Thành phố Hà Nội đang quyết liệt ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, góp phần xây dựng các tuyến phố “xanh, sạch, đẹp”.
* * *
Từ những ngày đầu tháng 3/2023 đến nay, Ban chỉ đạo 197 phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo (BCĐ) 197 Thành phố, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn phường. Mục tiêu được phường Lý Thái Tổ đặt ra là nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, các cơ quan, doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh trên mặt phố, chấp hành nghiêm chỉnh quy định, không lấn chiếm lòng đường vỉa hè, dừng đỗ xe sai quy định, góp phần xây dựng các tuyến phố Thủ đô “xanh, sạch, đẹp”.
Lãnh đạo Công an phường Lý Thái Tổ cho biết: “BCĐ 197 phường Lý Thái Tổ với nòng cốt là lực lượng Công an đã đã xây dựng kế hoạch triển khai, đồng thời tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ dân phố, tổ chức chính trị vào cuộc, phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn phường”.
Ông Vũ Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “Đặc thù địa bàn phường là nhiều tuyến phố cổ, dân cư đông đúc, chủ yếu là các hộ kinh doanh nhỏ nhưng mặt bằng lại rất hạn chế. Do đó, việc tận dụng không gian vỉa hè xảy ra thường xuyên. Và không phải đến bây giờ, UBND phường Lý Thái Tổ mới nhắc nhở, xử phạt các trường hợp vi phạm, mà lực lượng chức năng sở tại vẫn thường xuyên, liên tục thực hiện công tác này, đảm bảo đường thông hè thoáng”.
Lực lượng chức năng phường Trung Liệt nhắc nhở và tuyên truyền người dân về việc tuyệt đối không lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh. |
Với tinh thần cương quyết và quyết tâm cao nhất nhằm “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, từ ngày 1/3- 13/3/2023, BCĐ 197 phường Lý Thái Tổ đã yêu cầu các hộ dân ký cam kết không tái diễn hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; đồng thời tiến hành xử phạt hàng chục trường hợp cố tình vi phạm với tổng số tiền phạt gần 30 triệu đồng.
Bên cạnh đó, phường cũng thành lập các tổ tuần tra, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra, xử lý tại các điểm nóng được nhân dân, cơ quan báo chí phản ánh; kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giữ vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.
“Đến nay, về cơ bản trên địa bàn phường đã khắc phục được hầu hết các vi phạm về trật tự đô thị. Về phía người dân và các hộ kinh doanh cá thể, cơ bản đã có nhận thức rõ ràng về công tác gìn giữ văn minh đô thị”, lãnh đạo Công an phường Lý Thái Tổ cho biết.
Ông Vũ Tuấn Phong cũng nhấn mạnh: “Thực tế, quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người dân và quy hoạch hợp lý đối với phố cổ, chứ không phải kiểu hoạt động đối phó với cơ quan chức năng. Vì thế, ngoài các chế tài xử phạt, chúng tôi luôn đề cao công tác tuyên truyền. Khi người dân ý thức được chỉ một nhỏ hành động không đẹp của cá nhân cũng có thể ảnh hưởng đến bộ mặt văn minh đô thị của Thủ đô thì chắc chắn sẽ không xảy ra vi phạm”.
Phường Lý Thái Tổ quyết liệt ra quân dẹp các cơ sở kinh doanh vi phạm để trả lại không gian vỉa hè cho người đi bộ. |
Tương tự, tại quận Đống Đa, trong hai tuần đầu tháng 3/2023, BCĐ 197 phường Trung Liệt đã cho 2.000 lượt các hộ kinh doanh, gia đình ký cam kết và phạt tổng số 35 trường hợp với số tiền 36.500.000 đồng. Lãnh đạo Công an phường Trung Liệt cho biết: “Đặc thù địa bàn phường trải rộng trên nhiều tuyến phố chính với lưu lượng người dân đông, tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng sở tại”.
Với tinh thần cương quyết và quyết tâm cao “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, các tổ tuần tra đã thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra, xử lý tại các điểm nóng được nhân dân, cơ quan báo chí phản ánh; kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện... Theo đại diện Công an phường Trung Liệt, thực tế, nhận thức của người dân là tối quan trọng. Ngoài các chế tài xử phạt, lực lượng chức năng phải có nhiệm vụ nhắc nhở, tuyên truyền nâng cao ý thức của các hộ kinh doanh, yêu cầu cam kết không tái phạm. Tất cả người dân Thủ đô phải cùng chung tay làm nên bộ mặt đô thị văn minh, giàu đẹp”.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, đô thị hóa là quá trình tất yếu và khách quan, song để phát triển bền vững không thể không quan tâm đến một trong các yêu cầu quan trọng là lấy văn hóa, văn minh đô thị và tạo lập bản sắc làm nền tảng phát triển đô thị.
Rõ ràng, Hà Nội từ sau mở rộng địa giới 2008 đã là đô thị có diện tích lớn nhất nước, đô thị có quá trình phát triển lâu dài đã là nơi quy tụ quỹ di sản đô thị đa dạng và lớn nhất nước về số lượng, bao gồm gần 6.000 di sản văn hóa vật thể và gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể. Dân cư quần tụ cùng khách du lịch tập trung đông đúc nên việc lập lại trật tự xã hội, giành lại vỉa hè lòng đường, tạo nét đẹp văn minh trong phố phường là việc làm cấp thiết và cần được quan tâm thực hiện để đi vào nề nếp.
Trong hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại”, GS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội có nhấn mạnh, tuyên truyền là việc làm cần được thực hiện đều đặn, tuyên truyền để lan tỏa văn hóa ứng xử đẹp, lối sống đẹp. “Thành phố Hà Nội đề ra việc xây dựng con người văn minh cũng có nghĩa là đòi hỏi mọi người phải luôn luôn vươn lên với tầm cao của văn hóa” , GS.TS Nguyễn Chí Mỳ nói.
Theo đó, Hà Nội cần đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá từ trong gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, cơ quan, trường học, doanh nghiệp và mọi giai tầng xã hội. Đưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” phát triển thiết thực, đi vào chiều sâu. Đồng thời, cần tiếp tục cụ thể hoá các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong mọi cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân.
Xây dựng văn hoá người Hà Nội từ “lời nói hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp” bắt đầu từ việc tuyên truyền, khen thưởng những tấm gương “người tốt, việc tốt”; đồng thời có chế tài để ngăn chặn, xử lý các hành vi thiếu văn hoá, không phù hợp với truyền thống thanh lịch của người Hà Nội. Khơi dậy phong trào xã hội sâu rộng, tinh thần trách nhiệm cao của các bậc ông, bà, cha, mẹ, anh, chị và những người lớn tuổi nói chung đối với việc giáo dục, đào tạo, vun đắp tương lai cho thế hệ trẻ Thủ đô.
Bài: Thùy Chi
Thiết kế: Mẫn San