Sáng nay (17/2), BS CKII Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng (TP.HCM), cho biết BV vừa nội soi lấy ra một xương đầu cá nghẽn trong đường thở đã tám tháng cho bệnh nhân QTT (45 tuổi, Bình Dương).
Ngày 16/2, bệnh nhân đến BV vì tình trạng ho, khạc có ra ít máu và hơi thở hôi đã tám tháng qua.
Bệnh nhân đã điều trị nhiều BV, trong đó có BV nghi bệnh nhân bị xoang nên đã tiến hành mổ xoang nhưng không hết. Bệnh nhân đến BV Tai Mũi Họng, sau khi khám lâm sàng và khai thác bệnh sử, các BS chỉ định chụp CT và phát hiện dị vật kích thước lớn chiếm hết đường thở. Các BS tiến hành nội soi lấy dị vật ra. Dị vật có hình nửa đầu xương cá với diện tích 1x2 cm.
Dị vật có hình nửa đầu xương cá với diện tích 1x2 cm.
Bệnh nhân cho biết, thời điểm cách đây ít lâu có ăn cá và nuốt có cảm giác bị vướng. Theo các BS, rất may là xương cá mới chỉ gây phản ứng viêm, nếu để lâu nữa sẽ gây áp xe, nhiễm trùng, viêm phổi... Bệnh nhân được xuất viện ngay trong ngày.
Xử lý hóc xương đúng cách
- Khi thấy có dấu hiệu bị hóc xương, cần ngay lập tức ngưng nuốt. Hầu như ai cũng có thói quen cố nuốt khi có dị vật trong cổ, điều này không thể làm xương trôi xuống mà chỉ càng khiến cho xương đâm sâu hơn vào cổ họng và gây tổn thương.
- Cần cố gắng nôn ọe ra càng sớm càng tốt. Nhưng tuyệt đối không nên móc họng để nôn hoặc nôn quá nhiều, vì axít từ dạ dày có thể làm cháy thanh quản, gây phù nề và khó thở.
- Nếu xác định được xương bị hóc là xương nhỏ, có thể dùng mẹo ngậm một vài viên Vitamin C, có bán tại tất cả các hiệu thuốc, điều này sẽ làm xương (chủ yếu là xương cá) mềm hơn và trôi xuống dễ dàng. Nếu không đỡ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất.
- Khi đã bị hóc thì không nên ăn bất cứ thứ gì nhằm đẩy xương xuống. Nếu thấy xương nằm ở những vị trí có thể nhìn thấy được như hanh nhân khẩu cái, màn hầu hay thành sau họng thì hoàn toàn có thể dùng kẹp y khoa để gắp ra.
- Cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Nhập viện muộn sẽ làm cho việc điều trị phức tạp hơn do khó xác định vị trí của xương.
Quỳnh Mai