Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Bốn điểm nhấn khó quên

"Thiện cảm của người dân đối với vị tổng thống và mối quan hệ Việt-Mỹ là một trong những nền tảng quan trọng giúp quan hệ song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai"- TS Lê Hồng Hiệp nói
Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Bốn điểm nhấn khó quên

LTS: Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama đang điểm những thời khắc cuối, sau ba ngày đầy ắp những sự kiện, những dấu mốc trọng đại trong lịch sử quan hệ hai nước.

Cuộc trò chuyện với TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, và Giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, ĐHKHXH&NV TPHCM; và PGS-TS Alexander L. Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương APCSS-Mỹ.

Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Bốn điểm nhấn khó quên ảnh 1

Tổng thống Obama thăm khu DreamPlex tại TP. HCM. Ảnh: AP.

Các ông đánh giá như thế nào về tổng thể chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam?

TS Lê Hồng Hiệp: Chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam giành được nhiều sự chú ý của công luận trong nước cũng như quốc tế, thể hiện ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm cũng như tầm quan trọng ngày càng lớn của quan hệ Việt – Mỹ đối với hai nước cũng như khu vực. Cho tới lúc này có thể nói chuyến thăm đã thành công như mong đợi, với việc hai bên đạt được nhiều thỏa thuận trong các lĩnh vực quan trọng. Trong chuyến thăm có 4 điểm nhấn mà chúng ta nên lưu ý.

Điểm nhấn đầu tiên là việc Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, và gửi đi một thông điệp nhiều ý nghĩa về sự thắt chặt quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước trong tương lai.

Điểm nhấn thứ hai là hợp đồng mua 100 máy bay Boeing của hãng hàng không Vietjet. Đây là hợp đồng thương mại lớn nhất giữa hai nước từ trước tới nay, và đưa Việt Nam cũng như Vietjet trở thành những khách hàng lớn của ngành chế tạo máy bay Mỹ nói chung, Boeing nói riêng.

Sự kiện cho thấy hai bên đều có thể cùng thắng trong mối quan hệ này, qua đó góp phần xóa bỏ định kiến lâu nay, nhất là của một số người Mỹ, rằng Việt Nam đang hưởng lợi nhiều hơn Mỹ từ mối quan hệ. Sự kiện cũng góp phần khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tăng cường hậu thuẫn cho quan hệ song phương cũng như chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh việc phê chuẩn hiệp định TPP ở Mỹ có thể gặp một số thách thức trong thời gian tới.

Điểm nhấn thứ ba là việc Việt Nam cấp phép cho việc thành lập cho Đại học Fulbright Việt Nam. Sự kiện này cho thấy quan hệ Việt – Mỹ đang phát triển toàn diện và thực chất, và sự phát triển quan hệ đó không phải hoàn toàn là vì vấn đề Biển Đông hay Trung Quốc. Sự kiện cũng mang lại những giá trị hữu hình từ sự phát triển quan hệ song phương cho bản thân những người dân thường Việt Nam.

Điểm nhấn cuối cùng là sự tiếp đón nồng nhiệt của người dân Việt Nam dành cho TT Obama cũng như sự thân thiện và nhiệt tình của ông Obama trong giao lưu với người dân Việt Nam, được thể hiện trên thực tế cũng như không gian mạng. Những thiện cảm, ủng hộ của người dân đối với bản thân vị tổng thống và mối quan hệ Việt – Mỹ có lẽ là một trong những nền tảng quan trọng nhất giúp quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

PGS-TS Alexander L. Vuving: Chuyến thăm của Tổng thống Obama là một dấu mốc lớn trong quan hệ hai nước. Nó tiếp nối một quá trình lịch sử kịch tính giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2012, khi Mỹ bắt đầu “tái cân bằng” về châu Á. Có lẽ sự kiện có ý nghĩa nhất trong chuyến thăm này là Mỹ tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Động thái này là dấu mốc rất quan trọng cho quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Nó cũng khẳng định giữa Mỹ và Việt Nam không còn mâu thuẫn lợi ích chiến lược, mà ngược lại, có sự tương đồng rộng lớn về lợi ích chiến lược ở Biển Đông và trong khu vực.

Chuyến thăm có ý nghĩa lớn đối với cân bằng chiến lược trong khu vực. Nó mở ra những khả năng rộng lớn để tái cân bằng quyền lực trong khu vực vốn đang có xu hướng bị lệch do những hành động ngạo ngược coi thường công pháp quốc tế tại Biển Đông.

Những rào cản cuối cùng giữa hai quốc gia còn nhiều khác biệt đã được dỡ bỏ sau tuyên bố của Tổng thống Obama về việc Xóa bỏ cấm vận vũ khí. Nhà Trắng cũng loan báo Mỹ sẽ cung cấp 18 tàu tuần tra cho Việt Nam, đồng thời hỗ trợ huấn luyện và thiết bị thực thi pháp luật trên biển cho Cảnh sát Biển Việt Nam. Theo các vị, điều này có ý nghĩa gì trong việc duy trì ổn định an ninh hàng hải trong khu vực và trên thế giới?

PGS-TS Alexander L. Vuving: Muốn có hoà bình ổn định trong khu vực thì trước hết phải có cân bằng quyền lực ở Biển Đông. Các bước đi theo kiểu “cờ vây” đang được áp dụng tại khu vực này đã làm lệch cán cân quyền lực trên Biển Đông, khiến gia tăng căng thẳng trong khu vực. Thêm vào đó là những hành động bành trướng một cách lắt léo trong vùng xám (giữa xung đột và hoà bình) nên rất khó để các quốc gia liên quan trực tiếp ngăn chặn các hành động như vậy.

Trong bối cảnh này, Mỹ, Việt Nam và một số nước khác tận dụng được lợi thế so sánh của mình và chơi “cờ vây” một cách mạnh bạo hơn thì hoàn toàn có thể tái cân bằng quyền lực trong khu vực mà không cần phải sử dụng đến vũ lực.

Một hướng đi lớn trong ván “cờ vây”, đó là dành cho Việt Nam quyền tiếp cận công nghệ vũ khí của Mỹ và cho Mỹ quyền tiếp cận các cơ sở ở Việt Nam. Việc Mỹ xoá bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam đã mở ra cơ hội rộng lớn cho những hướng đi này.

Đồng thời, động thái bỏ hoàn toàn cấm vận của Mỹ cũng gia tăng sự tin cậy chiến lược giữa hai nước. Điều này mở ra cơ hội để Mỹ và Việt Nam trở thành một “cặp đôi hoàn hảo” trong việc giữ ổn định và tự do hàng hải trong khu vực.

TS Lê Hồng Hiệp: Sự hợp tác Việt - Mỹ trong lĩnh vực an ninh hàng hải là một kết quả tất yếu và tự nhiên khi hai bên có nhiều lợi ích song trùng trong đó, nhất là trong bối cảnh vấn đề này đang nhận được sự quan tâm lớn của hai nước khi tình hình Biển Đông gần đây đang có những diễn biến phức tạp, đe dọa các lợi ích đó của hai nước.

Đây là một minh chứng khác cho mối quan hệ hai bên cùng thắng giữa Việt Nam và Mỹ. Việt Nam cần nâng cao năng lực hàng hải để bảo vệ tốt hơn lợi ích của mình trên Biển Đông, còn bản thân Hoa Kỳ cũng muốn các quốc gia ven Biển Đông nâng cao năng lực trong việc chống lại các sự áp đặt mang tính cưỡng bức có thể đe dọa các hàng hóa công quan trọng như tự do và an toàn hàng hải, vốn là những lợi ích thiết yếu của Hoa Kỳ.

Sự tăng cường quan hệ song phương trong lĩnh vực an ninh hàng hải này tất nhiên sẽ nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng quốc tế, bởi nó là dấu hiệu của những dịch chuyển sâu hơn trong cán cân chiến lược khu vực mà trong đó quan hệ Việt – Mỹ là một bộ phận cấu thành. Khi cán cân đó cân bằng hơn, việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực cũng sẽ có cơ hội lớn hơn.

Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Bốn điểm nhấn khó quên ảnh 2

“Thiện cảm, ủng hộ của người dân đối với bản thân vị tổng thống và mối quan hệ Việt – Mỹ có lẽ là một trong những nền tảng quan trọng nhất”. Ảnh: Phạm Hải

Trong chuyến thăm chính thức này, Việt Nam và Hoa Kỳ ra Tuyên bố chung, đưa quan hệ đối tác toàn diện theo hướng hợp tác sâu sắc hơn. Liệu có thể sớm kì vọng hai bên sẽ nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược hay không?

TS Lê Hồng Hiệp: Như một số nhà phân tích đã chỉ ra, quan hệ song phương hiện tại mặc dù mang nhãn “đối tác toàn diện” nhưng bản chất đã ít nhiều mang tính chiến lược, nhất là trong bối cảnh hai nước đã tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng trong thời gian gần đây. Vì vậy, việc “nâng cấp” ngay quan hệ song phương lên mức “đối tác chiến lược” nếu có xảy ra thì cũng chủ yếu mang tính chất biểu tượng, và vì vậy có thể không cần thiết, nhất là nếu nó có thể gây ra những hiểu lầm, nghi kỵ từ một vài quốc gia khác.

Vì thế theo tôi việc hai nước cùng làm những gì với nhau trên thực tế để quan hệ hai bên được thực chất và đáp ứng được các kỳ vọng lẫn nhau, nhất là trên phương diện quân sự - chiến lược, sẽ quan trọng hơn việc chính thức gắn nhãn “đối tác chiến lược” cho mối quan hệ đó, ít nhất là trong thời gian trước mắt.

PGS-TS Alexander L. Vuving: Với đà phát triển hiện nay của các sự kiện và các mối quan hệ, sẽ không có gì bất ngờ nếu Việt Nam và Mỹ nâng quan hệ lên đối tác chiến lược trong 5 năm tới.

Một câu hỏi cũng đang được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là liệu chính phủ Mỹ, nhiệm kỳ tới, sẽ tiếp tục duy trì ra sao những kết quả đã được xây dựng và củng cố từ chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Obama tới Việt Nam?

TS Lê Hồng Hiệp: Theo tôi hiểu thì lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã ít nhiều đạt được sự đồng thuận về chính sách tái cân bằng sang Tây Thái Bình Dương, và vị tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ dù là người của đảng nào thì chính sách này vẫn nhiều khả năng được duy trì, có thể dưới một tên gọi khác.

Trong bối cảnh đó, chính sách của Mỹ đối với Việt Nam cũng nhiều khả năng sẽ không thay đổi. Tuy nhiên các biện pháp, sáng kiến cụ thể từ phía Mỹ như thế nào thì chúng ta còn phải chờ xem, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, trong đó có lợi ích và nhu cầu hai phía, cũng như bản thân quan điểm của chính quyền mới trong từng vấn đề cụ thể.

Nếu bà Hillary Clinton trở thành tổng thống, quan hệ Việt Mỹ có thể còn phát triển mạnh hơn, nhanh hơn nữa, do quan điểm chính sách cũng như các mối liên hệ cá nhân của bà với Việt Nam khá tích cực. Trong trường hợp ông Donald Trump thắng cử, quan hệ song phương có thể bị lơ là hoặc chững lại ít nhiều, nhưng nhìn chung tôi tin rằng xu hướng chung của sự phát triển quan hệ song phương sẽ tiếp tục được duy trì.

Điều này là bởi nền chính trị Hoa Kỳ có các cơ chế mang tính cấu trúc và thể chế có thể hạn chế quyền tự do hành động của các cá nhân. Quan trọng hơn, cho dù tổng thống Mỹ tiếp theo là ai, thì lợi ích quốc gia, nền tảng của chính sách đối ngoại Mỹ nói chung và chính sách của Mỹ đối với Việt Nam nói riêng, cũng sẽ ít thay đổi.

Trên khía cạnh này, chuyến thăm của ông Obama cũng có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó góp phần làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa quan hệ Việt – Mỹ. Khi quan hệ song phương đạt tới một ngưỡng nào đó, thì các đời chính quyền sau càng khó có thể đảo chiều hoặc làm xói mòn được mối quan hệ đó.

PGS-TS Alexander L. Vuving: Tôi nghĩ bất cứ tổng thống nào kế nhiệm ông Obama đều sẽ thầm cảm ơn ông đã để lại di sản là một mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam.

Mỗi vị tổng thống kế nhiệm đều có thể đưa quan hệ Việt - Mỹ đi theo một hướng khác nhau, nhưng nền tảng của sự đồng thuận và tin cậy chiến lược giữa hai nước được xây dựng trong nhiệm kỳ của ông Obama thì tôi nghĩ không tổng thống nào lại dại gì mà từ bỏ.

Theo Vietnamnet

EU khiếu nại lên WTO việc Trung Quốc áp thuế rượu mạnh
EU khiếu nại lên WTO việc Trung Quốc áp thuế rượu mạnh
(Ngày Nay) - Ngày 25/11, Liên minh châu Âu (EU) chính thức khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phản đối động thái của Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu từ khối 27 nước thành viên này.
"Kết nối năm châu" tại lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2024
"Kết nối năm châu" tại lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2024
(Ngày Nay) -  Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2024, do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 29/11 đến 1/12 tại Công viên Thống Nhất. Với chủ đề "Hà Nội kết nối năm châu," sự kiện quy tụ các hoạt động đặc sắc, tạo không gian giao lưu văn hóa và ẩm thực quốc tế.
Vấn nạn bỏ học ở Nhật Bản
Vấn nạn bỏ học ở Nhật Bản
(Ngày Nay) - Để đối phó với tình trạng học sinh bỏ học ngày càng gia tăng, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách mới nhằm tạo ra một môi trường học đường an toàn, thân thiện và phù hợp với nhu cầu của từng trẻ nhỏ .
Ukraine mất dần lợi thế ở vùng Kursk của Nga
Ukraine mất dần lợi thế ở vùng Kursk của Nga
(Ngày Nay) - Tình hình chiến sự tại vùng Kursk của Nga đang trở nên bất lợi cho Ukraine khi Nga gia tăng lực lượng nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực này. Trong khi đó, tình hình ở mặt trận phía Đông Ukraine cũng đang diễn biến phức tạp.
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
(Ngày Nay) - Theo một nghiên cứu mới được công bố, mức sử dụng kháng sinh trên toàn cầu đã tăng 21% kể từ năm 2016, làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về nguy cơ kháng thuốc kháng sinh. Phân tích dữ liệu từ 67 quốc gia cho thấy xu hướng gia tăng đáng báo động này.