Hội nghị có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều “sếu lớn” trong lĩnh vực kinh doanh du lịch với nhiều dự án tỷ đô tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Một định hướng đáng chú ý được nêu ra tại hội nghị lần này, được thể hiện ngay trong phát biểu khai mạc của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ đó là đề xuất tăng cường liên kết giữa các địa phương nhằm xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn cho du lịch miền Trung - Tây Nguyên.
Tiềm năng to lớn nhưng... “mạnh ai nấy làm”
Là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, địa hình trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Đặc biệt là tiềm năng du lịch biển đảo. Khu vực này sở hữu chuỗi các bãi biển mang đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.
Trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,5 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt hơn 80 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỉ đồng. Trong đó, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đón khoảng 56 triệu lượt khách; khách quốc tế đón hơn 9,5 triệu lượt (chiếm khoảng 28% khách quốc tế cả nước); tổng thu từ du lịch hơn 110.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 18,75% tổng thu du lịch của cả nước).
Cho rằng mặc dù du lịch Việt Nam đang có sự bùng nổ trong những năm gần đây, nhưng vẫn theo hướng “mạnh ai nấy làm”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên đề xuất, để du lịch miền Trung phát triển cần định hướng quy hoạch du lịch bám sát mục tiêu Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị theo hướng một ngành kinh tế mũi nhọn; theo đó, nhu cầu cần có một thể chế vùng trong liên kết phát triển du lịch là rất cần thiết. Cùng với đó là tăng cường tính tự chủ của từng địa phương trong việc ra những quyết định liên kết.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Thiên cũng phân tích những hạn chế về chính sách cho phát triển kinh tế mũi nhọn mà theo ông, du lịch hiện vẫn là ngành “đi xin chính sách” mà điển hình là việc gặp nhiều khó khăn trong việc miễn giảm và thực hiện thị thực điện tử. Tiến sĩ Trần Đình Thiên so sánh nếu như ở Việt Nam chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia thì ở các nước khác trong khu vực con số này lớn hơn rất nhiều. Nếu thu lệ phí mỗi thị thực 25 USD thì nguồn thu từ mỗi khách du lịch tối thiểu là 1000 USD. Đây là ưu tiên chính sách để du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, chuyên gia Trần Đình Thiên quả quyết.
Lấy cụm ngành làm trung tâm
Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự có mặt của đông đảo các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia và các nhà đầu tư lớn tại hội nghị lần này đã cho thấy tầm vóc và quy mô du lịch của các tỉnh miền Trung Tây Nguyên đã có một vị trí khác so với trước đây; thể hiện một nhận thức căn bản của các cấp, các ngành theo đúng tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.
Nhìn nhận thực trạng của du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Thủ tướng nhấn mạnh đến lợi thế của một vùng đất hội tụ các tài nguyên du lịch vốn có của Việt Nam như: Biển, đảo, văn hóa, sinh thái, núi rừng, hang động, 11 di sản văn hóa thế giới và nhất là những bãi biển đẹp nhất cả nước. Khu vực này còn là nơi sinh sống của 47/54 dân tộc anh em, tạo ra một kho tàng văn hóa đặc sắc, là nơi giao thoa văn hóa Đông Tây và kim cổ.
“Không có hệ đếm hay mỹ từ nào để có thể tô điểm hết tài nguyên du lịch quá đặc sắc và phong phú của miền Trung - Tây Nguyên”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định, du lịch miền Trung - Tây Nguyên đủ điều kiện cho phát triển các cụm ngành du lịch như: Nghỉ dưỡng, di sản, văn hóa, biển đảo, sinh thái, khám phá đồi núi và nhất là khám phá hang động. Xoay quanh đó là các ngành dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi, giải trí và các ngành cung cấp các yếu tố đầu vào như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản phẩm địa phương, quản lý tài sản, chăm sóc sức khỏe và an ninh, an toàn. Đây là những yếu tố để phát triển bền vững du lịch, Thủ tướng nói và cho rằng tài nguyên du lịch nơi đây vẫn chỉ là “viên ngọc thô, chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ dũa xứng đáng”.
Thủ tướng cũng phân tích: Việc nhiều tài nguyên du lịch đôi khi cũng là bất lợi dẫn đến việc khó tìm được một bản sắc, sự nhận diện thương hiệu, lưỡng lự trong lựa chọn ưu tiên, kể cả ưu tiên đầu tư trong điều kiện nguồn lực có giới hạn. Từ nhận định này, Thủ tướng đề nghị cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý: “Lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm”.
Hoan nghênh những kết quả đạt được của du lịch miền Trung Tây nguyên thời gian qua, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phân tích kỹ những tồn tại hạn chế mà trước hết đó là “thiếu một kiến trúc du lịch mang bản sắc Việt Nam rõ nét”. Cụ thể như: Tài nguyên du lịch bị phân mảnh trong quản lý, khai thác và sử dụng, nhiều nơi bị xuống cấp mất giá trị, khó phục hồi; sự xung đột lợi ích giữa du lịch và công nghiệp; tầm nhìn ngắn hạn khiến một số tài nguyên bị tàn phá, sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, khách du lịch còn đơn điệu, mức chi tiêu trung bình của khách còn thấp. Chất lượng, dịch vụ và năng lực phục vụ của các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, nhà hàng chưa đáp ứng được yêu cầu; các dịch vụ hỗ trợ đi kèm còn đơn điệu, lặp lại theo các nơi…
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng chỉ ra một hạn chế khác đó là vẫn xuất hiện tình trạng chặt chém du khách cùng với các vấn nạn taxi dù, bán hàng rong, mất vệ sinh, thiếu an ninh, một vài trường hợp lừa đảo, ép khách du lịch đã làm xấu hình ảnh Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.
“Gõ vào google từ khóa "chặt chém" cho ra 13,74 triệu kết quả liên quan chỉ trong 0,36s. Các cơ quan chức năng ở đâu, tại sao không điều tra, khởi tố", Thủ tướng đặt câu hỏi và yêu cầu xử lý thật nghiêm tình trạng này.
5 câu hỏi của Thủ tướng cho du lịch miền Trung
Chỉ đạo một số biện pháp thúc đẩy du lịch miền Trung Tây Nguyên trong thời gian tới, Thủ tướng tiếp tục đưa ra 5 câu hỏi đối với hội nghị: Làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn?; Làm thế nào để du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi đi sớm hơn?; Làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu? Làm thế nào để du khách kể những câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi thay vì chê bai, kể một chuyện xấu nào đó ở Việt Nam? Làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất chứ không phải một đi không trở lại?
Ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch khu vực miền Trung Tây Nguyên nói riêng còn rất nhiều việc phải làm, Thủ tướng nhìn nhận và đề nghị các địa phương sau hội nghị này, cần rà soát, phân tích lại xem tài nguyên du lịch đã được khai thác, sử dụng hiệu quả chưa, “đã tìm được thợ kim hoàn đủ năng lực và xứng tầm chưa?”. Cùng với đó là phân loại, thống kê, phân bổ việc sử dụng tài nguyên du lịch; kiên quyết thu hồi tài nguyên đã giao mà chủ đầu tư không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, làm xuống cấp tài nguyên.
Chính phủ luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu
Cho biết hiện Việt Nam đã miễn thị thực cho 24 nước; thực hiện visa điện tử đối với 47 nước, Thủ tướng cũng thông tin tại hội nghị về việc vừa ký ban hành Nghị quyết áp dụng visa điện tử thêm 34 nước.
“Chính phủ luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu để tháo gỡ cho ngành du lịch”, Thủ tướng nói và khẳng định, Chính phủ và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục giữ gìn môi trường hòa bình để tạo sự yên tâm cho du khách khi đến với Việt Nam; giữ gìn tốt an ninh trật tự và an toàn xã hội. Cùng với đó là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá đồng Việt Nam; tổ chức ngày càng nhiều những sự kiện quốc tế và trong nước. Việt Nam sẽ mở cửa bầu trời, nâng cấp sân bay, cảng biển và đặc biệt là xây dựng hệ thống đường ven biển liên tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho phát triển du lịch, Thủ tướng khẳng định.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh miền Trung cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư, ký kết các văn bản ghi nhớ với các doanh nghiệp để đầu tư các dự án về phát triển du lịch trên địa bàn.