Theo BS Phạm Thế Thạch, khoa Hồi sức tích cực, gần đây nhất, ngày 27/10, Khoa tiếp nhận bệnh nhân nam 66 tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bệnh nhân phát hiện đái tháo đường tuýp 2 cách đây 10 năm nhưng không điều trị bằng thuốc tây y mà dùng thuốc “tiểu đường hoàn”. Trước khi vào viện hai ngày, bệnh nhân lên cơn sốt, mệt mỏi, ăn uống kém, xuất hiện nói nhảm, ý thức chậm chạp.
Bệnh nhân được gia đình đưa vào Viện Tim Hà Nội cấp cứu trong tình trạng mê man, nói nhảm, huyết áp tụt, xét nghiệm khí máu tình trạng toan chuyển hóa nặng. Bệnh nhân được tiến hành đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục nhưng tình trạng chuyển biến chậm và được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai trong tình trạng toan chuyển hóa nghi do ngộ độc phenformin/ĐTĐ tuýp 2, tăng huyết áp.
Bệnh nhân được lọc máu liên tục, bù dịch, truyền bicarbionat, vận mạch, thở máy theo phác đồ và điều trị kháng sinh liều cao... Dù được các bác sĩ áp dụng tất cả các biện pháp điều trị tích cực tối đa nhưng bệnh nhân vẫn tử vong.
Trước đó, khoa Hồi sức tích cực cũng tiếp nhận một bệnh nhân 57 tuổi ở Lạng Sơn. Bệnh nhân bị tiểu đường nhiều năm nhưng chỉ điều trị bằng “tiểu đường hoàn” mua theo lời mách bảo của người quen. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng ho, sốt cao; khi chuyển đến khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân đã có dấu hiệu suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng, nghi do ngộ độc phenformin, chỉ điều trị khoảng 4-5 ngày thì bệnh nhân tử vong.
Cả hai bệnh nhân đều vào viện với bệnh cảnh giống nhau: Đau bụng kèm theo đau ngực giống như cơn nhồi máu cơ tim cấp, sốc, suy đa tạng rất nhanh, xét nghiệm axit lactic trong máu cao. Cả hai đều có tiền sử đái tháo đường nhiều năm, tự điều trị bằng viên “tiểu đường hoàn” không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, rao bán nhan nhản trên mạng và giao hàng tận nhà - BS Phạm Thế Thạch cho biết.
Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy- Phụ trách khoa Nội tiết Đái tháo đường, BV Bạch Mai: Phenformin là một hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và những biến chứng khôn lường nên đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều người đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường.
“Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng của nó nếu bệnh nhân được tuân thủ một liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, đúng đắn, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sỹ. Nhiều người thường tự mày mò các phương pháp điều trị bằng “thuốc Đông y”, hoặc kinh nghiệm dân gian dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và đáng tiếc như các trường hợp bệnh nhân trên” - TS Bảy bày tỏ.