Trao đổi với báo Pháp luật TP HCM, ông Nguyễn Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông), cho biết mức giá vé đề xuất đã có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tương đương mức hỗ trợ với xe buýt vào giai đoạn đầu (khoảng 50%).
Vị này cũng cho biết thêm kinh nghiệm chung của các nước khi xây dựng phương án giá vé cho đường sắt đô thị là đều đưa ra ba cách tính giá vé: giá vé đồng hạng, giá vé theo khu vực, giá vé theo cự ly (theo chặng). Do hạn chế về công nghệ, xe buýt ở Việt Nam đang áp dụng vé đồng hạng (chia ba loại: tuyến ngắn, tuyến trung bình, tuyến dài). Vé đồng hạng có ưu điểm đơn giản, dễ quản lý nhưng có mặt hạn chế không khuyến khích những người đi chặng ngắn.
“Với hỗ trợ của JICA về công nghệ vé thẻ, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ áp dụng giá vé chặng. Mặt khác, qua khảo sát ý kiến người dân, phương án thu vé theo chặng cũng được nhiều người tán thành vì đảm bảo tính công bằng” - ông Trường cho hay.
“Cụ thể, giá mở cửa tàu thấp nhất là 7.000 đồng, đi thêm mỗi ga, tương đương khoảng 1 km, hành khách phải trả thêm 600 đồng. Giá vé trên cao hơn vé xe buýt, đổi lại hành khách được dịch vụ tốt hơn, tốc độ nhanh hơn gấp hai lần (xe buýt 14-16 km/giờ, tàu điện 35 km/giờ). Với giá vé và tốc độ trên, có thể nói đi tàu đường sắt đô thị rẻ hơn đi Grab”, ông Trường phân tích.
Như vậy, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông dự kiến áp dụng 3 loại vé là vé lượt, vé ngày và vé tháng. Điểm mới nhất trong phương án giá vé của tuyến này là áp dụng theo chặng đường (giữa các nhà ga).
Theo dự kiến, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông được đưa vào vận hành thương mại trong tháng 4/2019 và hành khách sẽ được miễn phí vé trong 15 ngày đầu vận hành thương mại, theo TTXVN.
Tổng hợp