Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng một số yếu tố cảm xúc có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực khi tiêm chủng. Chúng ta càng có sức khỏe tốt tại thời điểm tiêm, vắc-xin càng có hiệu quả. Gần đây, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng một giấc ngủ ngon cũng đảm bảo sự thành công của phản ứng miễn dịch với vắc-xin.
Trong giai đoạn đầu tiêm phòng vắc-xin COVID-19, các nhà nghiên cứu quan tâm đến diễn giải khoa học về chủ đề này để tìm hiểu xem trạng thái cảm xúc có thể ảnh hưởng đến việc bảo vệ vắc-xin chống lại SARS-CoV-2 hay không. Các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Y học Hành vi thuộc Đại học Ohio (Hoa Kỳ), đã phân tích gần năm mươi nghiên cứu về mối liên hệ giữa các yếu tố tâm lý (căng thẳng, trầm cảm, v.v.) và ảnh hưởng của chúng đối với đáp ứng miễn dịch trong quá trình tiêm chủng ngừa cúm, viêm phổi, viêm gan B, v.v.
Sau khi tiêm phòng, hệ miễn dịch của chúng ta phản ứng bằng cách sản xuất các kháng thể. Sau đó, cơ thể lưu giữ ký ức về cuộc gặp gỡ với virus và có thể tạo ra các kháng thể thích hợp trong lần lây nhiễm tiếp theo.
Tuy nhiên, các nghiên cứu khác nhau cho thấy rằng những người căng thẳng hoặc lo lắng nhất có thể chậm hơn những người khác để phát triển các kháng thể cần thiết này, hoặc sản xuất của họ thấp hơn và giảm theo thời gian. “Những kết quả này cho thấy rằng với vắc-xin COVID-19, khi mọi người căng thẳng và lo lắng hơn, họ có thể mất nhiều thời gian hơn để phát triển kháng thể, vì vậy có lẽ họ nên đợi thêm một thời gian nữa trước khi cho rằng mình được bảo vệ” - nhóm nghiên cứu cho biết. “Một khả năng khác là căng thẳng có thể bào mòn lớp bảo vệ nhanh chóng hơn."
Trong ngắn hạn, ngay trước khi tiêm chủng, việc cải thiện lối sống (chế độ ăn uống, luyện tập thể thao, ngừng hút thuốc, ngủ đủ giấc, v.v.) và thực hành các hoạt động để giảm căng thẳng (như thiền định) có thể giúp vắc-xin phát huy tác dụng bảo vệ tốt hơn.