Theo chân đại gia về thôn 'cung tần mỹ nữ' ở Quảng Ninh để… tuyển vợ

Mây trắng ở đâu đã ùn về, phủ lên Thượng Yên Công của vùng đất phật Yên Tử (Uông Bí - Quảng Ninh) những lớp sáng bạc, càng huyễn hoặc hơn khi tôi theo chân một 'đại gia' đi về miền gái đẹp để chọn vợ.
Theo chân đại gia về thôn 'cung tần mỹ nữ' ở Quảng Ninh để… tuyển vợ

Đi tìm truyền thuyết 1 cô gái lấy 5 chàng trai

Mới đây, tôi may mắn được một đại gia mời đi cùng về "miền gái đẹp" để "tuyển" vợ theo đúng tiêu chí "công, dung, ngôn, hạnh" của người con gái Việt Nam xưa. Ông bạn tôi vốn là một đại gia bất động sản, nhà hàng lớn ở Hà Nội, chán chường với những cô gái sặc mùi dao kéo, tính tình sắc sảo thái quá nên quyết về vùng đất "cung tần mỹ nữ" ngày xưa để chọn cho mình một cô gái ưng bụng nhất.

Theo chân đại gia về thôn 'cung tần mỹ nữ' ở Quảng Ninh để… tuyển vợ ảnh 1

Nét đẹp con gái thôn Năm Mẫu ngày nay.

Ông bạn vốn là trí thức, ngoài tiền bạc, ông cũng am hiểu văn hóa, tập tục. Nên, khi nghe thiên hạ râm ran đồn rằng ở vùng đất Yên Tử có nhiều mỹ nhân vốn là hậu duệ của cung tần mỹ nữ xưa. Thời nay, con cháu của mỹ nhân vẫn trứ danh về nhan sắc và tâm hồn. Thế là trước khi đi tìm "nàng" trong mộng, ông bạn tìm hiểu rất kỹ lưỡng về tiểu sử vùng đất này.

Theo như ông bạn đại gia, việc tìm vợ bắt đầu từ việc lần theo truyền thuyết xưa, Thượng hoàng Trần Nhân Tông cách đây trên 700 năm, một ngày mùa đông đã rời kinh thành Thăng Long đi về hướng Đông để tìm núi tu luyện, đến vùng đất Yên Tử thì dừng chân.

Lúc đi có 300 cung tần mỹ nữ đi theo người. Khi đến Yên Tử, do không được thượng hoàng cho ở cùng nơi đất Phật, trong khi đường về kinh thành xa xôi, quân lính của tân hoàng phong tỏa khắp nơi, ở cũng khó mà quay về cũng khó, nên để giữ trọn đạo quân vương, 300 cung tần mỹ nữ đã trầm mình xuống con suối giữa đại ngàn Yên Tử. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đau xót cho lập đền cúng tế và đặt tên con suối này là suối Giải Oan. Hiện nay, suối Giải Oan nằm vắt ngang xã Thượng Yên Công, thường xuyên bốn mùa có làn nước trong vắt như những giọt nước mắt buồn.

Theo tư liệu mà chúng tôi tìm được tại ngành Văn hóa thông tin Quảng Ninh còn lưu lại, khi 300 cung tần mỹ nữ trầm mình xuống suối để tự vẫn, lúc đang chìm dần giữa làn nước thì một tốp người đi kiếm củi ở trên rừng về tới. Tất cả đều ào xuống tìm cách cứu người nhưng không biết tiền định thế nào, chỉ có 5 chàng trai người Dao vớt lên được 5 cô gái và cứu sống.

Cảm kích trước tấm lòng, như được tái sinh lần hai, các cô tạ ơn cứu mạng bằng cách tình nguyện lấy 5 chàng trai bản địa, 5 chàng trai của dân tộc Dao Thanh Y. Để rồi từ đó con gái của vùng đất này nổi tiếng bởi vẻ đẹp sắc nước hương trời cũng như phong cách sang trọng đài các của chốn vương triều. Khi 5 bà qua đời, dân làng Thượng Yên Công đã lập đền thờ, gọi là đền Năm Mẫu để tưởng nhớ những nàng dâu vốn là cung tần mỹ nữ. Đền Năm Mẫu hiện vẫn nằm ở Thượng Yên Công như một dấu tích của những ngày xa xôi ấy.

Tìm về vùng đất Phật

Ở Thượng Yên Công, nơi 5 cung tần làm dâu, không biết tự lúc nào cũng được đổi thành thôn Năm Mẫu (thôn 5 mẹ). Năm Mẫu suốt một thời gian dài là thôn có đời sống phát triển nhất trong toàn xã. Đó là thông tin một số tờ báo đã đưa, chúng tôi đem thắc mắc này đến hỏi Giáo sư Sử học Lê Trọng Ninh, một trong những chuyên gia lịch sử về mảnh đất và con người Quảng Ninh.

Ông bảo giai thoại đó ông cũng đã được nghe đến, nhưng sự thật về nó thì đến bây giờ vẫn nằm trong bí mật của lịch sử. Chưa có một tài liệu nào có thể chứng thực được một cách chính xác. Thói quen của nghiệp viết lách vốn sẵn, một ngày cuối năm, nhóm phóng viên chúng tôi quyết tâm làm một cuộc du hành về miền đất Phật, để rồi lúc dừng lại nghỉ chân dưới ngọn núi Yên Tử, cũng là lúc nhận ra mình đã thực sự bước chân vào "miền gái đẹp".

Ông Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công Trần Mạnh Hoà thừa nhận, đúng là xã mình có thôn Năm Mẫu, có suối Giải Oan, có đền thờ năm mẹ nhưng chuyện các thiếu nữ người Dao ở Thượng Yên Công có phải là con cháu dòng dõi của các nàng cung tần mỹ nữ trong nội cung thời xưa hay không, thì ông cũng không dám chắc. Có điều vẻ đẹp của các cô gái nơi này thì không thể phủ nhận.

Ông Hòa cũng nói thêm rằng đó chỉ là sự công nhận của riêng cá nhân ông, bởi ít nhiều, nó có sự liên quan đến gia đình của ông bây giờ. Cô nào cũng trắng, mắt đẹp và cao ráo. Điều đấy giải thích vì sao ông Phó Chủ tịch có khuôn mặt rất đàn ông này một thời là lính, đi đó đi đây cũng nhiều, cũng quen biết cơ man nào là bạn bè các tỉnh nhưng xong nhiệm vụ, nhất quyết vẫn trở về, về đúng "thôn cung nữ". Gặp lại người con gái năm xưa, thấy chiếc mũ bạc nàng đội trên đầu vẫn chờ mình về mài lại. Rồi là rượu ngon, thịt lợn, vòng bạc, gạo mới đội đến "đem" nàng về.

Còn ông Triệu Văn Quỳnh, biết chúng tôi là khách lạ đến đã nói quả quyết, năm nay đã hơn 70 tuổi rồi, thời trẻ cũng đi nhiều nhưng nếu để chấm điểm thì con gái vùng này ông cho là đẹp nhất. Theo ông Quỳnh, một người con gái dân tộc Dao được gọi là đẹp đầu tiên phải là người biết ăn mặc làm sao để nổi bật bộ trang phục truyền thống, đội mũ, đeo khăn và dây chuyền bạc phải đẹp. Thứ hai là phải biết hát được những bài hát đối đáp giữa nam và nữ thật hay, thật chuẩn.

Nói rồi ông Quỳnh cho chúng tôi nghe thử một nét văn hoá người Dao qua cuộn băng ghi âm, đại ý, người con trai muốn đến nhà gái chơi, đến cửa đã phải hỏi gia chủ những câu bằng lời hát: "Nhà ông có con chim hồng nào bay đến không?". Khi nhà chủ hát đáp lại rằng "có", các chàng trai mới được phép vào nhà. Vào nhà, các cô gái sẽ hát rằng: "Sáng sớm nay tôi dậy rửa mặt, thấy một chậu nước hồng hồng. Biết báo tin có người đến, có niềm vui đến". Các chàng trai cũng sẽ hát lại: "Sáng nay tôi thấy có con rắn đi ngang đường. Không biết tại sao rắn đi ngang đường? Rắn bảo cho mình điều gì đây. Sẽ gặp được ai hôm nay? Xong các thủ tục, các chàng trai cô gái mới đi vào nói chuyện tìm hiểu nhau.

Và cuối cùng phải là nhanh nhẹn, tháo vát chịu khó. Ông Quỳnh bảo chỉ cần người phụ nữ nào biết hát tiếng Dao sẽ ứng xử rất tốt, bởi vì qua bài hát đã dạy con người ta rất nhiều về lẽ sống. Rồi ông quả quyết là những người con gái nơi đây đã hội đủ những tiêu chuẩn kể trên: "Không tin, "cái" nhà báo cứ ra đồng mà xem. Nó đang trồng bắp cải trên đồng nhiều lắm". Chúng tôi không thể không ra...

Vẻ đẹp được bảo tồn

Khi mục đích tuyển vợ của ông bạn đại gia chưa có hồi kết, thì chúng tôi cũng "say" đất trời Thượng Yên Công một cách lạ kỳ. Thoắt mây thoắt nắng. Cánh đồng, nồng nã mùi đốt đồng xen lẫn gạo mùi nếp nương như mời gọi, như khiêu khích. Các cô gái đang tay cuốc tay liềm.

Thấy chúng tôi, không biết họ nói gì với nhau bằng tiếng Dao mà thỉnh thoảng lại ôm nhau khúc khích cười. Và trời ạ, cái gã đàn ông quê mùa là tôi nếu không có lời giải thích của một cụ già thì cứ đinh ninh cô thôn nữ Đặng Thị May năm nay đã 31 tuổi, là mẹ của 2 con nhưng cô còn rất trẻ kia là chưa có gia đình. Cô bạn đồng nghiệp của tôi tranh thủ bấm máy nhưng May cứ cúi mặt, nhất quyết không chịu ngẩng lên.

Hỏi ra cô mới nói, bằng tiếng Kinh lơ lớ: "Chồng em hay ghen lắm". Bên cạnh đó, ba chị em Bàn Thị Thắm (SN 1987), Bàn Thị Út (SN 1991), Bàn Thị Lan (SN 1988) ở thôn Khe Sú đang làm đồng bên cạnh cũng là những cô gái đẹp, một vẻ đẹp vừa nguyên sơ thô mộc vừa cao sang, nền nã. Đó là một vẻ đẹp mà mấy người vụng về như chúng tôi chỉ có thể nghĩ được rằng, giá như trên con đường thiên lý ngược xuôi, một ngày nào đó có được hạnh ngộ các cô, thì cũng là may mắn cho chúng tôi lắm lắm.

Bà Trương Thị Thại ở thôn Năm Mẫu cũng có những người con gái đẹp, tiếc là khi chúng tôi đến các cô đi làm đồng chưa về. Trước khi đến đây, chúng tôi đã nghe một số thông tin con gái Dao nơi đây có làn da trắng nõn nà, bởi ngay từ bé các bà mẹ đã truyền dạy cho các cô con gái uống nước lá, ăn những món ăn mát ruột, kiêng đồ ăn cay nóng để giữ cho làn da đẹp.

Rồi đi đứng cũng thế, tuy có những đôi chân dài nhưng ngay từ bé họ đã được dạy phải đi đứng từ tốn, chậm rãi. Nói không bao giờ được nói lớn tiếng mà chỉ đủ nghe. Thậm chí khóc cũng phải... dạy. Khi bố mẹ đánh mắng chỉ được khóc thút thít mà không được gào, khi khóc, chỉ được dùng khăn hay vạt áo chấm nước mắt chứ không được dùng tay để quệt.

Thậm chí ngày xưa, các gia đình thường dùng "roi dâu" để dạy con vì cho rằng khi con cái hư là do ma quỷ ám, chứ con người khi sinh ra vốn đã ngoan sẵn rồi. Đem điều này hỏi một số người già trong làng họ bảo tục lệ này rất phổ biến ở thời trước, nhưng bây giờ rất ít. Nói vậy nhưng rồi bà Thại còn nói với theo: "Nhưng anh thấy đấy, không áp dụng những tục lệ cũ mà các cháu bây giờ vẫn rất đẹp đó thôi".

Mà đúng là ở Thượng Yên Công, kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, sớm nắng chiều mưa đồng áng nhưng chân tay của con gái xứ này rất nhỏ nhắn và gọn gàng. Và trong buổi chiều chạng vạng khói đốt đồng ấy, tôi lang thang dọc những nẻo đường của vùng đất bán sơn địa, đến chân suối Giải Oan thì bắt gặp một bóng thanh niên đang ngồi thu lu bên vệ suối, tay cầm những hòn sỏi ném vô định ra giữa lòng sông. Cậu chàng nhìn tôi gằm gằm, nhưng khi biết tôi là người lạ lại cộng thêm mấy điếu thuốc lá tôi có trong túi đem ra mời, cậu đã dốc bầu tâm sự.

Cậu là Triệu Quang Nhàn, năm nay 20 tuổi, ở thôn Khe Sú. Tên cậu là Nhàn nhưng cả đời gặp những chuyện buồn và cơ cực. Đó là đại để cậu nói như vậy. Mồ côi cha nhưng từ bé cậu đã biết giúp mẹ. Giờ thì cậu khoẻ lắm, khoẻ như cây lim cây nghiến trên rừng kia. Và cậu cũng biết yêu rồi. Bụng cậu "ưng" Triệu Thị Nhi ở thôn Năm Mẫu. Hôm nọ gặp Nhi, cậu đã bắt tay nhưng Nhi đã gạt ra và bỏ chạy.

Nhi bỏ chạy cậu vẫn nói với theo: "Nhi à, cái bụng tôi thương Nhi. Nhi về ở với mẹ và tôi nhé. Tôi sẽ đi làm đồng với Nhi, sẽ lên ngọn núi Yên Tử kia bắt những con chồn con sóc, bẻ những cây măng cây hóp về nuôi mẹ và Nhi". Nhưng Nhi vẫn không nghe. Tháng trước cô ấy đã về làm dâu một người trên phố. Bây giờ mỗi lúc nhớ Nhi, cậu lại ra đây ngồi chờ. Và có lẽ, đây là vệt buồn duy nhất mà chúng tôi gặp trong một lần lạc bước đến đây.

Ông Trần Mạnh Hoà, Phó Chủ tịch xã Thượng Yên Công tiết lộ, "mỏ sắc đẹp" miền sơn cước này thực ra chỉ mới được phát hiện chừng 10 năm trở lại đây, người đầu tiên phát hiện là một cán bộ phòng văn hoá của thị xã Uông Bí. Khi ấy anh được phân công vào cắm chốt gần chùa Yên Tử, nơi có những bản người Dao để tìm hiểu văn hoá đồng bào. Gần 10 năm công tác ở "miền cung nữ" Thượng Yên Công để tìm hiểu văn hoá, anh đã bị vợ suýt đốt xe máy đến mấy lần vì... ghen.

Theo chân đại gia về thôn 'cung tần mỹ nữ' ở Quảng Ninh để… tuyển vợ ảnh 2

Hằng năm người dân khắp nơi lại kéo về Đỉnh thiêng Yên Tử chiêm bái.

Ngồi với mấy anh trong UBND xã, họ vẫn không quên kể về năm 1999, kỷ niệm 700 năm Thượng hoàng Trần Nhân Tông về tu ở Yên Tử, ban tổ chức huy động 40 cô gái Dao Thanh Y ra rót nước mời khách ở tại sân chùa. Ông Lê Toán, Giám đốc sở Văn hoá Quảng Ninh đã phải thốt lên: "Tôi cứ tưởng như tiên sa giữa sân chùa, hóa ra họ là người nơi đây...

Một ngày ở Thượng Yên Công, chia tay cũng thoáng thấy nao lòng. Biết bao câu hỏi tự đặt ra rồi tự tìm câu trả lời nhưng không thể nào thoả đáng. Làm sao có cách nào để đôi vai những thôn nữ bớt nhọc nhằn mưa nắng? Chỉ là truyền thuyết hay sự thật về miền đất cung nữ này? Đã có tổ chức nghiên cứu nào có câu trả lời thoả đáng hay cứ để như vậy để phủ lên vùng đất Phật này những màu sắc hư thực. Tin hay không là do cảm nhận của mỗi người, riêng tôi thấy đích thực là miền cung nữ"...

Trần Nhân Tông (7/12/1258 – 16/12/1308), là vị hoàng đế thứ 3 của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì 15 năm (1278-1293) và làm Thái thượng hoàng 15 năm. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng anh minh và có vai trò lãnh đạo quan trọng trong Chiến tranh Nguyên Mông – Đại Việt lần 2, lần 3. Lúc này, quân đội Đại Việt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã đánh tan tác quân đội hùng mạnh của nhà Nguyên, bảo vệ bờ cõi Đại Việt trước vó ngựa nổi tiếng vô địch của người Mông Cổ. Ngay sau khi dẹp yên quân giặc, ông cho giảm thuế, phát lương chẩn, tích cực khôi phục các công trình đã bị quân Nguyên hủy hoại, mau chóng sau đó quốc gia hồi phục, Đại Việt dần lấy lại sự hưng thịnh và phát triển cực thịnh thêm nữa.

Năm 1293, Nhân Tông thoái vị, nhường ngôi cho Thái tử Trần Thuyên kế vị, tức Anh Tông hoàng đế, ông lui về làm Thái thượng hoàng, chuyên tâm vào nghiên cứu Phật giáo. Ông là người đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng. Sau khi nhường ngôi, ông thường hay lấy pháp hiệu là Đầu đà Giác Hoàng Điều ngự.

Bên cạnh là một vị hoàng đế tài năng, Nhân Tông còn nổi tiếng là một nhà thơ xuất sắc của triều đại nhà Trần. Thơ ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thảng của một nhà nghệ sĩ.

Ở đấy cũng thể hiện sự hoà hợp khó chia tách giữa một ngòi bút vừa cung đình vừa giản dị, có cả những kiến thức sách vở uyên bác lẫn với sự từng trải lịch lãm. Trần Nhân Tông đã có các tác phẩm Trần Nhân Tông thi tập, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch thất mỵ ngữ và bộ Trung hưng thực lục do ông sai văn thần biên soạn. Tuy nhiên, hiện chỉ còn tìm thấy 31 bài thơ, hai cặp câu thơ lẻ, một bài minh và một bán tán. Ngoài ra, trong sách Thiền tông bản hạnh còn có hai bài văn Nôm biền ngẫu ghi tên ông là tác giả.

Phó chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công Trần Mạnh Hòa bảo rằng không biết các thiếu nữ làng Dao, xã Thượng Yên Công có phải là con cháu dòng dõi của các nàng cung tần mỹ nữ trong nội cung ngày xưa không nhưng cái đẹp của con gái nơi này ai ai cũng thừa nhận. Đặc biệt là cô nào cũng có vóc dáng thanh mảnh, cao ráo.

Tuy không được học cao hiểu rộng nhưng con gái Thượng Yên Công nói năng nhỏ nhẹ, ý nhị, lịch lãm chẳng khác gì con gái miền xuôi. Còn Trưởng Ban tư pháp xã Thượng Yên Công Nguyễn Xuân Mai cho hay: Cái đẹp của con gái Thượng Yên Công nổi tiếng khắp nước, con trai từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... đua nhau xe hơi, xe máy về đây kiếm vợ, thậm chí cả Việt kiều xa xôi cũng tìm về chọn người kết tóc se tơ...

Quỳnh Bùi

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?