Đá lạnh nửa ngày không tan?
Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước đá của người dân tăng cao, đây chính là cơ hội cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh đá viên ăn nên làm ra. Việc đá bẩn chưa được giải quyết dứt điểm thì mới đây báo Người Đưa Tin nhận được phản ánh của độc giả về loại nước đá “nửa ngày chưa tan”.
Khi đập ra, loại đá này vỡ vụn thành viên nhỏ như sỏi trắng. Thậm chí khi uống vào còn có cảm giác khó thở, chóng mặt, buồn nôn...Trước phản ánh trên, chúng tôi đã liên hệ với những người sử dụng loại đá lạ này và đến cửa hàng cung cấp để tìm hiểu thực hư.
Chưa hết ngỡ ngàng, kể lại về việc tiếp xúc với loại đá này, N.T.M (sinh viên Học viện T.C, Hà Nội) nói: “Trước khi bước vào kỳ thi kết thúc học phần, khoảng 7h hôm đó, nhóm chúng em ra một quán nước ngay gần cổng trường mua nước đậu nành và một chút đá để uống. Em uống vào thì có cảm giác khó thở, như có ai bóp nghẹt ở cổ họng. Mấy đứa bạn của em thì có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn. Lúc đó, bọn em nghĩ rằng đó chỉ có thể do túi nước đậu lạnh có vấn đề”.
M. cho biết thêm: “Em chỉ tá hỏa lên khi túi đá mà bọn em mua vẫn gần như nguyên dạng sau ba tiếng, dù nhiệt độ trong lớp khá nóng. Em cũng thấy túi đá tan một chút, nhưng gần như không đáng kể. Nếu như những viên đá khác thì đã thành nước từ lâu rồi”.
Tương tự như câu chuyện của M., em N.V.T, sinh viên trường ĐH Công Đoàn đang theo khoá huấn luyện quân sự ở Xuân Mai (Hà Nội) cho biết: “Hôm đó, trời nóng quá, em và mấy bạn cùng phòng có ngồi uống nước ở một quán cạnh trường. Tuy nhiên, sau khi uống hết nước, ngồi thêm một lát nữa, em thấy đá trong cốc vẫn nguyên vẹn.
Em đã hất số đá này xuống đất nhưng tuyệt nhiên không thấy những viên đá này tan chảy. Em thử cầm lên tay thì thấy những viên đá này cứng cứng, hơi nhớt nhớt chứ không tan ngay trên tay như loại đá lạnh mà em vẫn dùng ở nhà”.
Dù đã hất xuống dưới đất khá lâu nhưng loại đá này vẫn gần như không tan |
T. cho biết, sau khi đăng bức hình này lên trang cá nhân của mình, có không ít người cho hay, họ cũng uống phải loại đá có những đặc điểm tương tự như trên. Nhiều người tỏ ra lo lắng về nguồn gốc xuất xứ và những tác hại có thể xảy ra của loại đá lạ này.
Đá không tan có thể gây bỏng lạnh
Trước những phản ánh này, PV báo Người Đưa Tin tìm đến cửa hàng bán nước ở đối diện cổng trường Học viện T.C, nơi mà em N.T.M và các bạn mua túi đá và túi nước đậu nành (có đá) để uống. Quán nước này không chỉ bán các loại nước giải khát như nước mía, nước dừa, nước đậu nành… mà còn bán lẻ các loại đá lạnh.
Sau khi gọi hai cốc nước mía, vớt viên đá trong cốc đặt lên tay, tôi giật nảy vì viên đá này lạnh khiến tay tôi rất rát. Vội để viên đá xuống bàn và quan sát, tôi cũng khá bất ngờ khi thấy viên đá này gần như không tan. Cô bạn đồng nghiệp tôi nháy mắt lo lắng: “Uống liệu có sao không?”.
Thử uống ngụm nước mía đầu tiên, tôi không thấy có cảm giác gì lạ, nhưng đến ngụm thứ hai, thứ ba tôi bắt đầu có cảm giác cổ họng bỏng rát và đầu hơi choáng váng. Hỏi về nguồn gốc của những viên đá này, chủ quán chỉ một mực nói rằng, đó là đá sạch và không phải lo lắng về chất lượng.
Trước khi ra về, chúng tôi đã mua lẻ một chút đá ở cửa hàng này để quan sát. Điều lạ lùng là, sau hơn hai tiếng đi dưới cái nắng trên 400C túi đá mà chúng tôi treo ở xe chỉ hao mòn chút ít nhưng không chảy thành nước như những loại đá thông thường khác.
Còn lại một chút đá trong túi, chúng tôi mang về phòng để. Điều bất thường ở chỗ, dù không còn nhiều, nhưng phải đến ba giờ đồng hồ sau những viên đá này mới tan gần hết.
Loại đá này phải mất một buổi mới tan hết |
Ngày hôm sau, cũng tại khu vực này, chúng tôi đến một cửa hàng khác bán nước đậu mua một túi đá về. Cũng tương tự như hôm trước, loại đá này tan rất chậm. Khi sờ vào có cảm giác bỏng rát tay chứ không phải lạnh như loại đá khác.
Để hiểu rõ hơn về loại đá “lạ” này, chúng tôi đã mang túi đá đến hỏi GS.Trần Hồng Côn, Giảng viên ĐH Khoa học Tự Nhiên. Sau khi quan sát và nghe chúng tôi miêu tả đặc điểm của loại đá này, GS. Côn không tỏ ra ngạc nhiên. GS. Côn cho hay, loại đá này trên thị trường bán rất nhiều. Vấn đề cần quan tâm chỉ là mục đích sử dụng của người mua dùng vào việc gì.
“Đây là đá khô, hay còn gọi với nhiều tên khác là đá khói, đá CO2 hay băng khói. Đá khô được sử dụng nhiều trong ngành công nghệ thực phẩm. Loại đá này được sản xuất bằng cách nén khí điôxít cacbon (CO2) thành dạng lỏng, loại bỏ nhiệt gây ra bởi quá trình nén, và sau đó cho CO2 lỏng giãn nở nhanh. Sự giãn nở này làm giảm nhiệt độ và làm cho một phần CO2 bị đóng băng thành "tuyết", sau đó "tuyết" này được nén thành các viên hay khối”, GS. Trần Hồng Côn nói.
GS.Côn cũng cho hay: “Đá khô thường dùng để làm lạnh hay bảo quản rau quả tươi, thủy hải sản... Ngoài ra, đá khô dùng để bảo quản mô sinh vật và thiết bị y tế, vệ sinh công nghệp, bảo quản thi hài, tạo các hiệu ứng khói trong sân khấu tiệc cưới, ca nhạc...”.
Mặc dù thừa nhận tính hữu ích của loại đá khô này, tuy nhiên GS.Trần Hồng Côn cảnh báo rằng, cần phải sử dụng đúng cách, nếu không rất dễ gây ngộ độc CO2, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
“Những trường hợp các em sinh viên có cảm giác khó thở, buồn nôn, đau đầu... sau khi uống loại đá này là bởi khi thăng hoa (thành dạng khí), đá khô sẽ tạo thành lớp khí CO2. Khi uống, lượng CO2 vào cơ thể nhiều sẽ gây ra hiện tượng bị ngộ độc. Nó cũng giống như ngộ độc khi đốt than tổ ong mà đóng kín cửa. Thêm nữa, khi uống vào, nhiều người sẽ có cảm giác rát ở cổ họng đó là do đá khô có nhiệt quá thấp – 790C, vì thế có thể gây ra hiện tượng bỏng lạnh”, GS. Trần Hồng Côn nói.
Không chạm tay trực tiếp vào đá khô
GS.Trần Hồng Côn cho rằng, khi tiếp xúc với đá khô, người sử dụng phải dùng găng tay cách nhiệt thích hợp như bao tay bằng cao su để di chuyển đá, không được chạm tay trực tiếp với loại đá này.
“Đá khô gây kích thích da và mắt. Tránh tiếp xúc với da, miệng, mắt, và quần áo. Nếu trực tiếp cầm loại đá này, hoặc nếu đưa cả viên đá khô vào miệng, ngoài nguy cơ bị ngộ độc, người sử dụng có thể bị lột da lưỡi, lột da tay do bị bỏng lạnh”, GS.Trần Hồng Côn cảnh báo.
Theo các chuyên gia hóa học, bản chất đá khô không độc hại, nhưng nếu nuốt phải sẽ gây hiện tượng khó thở và làm tê liệt cơ quan tiêu hóa do nhiệt độ rất thấp. Nếu chẳng may nuốt phải cần đến các cơ sở y tế ngay lập tức.
Đá khô có giá cao hơn so với đá lạnh thông thường
Liên hệ qua điện thoại tới một số công ty và cửa hàng có rao bán đá khô, chúng tôi được biết đá khô có giá khá cao so với loại đá thông thường. Giá trung bình của loại đá này khoảng từ 25.000 đồng - 40.000 đồng/kg. Trong khi đá viên thông thường chỉ có giá từ 10-12.000/kg.
Nếu mua với số lượng nhiều thì chi phí sẽ được giảm. Lý giải vì sao loại đá này đắt hơn so với đá lạnh thông thường, chủ một cửa hàng ở Hà Nội cho biết, do quy trình sản xuất loại đá này rắc rối và cần công nghệ cao hơn. Thêm nữa, đá này có ưu điểm trội hơn nhiều về thời gian bảo quản so vớiđá lạnh thông thường.
Khi vận chuyển loại đá khô này phải rất cẩn thận. Nếu đá khô được vận chuyển bằng xe ô tô thì cửa sổ của xe phải được mở để không khí lưu thông ra vào. Nếu lưu trữ đá khô trong phòng thì phải đảm bảo thông gió tốt cho phòng. Không được đựng đá khô trong bình kín, bình thủy tinh, các loại thùng kín hơi. Bởi áp suất của khí có thể làm vỡ, nổ bình. Ngoài ra nơi bảo quản đá khô nên để xa nơi tập trung đông người, phòng ngủ.