Tuổi già không lối thoát

Tuổi già không lối thoát

Thực trạng đáng buồn đang diễn ra ở Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á: người cao tuổi hiện sống trong cảnh thất nghiệp, họ cảm thấy bị ngắt kết nối với con cháu, gia đình, xã hội… họ trầm cảm và rơi vào bế tắc.
* * * 
NGHÈO ĐÓI VÀ MUỐN CHẾT

Ở tuổi 70, ông Son không đòi hỏi gì nhiều, người đàn ông đến từ Seoul, Hàn Quốc chỉ ước mình có 10.000 won, tương đương khoảng 9 USD, để trang trải qua ngày. “Đó là tất cả những gì tôi muốn”, ông bộc bạch.

Vào mỗi buổi sáng, ông Son thường tới công viên Tapgol - nơi ông và bạn bè xếp hàng mua một bát canh tiết bò trị giá 2.500 won cho bữa trưa. “Tôi nghĩ đây là bát canh tiết rẻ nhất cả nước. Sau đó chúng tôi mua thêm một cốc cà phê giá 200 won”.

Ông Son có khoản lương hưu trợ cấp hàng tháng 250.000 won nhưng chỉ đủ để thanh toán các hóa đơn. “Tôi thậm chí không thể sưởi ấm căn phòng của mình. Tôi bật máy sưởi lên một lúc rồi phải tắt đi để tiết kiệm điện”. Tuy nhiên, ở một đất nước mà dân số đang già đi nhanh chóng trong khi phải đối mặt với thách thức cải cách lương hưu, trường hợp của ông Son vẫn còn may mắn hơn một số người.

Khi giới trẻ Hàn Quốc hiện đang dần từ bỏ truyền thống chăm sóc người già còn chính phủ chưa có chính sách an sinh hợp lý, số lượng lớn người cao tuổi Hàn Quốc đã tìm tới con đường tự sát. Theo thống kê trong năm 2017, cứ 100.000 vụ tự tử thì có tới 48,8 người ở độ tuổi 70, theo Trung tâm phòng chống tự tử Hàn Quốc.

Trong khi Tổng thống Moon Jae-in đang tiến hành các động thái để cải cách hệ thống lương hưu vốn được coi là yếu kém nhất châu Á, vấn đề có vẻ sẽ phải mất hàng thập kỷ để giải quyết triệt để.

Tuổi già không lối thoát ảnh 1

Ông Cho Hyun-yun, nhà nghiên cứu tại Đại học Dongguk, Seoul, cho biết: “Sự bất lực và thiếu trách nhiệm chính trị của nhà nước và chính phủ là lý do đứng sau tỷ lệ nghèo đói và tự tử đang gia tăng ở người cao tuổi. Các đảng phái chính trị đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết bài toán này”.

Tình hình tại Hàn Quốc còn tồi tệ hơn nhiều so với quốc gia có nền kinh tế phát triển tương tự là Nhật Bản, nơi gánh nặng phúc lợi xã hội luôn là mối lo ngại thường trực của các nhà hoạch định chính sách. Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong năm 2015 cho thấy 45,7% người trên 65 tuổi tại Hàn Quốc sống trong nghèo đói, trong khi tỷ lệ này ở Nhật Bản là 19,6%.

Thế hệ những người từ 60-80 tuổi của Hàn Quốc hiện tại là những lớp người cuối cùng đặt nặng vấn đề chăm sóc cha mẹ, nhưng chính họ là những người đầu tiên không được con cái hỗ trợ về mặt tài chính. “Thế hệ con cái của tôi không biết làm thế nào để trợ giúp cha mẹ”, ông Kang (79 tuổi), cho biết. “Tôi không thể xin tiền con trai hay con dâu mình”.

Kim Yu-kyung, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, nhận xét: “Cấu trúc gia đình của Hàn Quốc đã trở nên nhỏ hơn, với xã hội ngày càng cá nhân hóa. Mọi người cho rằng nhà nước có thể và nên hỗ trợ người già, chứ không phải các gia đình trẻ”. Nhưng cho tới nay, chính phủ Hàn Quốc chưa thể ban hành các cải cách hiệu quả.

Theo tổ chức đánh giá hệ thống hưu trí toàn cầu Melbourne Mercer, hệ thống lương hưu của Hàn Quốc trong năm 2018 chỉ nhận hạng D (yếu kém và thiếu sót lớn), cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.

Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi nhiều công ty tại Hàn Quốc thường có xu hướng ép người lao động về hưu sớm từ năm 50 tuổi, trong khi luật pháp quy định 60 tuổi, điều này buộc nhiều người rơi vào cảnh nghèo khó do thất nghiệp trong khi chưa đủ tuổi lĩnh lương hưu.

Tuổi già không lối thoát ảnh 2

Ông David Anderson,  Chủ tịch Melbourne Mercer, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hỗ trợ cho những người lao động rơi vào tình trạng này, chẳng hạn như yêu cầu các doanh nghiệp đóng góp thêm vào các quỹ lương hưu chung.

Chính phủ của Tổng thống Moon hiện đang nỗ lực cải thiện tình trạng này nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ các cử tri lớn tuổi cho cuộc bầu cử năm 2022 bằng cách tăng mức lương hưu cơ bản đối với những người 65 tuổi lên 300.000 won, quy định này đã bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4 năm nay.

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cũng đang thúc đẩy cải cách hệ thống lương hưu quốc gia, vốn trích một phần từ thu nhập trong suốt sự nghiệp của người lao động. Hệ thống này được tạo ra vào năm 1988 và trở nên có hiệu lực từ năm 1999.

Nhưng trong khi các nhà lập pháp nghiên cứu nhiều dự luật, những người cao niên hiện vẫn phải vật lộn để kiếm tiền, đặc biệt là những người sống ở các thành phố lớn.

Thống kê tự tử từ trung tâm phòng ngừa cho thấy sự phân chia địa lý rõ ràng. Thủ đô Seoul có tỷ lệ thấp nhất là 18,1 trên 100.000 người trong năm 2017, trong khi con số của tỉnh Nam Chungcheong là 26,2. Các chuyên gia cho rằng điều này cho thấy người cao tuổi ở nông thôn hiện nhận được ít sự hỗ trợ hơn.

“Có rất ít cơ quan y tế hoặc văn hóa nơi người cao tuổi có thể yêu cầu giúp đỡ tại vùng nông thông”, ông Choi Myung-min, Giáo sư phúc lợi xã hội tại Đại học Baekseok ở Cheonan, Nam Chungcheong cho biết. “Những người mất khả năng lao động bị đào thải”.

Nhìn nhận rõ điều này, Thủ tướng Lee Nak-yon từ cuối năm 2018 quyết định thành lập một hệ thống trong đó chính quyền trung ương và các thành phố sẽ hợp tác để ngăn chặn các vụ tự tử của người cao niên. “Người già thường phải chịu đựng cảnh nghèo đói, bệnh tật, cô lập và tổn thương tinh thần. Tôi nghĩ rằng điều cần thiết là giải quyết những cơn đau này như một giải pháp để ngăn chặn tình trạng tự tử ở người cao tuổi”.

Nhưng chưa ai có thể tìm ra lời giải cho bài toán phúc lợi cho người cao tuổi ở một đất nước nơi những người trẻ tuổi còn đang gặp khó khăn khi kiếm việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc đã dao động khoảng 8%, cao hơn mức trung bình quốc gia. Điều này có nghĩa là những người như ông Lee Sang-kye (70 tuổi) thường không thể tìm được việc làm do người trẻ tuổi được ưu tiên nhiều hơn.

Ông Lee kiếm được khoảng 6.000 won mỗi ngày bằng cách bán giấy và phế liệu trên đường phố Seoul, khoản thu nhập này chỉ đủ để ông sống qua ngày.

LÀN SÓNG TỘI PHẠM "TÓC BẠC"

Thống kê chính thức tại Hàn Quốc ghi nhận mức tăng 45% ở tỷ lệ các vụ phạm pháp của người trên 65 tuổi trở lên trong 5 năm qua. Tội phạm nghiêm trọng bao gồm giết người, đốt phá, hãm hiếp và cướp tài sản đã tăng 70%, từ khoảng 1000 vụ năm 2013 lên hơn 1.800 vào năm 2017.

“Nhiều người già hiện sống trong cảnh thất nghiệp, họ cảm thấy bị ngắt kết nối và điều này có thể dẫn đến sự thù địch, trầm cảm và hành vi chống đối xã hội”, Cho Youn-oh, Giáo sư và nhà tội phạm học tại Đại học Dongguk, Seoul nói.

“Bị cô lập và cảm thấy không có gì để mất có thể khiến người cao tuổi mất kiểm soát và hành xử thiếu thận trọng. Những người có gia đình hoặc việc làm thường có xu hướng biết kiềm chế bản thân hơn”, theo Giáo sư Cho.

Ngay cả các nhà tù của Hàn Quốc cũng đang gặp khó khăn với làn sóng tội phạm cao tuổi. Các tù nhân già thường tiềm ẩn nhiều căn bệnh bao gồm chứng mất trí, ung thư và thường phải được cách ly.

Lee Yun-hwi, Phó Giám đốc trại giam Nambu của Seoul cho biết: “Người cao tuổi yếu hơn về thể chất so với những người trẻ tuổi, ngoài ra họ còn dễ dính tới các trận ẩu đả với người trẻ do khác biệt về thế hệ và văn hóa”.

Ông Park (71 tuổi) – một tù nhân tại trại giam Nambu, lý giải nguyên nhân khiến nhiều người cao tuổi ở Hàn Quốc phạm pháp. “Tỷ lệ tội phạm gia tăng khi người ta không có tiền”.

Tuổi già không lối thoát ảnh 3

Một tù nhân khác – ông Noh (70 tuổi), mong muốn xã hội Hàn Quốc chăm sóc người già tốt hơn.

Người đàn ông này sinh ra vào cuối những năm 1940 trong bối cảnh hỗn loạn và bất ổn lớn ở Hàn Quốc. Ông Noh nói rằng thế hệ của mình đã trải qua một số thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử Hàn Quốc - nhưng vẫn không có tiền tiết kiệm hoặc sự hỗ trợ của xã hội tương ứng.

Đáng chú ý, việc tái hòa nhập xã hội là một bài toán nan giải khác cho chính phủ Hàn Quốc, khi tỷ lệ tái phạm của người cao tuổi lên tới 30%, trong khi con số trung bình trên cả nước là 20%.

Nhà tội phạm học Cho cho biết một mạng lưới hỗ với sự tham gia của toàn xã hội là giải pháp khắc phục tình trạng tội phạm già hóa. Với việc Hàn Quốc đang trên bắt kịp Nhật Bản để trở thành “xã hội cao tuổi” vào đầu năm 2025, ông cho rằng công chúng phải hiểu được tình hình khó khăn mà nhiều người cao tuổi phải đối mặt để đưa ra sự hỗ trợ hợp lý.

“Hiện tại, một trong những nơi an toàn nhất cho nhiều tù nhân cao tuổi có thể là nhà tù. Khi nhiều tù nhân được thả ra, họ không có nơi nào để đi hay trú ẩn và cũng không có tiền để ăn. Tù nhân bị giam giữ từ 10-15 năm có xu hướng lo sợ khi được phóng thích, bởi họ chẳng có nơi nào để đi”, ông Noh cho biết.

TIN LIÊN QUAN
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.