Không ồn ào và xô bồ như bao con phố khác, phố 8.3 giản dị, mộc mạc trong cuộc sống tấp nập đất đô thành. Phố kéo dài từ bờ tây sông Kim Ngưu cho đến Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Dọc phố là nhiều cửa hàng, đan xen với hình ảnh của những xe hoa bên đường, hay gánh hàng rong... Tất cả tạo nên khung cảnh vừa đẹp, vừa bình dị trong con phố nhỏ mang tên ngày Quốc tế Phụ nữ.
Con phố đặc biệt mang tên ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm ngay giữa lòng Hà Nội.
(ảnh: Tri thức trẻ)
Trước đây, con phố này là khu tập thể của Nhà máy dệt 8.3 và cũng là con đường chính vào nhà máy, 90% công nhân ở đây là phụ nữ. Để kỷ niệm một thời kỳ huy hoàng của nhà máy Dệt 8/3, tháng 7/2010, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định đặt tên con phố này là phố 8/3.
Thời hoàng kim của nhà máy Dệt 8/3 đã đi qua được hơn nửa thế kỉ. Đó thời của những con người hăng say lao động, thời của những người phụ nữ đảm đang, vừa là công nhân nhà máy Dệt, vừa là người vợ, người mẹ, giỏi việc nước, đảm việc nhà.(ảnh: Dân Việt)
Hàng năm cứ đến ngày Quốc tế Phụ nữ người ta lại nhớ đến con phố này nhiều hơn, nhớ về cái thời “vàng son” của nhà máy Dệt 8/3. Năm 1960, nhà máy Dệt 8/3 chính thức bắt đầu xây dựng và ngày 8/3/1965, nhà máy được cắt băng khánh thành để chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ. Kể từ khi thành lập và trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhà máy Dệt 8/3 luôn đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến nơi phương xa. Bước vào thời kỳ đổi mới, dù nhà máy không còn bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường nhưng vẫn là dấu ấn để người ta nhớ về những ngày tháng cả nước chung sức xây dựng lại nền kinh tế trong chiến tranh đổ nát.
Khu tập thể nhà máy dệt 8/3, nơi sinh sống của rất nhiều công nhân đã từng làm việc trong nhà máy. (ảnh: Vnexpress)
Con ngõ nhỏ dẫn vào khu tập thể nhà máy Dệt 8/3. (ảnh: giáo dục thời đại)
Phố 8/3 bắt đầu từ bờ tây sông Kim Ngưu đến Quỳnh Mai, quận Hai bà Trưng, phố dài tầm 500 mét. Trước kia phố thuộc đất trại Quỳnh Lôi, huyện Thọ Xương.
(ảnh: giáo dục thời đại)
Một góc chợ sáng trong con phố nhỏ. (ảnh: Tri thức trẻ)
Không chỉ phố, các chợ, nhà trẻ, cửa hàng... xung quanh đều được đặt tên ngày quốc tế phụ nữ. (ảnh: giáo dục thời đại)
Những thế hệ công nhân đầu tiên của nhà máy Dệt 8-3 phần lớn là nữ giới nhưng họ là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất làm hậu phương vững chắc cho tuyền tuyến chống Mỹ cứu nước. Bây giờ những cô gái nhà máy Dệt năm xưa tóc đã phai màu năm tháng. (ảnh: Dân Việt)
Nửa thế kỷ đã trôi qua, con phố nhỏ vẫn tất bật với nhịp sống lao động như ngày nào. (ảnh: Tri thức trẻ)
Dù nửa thế kỉ đã trôi qua, nhà máy Dệt 8/3 không còn phát triển như những ngày đầu của thập niên 60, những nữ công nhân ngày nào giờ tóc đã đổi màu pha sương nhưng con phố nhỏ mang tên 8.3 vẫn đứng đó, tôn vinh vẻ đẹp một thời của những phụ nữ từng hết mình cho ra đời những sản phẩm dệt may công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam.
Theo Vntinnhanh.vn