đại dịch và tổ chức các cuộc triển lãm đặc biệt để tưởng nhớ những nỗ lực chống dịch.
Tuy nhiên, đối với bà Lin và nhiều người khác ở Vũ Hán, cơn ác mộng COVID-19 vẫn chưa kết thúc.
Gần 12 tháng sau khi ca bệnh lần đầu xuất hiện, bà Lin và chồng vẫn mắc kẹt trong bệnh viện. Mặc dù bà Lin chỉ có các triệu chứng nhẹ bởi COVID-19, nhưng chồng bà lại bị biến chứng não sau nhiều ngày hôn mê.
Hiện tại, ông lão 70 tuổi vẫn cần được điều trị tích cực và chăm sóc suốt ngày đêm. Sự căng thẳng đã đẩy người vợ đến bờ vực tuyệt vọng.
Một bệnh nhân COVID-19 được vận chuyển tới phòng ICU tại Vũ Hán. |
“Cả tâm trí và cơ thể tôi đều cảm thấy kiệt quệ. Đôi khi tôi thậm chí đã nghĩ, nếu cửa sổ trong căn phòng này mở rộng hơn một chút, tôi sẽ nhảy ra ngoài", bà Lin trải lòng.
Chồng của bà Lin là một trong số những người hứng chịu tổn thương kéo dài của COVID-19, dù họ đã không còn mắc bệnh.
Những người này vẫn đang đấu tranh giành sự sống, nhưng mặt khác số phận của họ vẫn ngày càng mờ nhạt trước mắt công chúng, vốn đang ăn mừng những thành quả chống dịch.
Sau 76 ngày phong tỏa, Vũ Hán đã nhanh chóng đóng cửa các bệnh viện dã chiến và tuyên bố không có bệnh nhân COVID-19 nào. Trong những tháng sau, dữ liệu chính thức về số người vẫn gặp vấn đề sức khỏe do COVID-19 ở Trung Quốc vẫn chưa được công bố.
Việc không được chính thức công nhận đã khiến những gia đình như vợ chồng bà Lin cảm thấy bị cô lập và lo sợ về tương lai. Nhiều người lo lắng rằng họ sẽ bị tê liệt về tài chính bởi các hóa đơn bệnh viện, vì vẫn rõ chính phủ liệu có tiếp tục chi trả cho những người đã khỏi COVID-19 hay không.
Khi mắc bệnh, bà Lin không tưởng tượng được mình sẽ rơi vào hoàn cảnh này. Thời điểm này năm ngoái, bà và chồng đang tận hưởng cuộc sống yên tĩnh của một cặp đôi già ở Vũ Hán, tưới cây, nuôi chó của họ và giúp cháu gái làm bài tập. Vào buổi tối, Lin sẽ nấu bữa tối, trong khi chồng bà chơi piano.
Nhưng vào ngày 25/1, bà Lin bàng hoàng khi thấy chồng mình bất tỉnh dưới sàn bếp.
“Tôi đang ngồi trên ghế sofa ngoài phòng khách, trên TV họ đang nói về một dịch bệnh nào đó thì bất ngờ nghe thấy tiếng động mạnh", bà Lin hồi tưởng.
Từ thời điểm đó, cặp đôi này bước vào một cuộc đời mới, khi cả hai được chẩn đoán mắc COVID-19 và mỗi người được điều trị ở một bệnh viện riêng.
Họ đã không gặp lại nhau trong 4 tháng, khi chồng của bà Lin được luân chuyển tới nhiều phòng bệnh ICU khác nhau.
Suốt nhiều tuần lễ, tin tức duy nhất bà Lin nghe về chồng mình là một cuộc điện thoại từ bệnh viện, họ cập nhật tình hình sức khỏe của ông. "Cứ mỗi phút họ gọi muộn, tôi lại cảm thấy như cực hình", người vợ nói rồi bặm chặt môi.
Có lúc tyệt vọng, gia đình bà Lin lại đứng bên ngoài bệnh viện và nhìn chằm chằm vào từng khung cửa sổ, cố gắng đoán xem chồng mình đang ở phòng nào. Đôi khi, họ thậm chí còn cho máy bay không người lái bay quanh tòa nhà, hy vọng có thể chụp được ảnh của ông.
Theo số liệu chính thức, vào thời điểm chồng bà Lin được đưa ra khỏi phòng ICU vào tháng 6, Trung Quốc đã ngăn chặn thành công đợt bùng phát dịch bệnh sau gần 4.700 ca tử vong. Cuộc sống ở hầu hết các thành phố đã trở lại giống như bình thường.
Tuy nhiên, khi cặp vợ chồng già đoàn tụ, cuộc sống của họ cũng không còn như xưa. Căn bệnh này đã quật ngã chồng bà Lin. Tổn thương não khiến ông không thể di chuyển hoặc nói chuyện, và ông phải sống nhờ những ống dẫn cắm vào thực quản và mũi.
Những giây phút vui vẻ khi được đoàn tụ nhanh chóng vụt tắt khi chồng bà nhận ra mình không thể khỏe mạnh như trước rồi nhanh chóng mất đi ý chí sống.
"Ít nhất tôi có thể gặp ông ấy mỗi ngày", bà Lin như tự an ủi bản thân.
Một bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện Lôi Thần Sơn (Vũ Hán). |
Các y tá đã khuyên bà Lin nên để ý tay trái của chồng - bộ phận duy nhất trên cơ thể mà ông có thể cử động, đề phòng trường hợp ông nghĩ quẩn. Mỗi ngày bà đều lặng lẽ quan sát chồng và động viên ông.
“Tôi vẫn phải ngủ mỗi đêm, nhưng cũng chẳng được sâu giấc bởi chỉ một tiếng động lạ là tôi phải bật dậy ngay", bà nói. “Mỗi lần như vậy, tôi lại thấy ông ấy đặt tay lên những cái ống".
Hiện vẫn chưa rõ chồng bà Lin có thể hồi phục ở mức độ nào. Ông đã được tập vật lý trị liệu để giúp lấy lại khả năng nói và sử dụng chân tay. Mặc dù những khóa học này có thể gây khó khăn nhưng Lin nói rằng bà vẫn cố gắng hết sức để giữ tinh thần lạc quan.
“Nhìn ông ấy tiến triển mỗi ngày, tôi càng cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nhưng nếu bác sĩ thông báo một điều gì đó không hay, mắt tôi lại mờ mịt".
Chồng của bà Lin hiện có thể ngồi trong vài giờ với mức oxy trong máu bình thường. Khi chồng mình có thể ngồi được xe lăn, bà liền thay cho ông một bộ quần áo mới.
“Ông ấy cũng phải giữ thể diện của mình. Tôi không thể để ông ấy trần truồng đi lại quanh biện viện được", bà nói.
Mặc cho những tiến triển, bà Lin vẫn còn nỗi lo tiền bạc. Hóa đơn viện phí đã lên tới 300.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng), chưa kể tiền điều trị vật lý trị liệu.
Sau khi vắt kiệt sức lực trong 20 ngày, bà Lin cũng buộc phải thuê một điều dưỡng với mức phí hơn 200 nhân dân tệ mỗi ngày. Bà cũng phải mua thuốc thang và thực phẩm để bồi bổ cho chồng.
Cách đây vài tháng, bà đã bán căn nhà ở quê để có tiền trang trải viện phí.
Vẫn chưa rõ liệu chính phủ Trung Quốc có tiếp tục chi trả cho những bệnh nhân như chồng bà Lin hay không. Trong thời kỳ cao điểm, Trung Quốc đã đài thọ chi phí điều trị cho tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 đã được xác nhận, tiêu tốn hơn 1,4 tỷ nhân dân tệ vào tháng 4. Hệ thống bảo hiểm y tế đã chi trả 2/3 khoản tiền đó.
Vào tháng 6, giới chức y tế tuyên bố bệnh nhân sẽ không cần trả tiền cho việc điều trị phục hồi của họ.
Tuy nhiên, các bệnh nhân vẫn đang chờ đợi thông tin chi tiết về cách chính phủ sẽ xử lý các khoản thanh toán điều trị phục hồi, thế nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy những bệnh nhân này sẽ được trả tiền.
Một quan chức tại Vũ Hán cho rằng một khi bệnh nhân có kết quả âm tính với COVID-19, thì chính phủ sẽ chấm dứt việc chi trả viện phí. Do không có định nghĩa cụ thể về di chứng - hoặc tình trạng sức khỏe do COVID-19 gây ra, chi phí y tế của bệnh nhân được xử lý theo các quy tắc thông thường do hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia và địa phương xác định.
“Vẫn chưa có một tiêu chuẩn rõ ràng về di chứng của COVID-19", vị quan chức khẳng định. "Một tiêu chuẩn cụ thể như vậy đòi hỏi một quá trình theo dõi lâu dài".
Một bệnh nhân được chăm sóc tại bệnh viện Hỏa Thần Sơn (Vũ Hán). |
Trong những trường hợp khác, nhiều nhân viên y tế đang phải tự thanh toán chi phí điều trị cho chính bệnh nhân của họ, vì gia đình không đủ khả năng thanh toán viện phí.
Bà Lin nhớ có một bệnh nhân COVID-19 khác đã chuyển đến phòng của mình trong mùa hè. Người phụ nữ này không hề có ai tới thăm, chồng bà ấy đã chết vì COVID-19, còn con gái bà thì phải cố gắng đi làm để có tiền trả nợ.
“May mắn thay, bệnh viện vẫn điều trị cho bà ấy”, bà Lin nhớ lại. "Các bác sĩ và y tá còn quyên góp tiền để mua đồ tẩm bổ cho bà ấy".
Vào tháng 11, bệnh viện cũng tổ chức sinh nhật lần thứ 70 cho chồng bà Lin. Vào buổi sáng hôm đó, bà Lin đến bên giường của chồng và thì thầm vào tai ông: “Hôm nay là sinh nhật của anh, em ước anh sẽ không bị căn bệnh này hành hạ nữa”.
Chồng bà chớp chớp mắt đáp lại, rồi hai vợ chồng cùng khóc trong im lặng.