Những biến thể của virus nCoV đang gây lo ngại trên toàn cầu, đặc biệt là 2 chủng mới ở Anh và Nam Phi.
Chúng mang nhiều đột biến nhưng có một điểm chung được cho là lý do khiến các biến thể đó dễ lây lan. Đó là đột biến N501Y - một sự thay đổi nhỏ của protein gai trên bề mặt virus.
Hầu hết các loại vắc xin Covid-19 đang được tiêm ngừa trên thế giới đều chỉ dẫn cơ thể nhận biết và chống lại protein gai.
Mới đây, hãng Pfizer đã hợp tác với các nhà khoa học của Đại học Texas (Mỹ) để xem xét biến thể nCoV có ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin hay không.
Họ sử dụng mẫu máu của 20 người đã tiêm vắc xin Pfizer - BioNTech để làm xét nghiệm. Các kháng thể của những người này ngăn ngừa thành công biến thể mới của virus nCoV.
Đây mới chỉ là nghiên cứu sơ bộ, chưa được các chuyên gia xem xét nhưng là bước quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19.
"Đó là một phát hiện ý nghĩa khi biến thể được quan tâm nhất dường như không phải là vấn đề đối với vắc xin”, Giám đốc khoa học của Pfizer, Tiến sĩ Philip Dormitzer, cho biết.
Hãng Moderna cũng tiến hành các thử nghiệm tương tự để xem vắc xin của họ có hiệu quả với các biến thể mới của virus nCoV không.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Mỹ, chia sẻ, vắc xin được thiết kế để nhận ra nhiều phần của protein gai, nên không có khả năng một đột biến nào vô hiệu hóa được chúng. Tuy nhiên, các thử nghiệm mới là cần thiết để khẳng định điều đó.
Virus liên tục có những thay đổi nhỏ khi chúng lây lan từ người này sang người khác. Các nhà khoa học đã dựa vào đó để theo dõi cách thức virus nCoV di chuyển trên toàn cầu, kể từ khi nó được phát hiện lần đầu ở Trung Quốc khoảng một năm trước.
Ngay cả khi virus đột biến khiến vắc xin cần điều chỉnh thì việc đó cũng không khó khăn. Bởi cả vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna đều được sản xuất bằng một đoạn mã di truyền của virus dễ dàng chuyển đổi.