An Giang: Nguyên cán bộ Tỉnh mất nhà ra chòi ở chờ công lý

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Ba mẹ tôi yêu dân tộc, yêu quê hương đất nước, yêu vùng đất An Giang này như hơi thở và tin tưởng tuyệt đối với đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nên cứ giữ vụ việc mãi trong lòng mà thành tâm bệnh. Bổn phận người làm con, nhìn đấng sinh thành phải sống tạm bợ trong chòi lá xập xệ nhiều năm trời, tôi không chịu nổi…” - những lời lẽ thống thiết mà anh Nguyễn Kiên Cường (SN 1980, trú TP.Long Xuyên) gửi đến chúng tôi.

Bài 1: Sống tạm bợ trong chòi lá và phòng trọ chật hẹp

“Đất An Giang phù sa màu mỡ/ Người An Giang muôn thuở hiền lành”, câu ca dao của vùng đất mênh mông lúa nước này như chừng đủ khái quát về anh Cường, một người trực tính nhưng giàu tình cảm và lắm nồng nhiệt. Anh Cường chạy xe máy ra đón chúng tôi khi trời An Giang vừa chuyển xế, bến xe Long Xuyên vội vã những bóng người đến, kẻ đi. Tháng 11, khi những đàn cá linh cuối cùng dần đi hết, trời đất Long Xuyên có phần dịu hơn, cái hanh khô bắt đầu lưu theo trong từng cơn gió. Nước sông Hậu vẫn hiền hoà trôi như thế, chợ nổi Long Xuyên vẫn vẹn nguyên như thuở ban sơ.

An Giang: Nguyên cán bộ Tỉnh mất nhà ra chòi ở chờ công lý ảnh 1

Một góc TP.Long Xuyên những ngày giữa tháng 11/2024.

Sau vài phút ngập ngừng không biết phải nói gì ngoài những tuổi tên và hỏi han sức khoẻ, anh Cường và một người chiến hữu chở chúng tôi tới nơi cần đến. Vòng quay bánh xe cứ thế bon bon trên những thảm nhựa đường tương đối rộng rãi, khang trang xuyên qua những khu đô thị, khu dân cư mới với vô số những dịch vụ ăn theo mọc lên hai bên “đường con mềm mại”, xen lẫn vài khu đất trống và những công trình dở dang, nào là trung tâm thương mại, tiếp đến là nhà hàng khách sạn, kề bên là vui chơi giải trí, đâu đó là những cửa hiệu, tiệm ăn lẫn quán nhỏ ven đường với tầng tầng lớp lớp những phận người giữa dòng đời nổi trôi.

Long Xuyên bây giờ tấp nập hối hả, thành phố loại một trực thuộc tỉnh An Giang nhiều phần cuống cuồng vội vã. Người đàn ông sinh năm 1980 nói chuyện rặt giọng miền Tây kiểu “xong gồi”, đâu đó vẫn phát âm sai “trờ tre” và “trờ chó”, mấy khi lại sử dụng từ “tút lắm” rất không miền sông nước. Hoá ra, anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Long Xuyên này nhưng nguyên quán lại ở tít tấp tận quê hương dân ca quan họ Kinh Bắc xưa, nay là Bắc Giang - Bắc Ninh được ngăn chia bởi dòng sông Như Nguyệt (nay là sông Cầu). Hai nơi, tuy cách xa nhau về khoảng cách địa lý, song lại có mối thâm tình gắn bó bền chặt với anh và gia đình.

Cuộc trò chuyện không đầu không cuối làm quãng đường dường như gần lại, chiếc Spacy trắng rẽ sang đường nhựa ngoằn ngoèo nhỏ hẹp rồi lại quẹo vào con hẻm cụt ngủn với mấy lớp bê tông bong bể trước khi dừng lại ở một căn nhà đã bị đập phá không còn nguyên vẹn tại khóm Đông Thịnh 8, P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên. Phía trước nhà là hàng rào lưới B40, có chậu mai và bông giấy cùng mấy bụi lá dứa xanh um. Lối đi nhỏ - dọc qua hai dãy nhà trọ cũ kỹ đóng cửa im lìm, một phòng được trưng dụng làm kho chứa đồ đạc - dẫn chúng tôi ra phía sau nơi đang có nụ cười hiếu khách của một người phụ nữ đang ở cái tuổi đại thọ.

An Giang: Nguyên cán bộ Tỉnh mất nhà ra chòi ở chờ công lý ảnh 2

Căn nhà của ba mẹ anh Cường tại khóm Đông Thịnh 8, P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên đã bị phá bỏ để bàn giao mặt bằng phục vụ dự án.

Chúng tôi đã phần nào hiểu được câu chuyện của gia đình anh Cường qua những dòng ký tự không mấy chỉn chu trong lá đơn cầu cứu nhưng đứng giữa khung cảnh hiện thực này lại càng khiến cho cõi lòng thêm thắt lại. Sau dãy trọ sinh viên cửa đóng then cài là một mái tôn tạm bợ. Người miền Tây thường không quá coi trọng hình thức bề ngoài, đặc biệt là nơi ở, nhưng giữa một thành phố ồn ào và náo nhiệt như Long Xuyên, “mái ấm” này có thể được gọi là chòi lá. “Mái ấm” nhưng thật lạnh lẽo theo đúng nghĩa đen, một vài thanh sắt hoen rỉ dựng lên làm cột, số khác dùng trụ bê tông chắp thêm khúc gỗ bên trên cho đủ, kèo là mấy thanh sắt rỉ sét chằng chịt dọc ngang.

Hai dãy trọ được tận dụng làm tường, một bên để trống hướng ra phía vườn cây, bên còn lại là những tấm ván gỗ lưa thưa được cột, đóng đinh cố định vào nhau. Ngay tại vị trí này là chiếc giường được ghép bằng gỗ tạp xập xệ, có treo một cái quạt gió tưởng chừng từ thời Napoleon vượt thời gian mang về - đây là nơi ba của anh Cường sinh hoạt, nghỉ ngơi mỗi ngày. Trời nắng, hắt xuống mái tôn, hầm hập. Anh Cường lấy tàu lá dừa khô lót bên dưới để cách nhiệt, lắm lúc anh phải dùng vòi phun nước lên trên để hạ những oi ả của cái nóng tháng hai, tháng ba. “Căn nhà” ấy, nắng như lò lửa, mưa dột như xối, gió lùa qua không vương lại chút gì!

Nghe giọng bác gái vọng vào, bác trai từ từ chồm dậy, tiếng cót két vang lên từ chiếc giường bằng gỗ tạp. Mái tóc bạc trắng, nước da đẫm đồi mồi, cánh tay lộ ra vài vết sẹo qua cái áo thun ba lỗ. Giọng bác đều đều chậm rãi, miệng mỉm cười nhưng có chút gì đó buồn bã ẩn hiện trong ánh mắt. Bác bảo anh Cường lấy ly nước nhào vừa nấu ra mời khách, trái nhào thường được sử dụng để trị đau nhức xương khớp mỗi khi trái gió trở trời. Dạo này, sức khoẻ bác có phần khá hơn, mà theo anh Cường là nhờ bác tự tập luyện mỗi ngày nên cái nạng gỗ nằm yên ắng một bên chưa cần dùng lại.

An Giang: Nguyên cán bộ Tỉnh mất nhà ra chòi ở chờ công lý ảnh 3

Phía sau dãy trọ là chòi lá dựng tạm - nơi hai bác sinh hoạt và nghỉ ngơi hằng ngày.

Bác trai một bên, tôi ở giữa và bác gái bên cạnh. Nhớ lại những ngày xửa ngày xưa, cái thuở tình yêu trong sáng tuổi học trò, hai bác gật gù: “Thằng Cường kể đúng!”. Hai bác học cùng trường, yêu nhau rồi lấy nhau nhưng phải tạm thời xa cách, mỗi người một nơi, người Nam kẻ Bắc trong những ngày quê hương chìm trong khói lửa. Rồi chia ly được đền đáp bằng những sum vầy, đất nước thống nhất, hai bác gặp lại, yêu thương đơm hoa kết trái. Con trai cả chào đời rồi vài năm sau cả gia đình cùng chuyển hẳn vào An Giang sinh sống, đến nay đã gần nửa thế kỷ.

Ở cái tuổi hoàng hôn cuộc đời, tuy sức khoẻ là rào cản nhưng hai bác vẫn minh mẫn và nhớ như in những gì đã trải qua, từ những nhọc nhằn ngày đầu về miền sông nước Cửu Long, đến quá trình công tác ở nhiều vị trí quan trọng tại địa phương lẫn hạnh phúc khi nhìn ba mặt con khôn lớn khoẻ mạnh trên vùng thất sơn kỳ bí. Hai bác nhìn anh Cường nhưng không nói gì nhiều, lâu lâu lại gọi người đàn ông 45 tuổi lấy nước nhào, lại càng nói ít hơn về những chuyện mà người con trai thứ trình bày trong lá đơn cầu cứu gửi Ngày Nay. Song, ánh mắt đôi vợ chồng tuổi 80 buồn so!

Trên tấm bảng đen học trò được gắn tạm ở chiếc giường cũ cót két là những nét phấn đậm, to, khoẻ và hàm chứa nhiều kiến thức cơ bản: “Đo góc - góc nhọn - góc tù - góc bẹt, hai đường thẳng vuông góc, hai đường thẳng song song; 1 ngày = 24 giờ; 1 giờ = 60 phút, 1 phút = 60 giây…”. Ở tấm bảng trắng viết bằng bút lông bên cạnh vẽ nhiều hình tròn, vuông, tam giác, tam giác vuông, tam giác đều, hình thang, đường thẳng, véc-tơ… Tất cả, bác trai dùng để “mở lớp” dạy học cho mấy đứa cháu nội cháu ngoại mỗi lúc tụi nhỏ chưa hiểu bài hay thời gian không đến lớp.

An Giang: Nguyên cán bộ Tỉnh mất nhà ra chòi ở chờ công lý ảnh 4

Tấm bảng dạy học của bác trai ghi lại thông báo của ông Vỹ về lịch làm việc ngày 19/10/2024 với Lãnh đạo tỉnh An Giang, nhưng không diễn ra.

Nằm lẫn ở giữa những nét phấn ấy là dòng chữ: “Vĩ, lịch 19/10/2024 (VP.TUY)…”. Bác sợ quên nên ghi lại để nhớ về cuộc hẹn làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang mà ông Vỹ - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang thông báo qua điện thoại, về việc gia đình bị thu hồi nhà, đất để làm dự án Cải tạo chỉnh trang đô thị Khu dân cư đường Lý Thái Tổ nối dài (TP.Long Xuyên). Dự án kéo dài suốt nhiều năm (2017-nay) nhưng chủ đầu tư chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao nền mới làm cuộc sống của gia đình 3 thế hệ đảo lộn, khó khăn, bế tắc.

Lời của bác trai cũng như trong lá đơn do anh Cường tự soạn, nhiều đơn thư đã được gửi đến các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương nhưng chưa được giải quyết. Bác từng đi qua khói lửa, giữa lằn ranh sinh tử nên thấu hiểu hết những đau thương mất mát mà thế hệ cha anh trải qua, để càng thêm yêu thương hoà bình đang có. Thế nên, chuyện xảy đến lần này làm bác rất buồn…! Bác nhìn xa xăm rồi đứng dậy bước ra khu vườn nhỏ, hốt mớ cơm nguội đang phơi trên tấm tôn cũ. Cơm nguội, bác cho mấy con chào mào, chích choè, chim sáo đang nuôi. Hai con chó một vàng một đen chạy theo ngoe nguẩy đuôi. Trời chiều tắt nắng buồn rười rượi.

Anh Cường dẫn chúng tôi vào căn phòng trọ rộng 12m2 - nơi gia đình nhỏ 3 người của anh đang trú ngụ trong thời gian chờ vụ việc được giải quyết. Anh kéo ra một cái thùng sắt cũ, trong đó là vô số bằng khen mà Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng cho những cống hiến của hai bác suốt mấy chục năm qua, như: Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhì… Và sau khi nghỉ hưu, UBND tỉnh An Giang vào năm 2017 cũng tặng huy hiệu: “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh An Giang” cho bác trai. Bác là ông Nguyễn Xuân Cử - nguyên Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ Long Xuyên, ba ruột anh Cường.

An Giang: Nguyên cán bộ Tỉnh mất nhà ra chòi ở chờ công lý ảnh 5

Anh Cường lấy ra những Huân chương, Bằng khen... mà Đảng và Nhà nước ghi nhận 2 bác.

Dự án Cải tạo chỉnh trang đô thị Khu dân cư đường Lý Thái Tổ nối dài (TP.Long Xuyên) do Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang - thuộc UBND tỉnh An Giang làm chủ đầu tư. Tỉnh có quyết định thu hồi đất vào năm 2017, sau đó bỗng trở thành doanh nghiệp tự thoả thuận bồi thường với dân. Từ khi căn nhà một trệt một lầu bị đập bỏ để bàn giao mặt bằng sạch vào năm 2022, gia đình ông Nguyễn Xuân Cử và các con trai phải dựng chòi lá và tận dụng những phòng trọ 12m2 làm nơi sinh sống tạm bợ giữa TP.Long Xuyên náo nhiệt nức tiếng, để chờ đợi “Người An Giang thật thà chất phác/ Cảnh An Giang man mác hữu tình”… sớm giải quyết để gia đình ổn định cuộc sống. Thế nhưng…?!

Bài 2: Chủ đầu tư đổ thừa Bộ Xây dựng, dân lên bờ xuống ruộng

TIN LIÊN QUAN
Đến trường không chỉ để học
Đến trường không chỉ để học
(Ngày Nay) - Cùng với chương trình giáo dục phổ thông, rất nhiều trường học đang chú trọng phát triển các hoạt động ngoại khóa nhằm phát triển toàn diện cả thể chất, tinh thần và kỹ năng mềm cho học sinh.
Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi tăng cường viện trợ cho Gaza
Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi tăng cường viện trợ cho Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 18/11 (giờ New York), các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi tăng cường viện trợ cho những người dân đang gặp khó khăn ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo rằng tình hình ở khu vực này đang trở nên tồi tệ hơn.
An Giang: Nguyên cán bộ Tỉnh mất nhà ra chòi ở chờ công lý
An Giang: Nguyên cán bộ Tỉnh mất nhà ra chòi ở chờ công lý
(Ngày Nay) - “Ba mẹ tôi yêu dân tộc, yêu quê hương đất nước, yêu vùng đất An Giang này như hơi thở và tin tưởng tuyệt đối với đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nên cứ giữ vụ việc mãi trong lòng mà thành tâm bệnh. Bổn phận người làm con, nhìn đấng sinh thành phải sống tạm bợ trong chòi lá xập xệ nhiều năm trời, tôi không chịu nổi…” - những lời lẽ thống thiết mà anh Nguyễn Kiên Cường (SN 1980, trú TP.Long Xuyên) gửi đến chúng tôi.
Ấn bản tiếng Trung của 2 cuốn sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời”
Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Từ TP.Nam Ninh, Trung Quốc, dịch giả Nguyễn Lệ Chi, cho biết vào chiều ngày 16/11 vừa qua, Công ty Chibooks đã phối hợp với NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây tổ chức ra mắt ấn bản tiếng Trung cho hai cuốn sách về văn hóa Việt.
Buổi thực hành của lớp cồng chiêng và múa xoang bên mô hình nhà Rông đặc trưng ngay tại sân trường THCS Tân Thượng.
Bảo tồn văn hóa K’Ho ở mái trường vùng sâu cao nguyên Di Linh
(Ngày Nay) - Để bản sắc dân tộc K’Ho không bị mai một, thầy và trò Trường Trung học Cơ sở Tân Thượng (xã Tân Thượng, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đã cùng nhau triển khai mô hình bảo tồn văn hóa ngay tại mái trường thân yêu. Hoạt động ý nghĩa này đã góp phần giữ gìn văn hóa đặc trưng của người dân tộc K’Ho ở cao nguyên Di Linh nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.