Thông thường, đầu năm là dịp bận rộn nhất đối với nhà hàng của Cui. Nhưng năm ngoái, sau khi chính quyền cuối cùng thừa nhận một dịch bệnh bí ẩn đang lây nhiễm cho người dân trong thành phố, Vũ Hán chính thức bị phong tỏa vào ngày 23/1.
"Tôi cảm thấy như trời đất sụp xuống khi nghe tin này", ông Cui nhớ lại.
May mắn rằng, dù các thực khách không còn ghé tới, nhưng nhà hàng của Cui vẫn được chính quyền trả tiền để cung cấp suất ăn cho các nhân viên y tế. Ông nghĩ rằng cuộc khủng hoảng sẽ không kéo dài và mọi thứ sẽ sớm hoạt động như bình thường.
Nhưng sau khi lệnh phong tỏa ở Vũ Hán được dỡ bỏ vào ngày 8/4, thành phố vẫn hết sức cảnh giác về một đợt tái bùng phát. Chính quyền đã đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt để mở cửa trở lại đối với dịch vụ ăn uống, đồng thời trì hoãn Cui mở lại nhà hàng. Ngoài ra, khách hàng cũng không dám tới đây dùng bữa do nhà hàng của ông nằm gần một khu cách ly.
Nhà hàng của ông Cui mở lại vào tháng 6. Ảnh: Sixth Tone |
Lần cuối cùng Vũ Hán có một ca bệnh COVID-19 là từ tháng 5, kể từ đó sức sống cũng dần trở lại với thành phố miền Trung Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Cui vẫn chủ yếu dựa vào các đơn đặt hàng đồ ăn mang đi và đồ ăn trưa đóng hộp. “Nhiều người ở Vũ Hán vẫn còn e ngại khi ra ngoài ăn tối và lượng khách du lịch ít hơn nhiều so với trước đây", chủ nhà hàng chia sẻ.
Nhiều chủ doanh nghiệp Vũ Hán như ông Cui đang phải vật lộn với những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch.
Nền kinh tế của hầu hết các tỉnh của Trung Quốc đều đang tăng trưởng trở lại sau khi suy giảm trong giai đoạn đầu năm 2020. Tuy nhiên, Hồ Bắc là một trong bốn tỉnh có nền kinh tế suy giảm trong 3 quý đầu năm 2020. Chỉ số GDP của tỉnh đã giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề trong thời kỳ suy thoái đại dịch của Trung Quốc. Họ thường có ít vốn trong tay hơn và khó có khả năng vay nhiều như trước.
Theo Cục Kinh tế và Công nghệ Thông tin thành phố Vũ Hán, 98% trong số 1,3 triệu thực thể kinh tế của thành phố là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp tư nhân độc quyền.
Theo chuyên gia kinh tế Luo Zhi từ Đại học Vũ Hán, các doanh nghiệp càng nhỏ thì càng gặp khó khăn trong quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh.
“Điều rất đáng chú ý là trong năm nay, nhiều công ty đã thấy lượng đơn đặt hàng sụt giảm mạnh. Ngay cả khi bám trụ được, họ vẫn phải chi tiêu rất nhiều cho các chi phí cố định mà không được hưởng lợi nhuận như trước", bà Luo chỉ ra.
Nhà hàng của Cui, nằm ở quận Vũ Xương và phục vụ đồ ăn Quảng Đông, đang phải trả khoảng 250.000 nhân dân tệ tiền mặt bằng, điện nước và lương nhân viên mỗi tháng, mặc dù doanh thu hàng tháng không quá 100.000 nhân dân tệ.
Một cô gái bán bóng bay trên đường phố Vũ Hán. Ảnh: Sixth Tone |
“Nhiều doanh nghiệp ở Vũ Hán vẫn đang gặp khó khăn", Chen Hui - tổng giám đốc công ty phân phối thực phẩm tươi Tianli Vũ Hán, chỉ ra. “Rất nhiều cửa hàng mặt tiền đã đóng cửa, và chỉ có một số cơ sở kinh doanh còn mở trong khu công nghiệp".
Công ty của bà Chen, chủ yếu tham gia vào lĩnh vực đóng gói, phân phối và hậu cần cho các sản phẩm nông nghiệp, đã bị sụt giảm doanh thu mạnh do các khoản thanh toán không thể thu hồi và lượng khách hàng sụt giảm.
“Toàn bộ ngành này đang thiếu dòng tiền. Công ty của tôi hiện nợ hơn 300.000 nhân dân tệ tiền lương chưa trả cho nhân viên và tiền thuê cơ sở", bà Chen nói.
Để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, chính quyền Vũ Hán hồi tháng 4 đã công bố một quỹ cứu trợ trị giá 40 tỷ nhân dân tệ, cung cấp các khoản vay không lãi suất một năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương.
Sau đó, 20 tỷ nhân dân tệ khác đã được bổ sung để cung cấp trợ cấp lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp độc quyền. Tính đến cuối tháng 9, quy mô của quỹ đã được mở rộng lên 100 tỷ nhân dân tệ, với 40 tỷ nhân dân tệ bổ sung hỗ trợ đảm bảo để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương đăng ký vay vốn dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, các khoản thuế giảm đã hết hạn vào tháng 12 và không có gia hạn mới nào được công bố, điều mà chuyên gia Luo Zhi cho rằng chính quyền nên xem xét. Cô cho rằng chính quyền Hồ Bắc và Vũ Hán có thể đang thiếu tiền. Số liệu chính thức cho thấy doanh thu của tỉnh tính đến tháng 11 thấp hơn 25,8% so với năm trước.
Bất chấp những thách thức, Luo Zhi cũng nhận thấy những dấu hiệu lạc quan. Dữ liệu từ Cục quản lý thị trường địa phương cho thấy số lượng các công ty đăng ký ở Vũ Hán đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 8.
Mặc dù có thể có những công ty không còn tồn tại nhưng chưa được hủy đăng ký, nhưng Luo cho rằng ít nhất đó là một dấu hiệu tốt cho thấy nhiều công ty mới đang được thành lập. “Nền kinh tế Hồ Bắc làm tôi ngạc nhiên với khả năng phục hồi của nó. Điều đó có nghĩa là nhiều chủ doanh nghiệp ở Vũ Hán đang cố gắng rất nhiều để vượt qua giai đoạn khó khăn này, thay vì bỏ cuộc ngay lập tức”, cô chỉ ra.
Ông Cui dự đoán ngành công nghiệp nhà hàng sẽ phải đối mặt với ít nhất một năm khó khăn nữa. Nhưng ông không có ý định từ bỏ. “Chúng tôi vẫn còn một số nền tảng. Việc kinh doanh hiện đang dựa vào các đơn giao hàn,- chúng tôi sẽ tiếp tục bám trụ thêm 1-2 năm nữa".
“Tôi đã điều hành nhà hàng này được 14 năm. Tôi coi nó như con đẻ của mình. Dù nó có ốm đau hay tàn tật, chẳng cha mẹ nào bỏ mắc con cái mình", ông Cui khẳng định.