WHO cho biết vaccine Pfizer / BioNTech là phương thuốc đầu tiên nhận được "xác nhận khẩn cấp" kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu ở Trung Quốc một năm trước.
Hiện Vương quốc Anh đã khởi động đợt tiêm chủng vaccine do Pfizer-BioNTech sản xuất kể từ ngày 8/12. Mỹ, Canada và EU sau đó cũng chấp thuận cho phép triển khai tiêm chủng hàng loạt vaccine Pfizer-BioNTech.
Bà Mariangela Simao, một quan chức hàng đầu của WHO, cho biết: “Đây là một bước đi rất tích cực nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận toàn cầu đối với vaccine COVID-19.
"Nhưng tôi muốn nhấn mạnh sự cần thiết của một nỗ lực toàn cầu lớn hơn nữa để đạt được nguồn cung cấp vaccine đủ đáp ứng nhu cầu của các nhóm ưu tiên ở khắp mọi nơi", bà Simao tuyên bố.
WHO cho biết danh sách sử dụng khẩn cấp của họ mở ra cơ hội cho các cơ quan quản lý ở các quốc gia khác nhau chấp thuận việc nhập khẩu và phân phối vaccine.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng sẽ cho phép Unicef, tổ chức đóng vai trò hậu cần quan trọng trong việc phân phối vaccine chống COVID-19, và Tổ chức Y tế Thái Bình Dương-Mỹ mua vaccine COVID-19.
WHO đã triệu tập các chuyên gia của mình từ khắp nơi trên thế giới để xem xét dữ liệu về độ "an toàn, hiệu quả và chất lượng" của vaccine Pfizer / BioNTech, cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro.
"Đánh giá cho thấy vaccine đáp ứng các tiêu chí bắt buộc phải có về an toàn và hiệu quả do WHO đưa ra, và lợi ích của việc sử dụng vaccine để giải quyết Covid-19 đã bù đắp những rủi ro tiềm ẩn", bà Simao cho biết.