Bến xe miền Đông mới ế như chợ chiều – Bài 2: Người dân từ chối do xa, nhà xe đi vòng đón khách

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bến xe miền Đông mới cách Bến xe miền Đông cũ khoảng 16km, thời gian di chuyển giữa hai nơi trung bình khoảng 30 - 45 phút làm người dân cảm thấy bất tiện nên “từ chối” đi xa. Các hãng xe buộc phải nương theo nhu cầu của khách, sau khi làm lệnh vận chuyển tại bến mới thì di chuyển ngược lên các chành xe để đón khách rồi lại vòng đi về các tỉnh.
Bến xe miền Đông mới ế như chợ chiều – Bài 2: Người dân từ chối do xa, nhà xe đi vòng đón khách ảnh 1

Mô hình thiết kế dự án Bến xe miền Đông mới với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Về quê 245.000 đồng, đi taxi hết 300.000 đồng

Sáng thứ bảy, sinh viên Nguyễn Văn Hùng chạy xe máy ra Bến xe miền Đông cũ hỏi vé xe Minh Nghĩa về tỉnh Bình Thuận. Vài năm trước, Hùng vẫn thường làm như vậy mỗi khi muốn về thăm nhà. Theo sinh viên năm cuối này, trước đây chỉ cần ra bến cũ hỏi vé, không cần gọi điện trước, nếu hãng này không có thì sang hãng khác đi. Nhà Hùng nằm dọc Quốc lộ 1A nên rất nhiều xe đi lại, có thể bắt những hãng ra Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, ngang nhà thì xuống.

Tuy nhiên lần về quê này, Hùng không mua được vé vì các tuyến về các tỉnh miền Trung đã di dời ra Bến xe miền Đông mới. Hùng tiếp tục chạy xe máy khoảng 16km ra bến xe mới, đi một vòng các quầy vé tìm hãng quen nhưng không có, sinh viên này nhìn thấy nhà xe Đông Hưng cũng về ngang nhà nhưng không có nhân viên bán vé tại đây.

Hùng đến quầy thông tin hỏi thăm thì được biết, hiện về Bình Thuận còn hai hãng Phương Trang và Kumho. Do chuyến sớm nhất của hai hãng đều đã xuất bến nên Hùng phải đợi chuyến kế tiếp sau đó 30 phút. “Em rời nhà trọ bên Gò Vấp lúc 7 giờ 15, di chuyển ra bến cũ rồi xuống bến xe mới mất gần 60 phút, chờ xe thêm 30 phút nữa là gần một tiếng rưỡi, mất thời gian vô cùng”, Hùng phàn nàn.

Kể từ khi TP.HCM tiến hành di dời các tuyến xe cố định đi Lâm Đồng, các tỉnh từ Bình Thuận trở ra phía Bắc…. về Bến xe miền Đông mới, người dân đi về các tỉnh này cảm thấy rất bất tiện do phải di chuyển quãng đường khá xa và tốn nhiều thời gian, tính từ trung tâm thành phố khoảng 20km và từ bến cũ là 16km. Chi phí cho quãng đường di chuyển cũng là vấn đề làm người dân không mấy mặn mà về bến xe lớn nhất cả nước.

Bến xe miền Đông mới ế như chợ chiều – Bài 2: Người dân từ chối do xa, nhà xe đi vòng đón khách ảnh 2

Một góc bãi đậu xe tại bến xe lớn nhất cả nước.

Chị Hoà ở Ninh Thuận kể, ba của chị mắc ung thư vòm họng, điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5). Ngày 7/11 vừa qua, ba chị được xuất viện và cả gia đình ba người ra bến mới mua vé về nhà. Hành lý nhiều, sức khoẻ bác trai còn yếu nên chị phải đón xe dịch vụ, từ bệnh viện ra bến xe mới hết 300.000 đồng; trong khi đó, giá một vé về nhà với quãng đường hơn 300km chỉ là 245.000 đồng. Chị Hoà cho rằng, bến xe mới ở quá xa nên đi lại bất tiện. Còn bác trai năm nay đã 70 tuổi lại mang bệnh trong người nên khá mệt mỏi, thở khò khè, nằm ngửa đầu vào ghế lim dim.

Đây không phải là câu chuyện cá biệt mà đang là thực tế phổ biến diễn ra tại Bến xe miền Đông mới. Chiều ngày 8/11, khi phóng viên đang có mặt ghi nhận tại đây thì xe khách Phương Trang đi từ Đà Lạt cập bến. Ông Tình cũng ba người thân ngồi đợi xe trung chuyển của hãng khá lâu nên hỏi thăm taxi để về đường Điện Biên Phủ, Q.1. Nhân viên bến xe cho biết: “Bến không có taxi, muốn phải gọi”. Người đàn ông 65 tuổi ở Lâm Đồng, lạ nước lạ cái, không rành công nghệ nên không biết phải gọi taxi bằng cách nào, đành nhờ phóng viên hỗ trợ.

Lúc 17 giờ 20 chiều thứ Sáu, đang là cao điểm đi lại trong ngày, taxi công nghệ hiển thị giá khá cao, loại 4 chỗ là 225.000 đồng, loại 7 chỗ là 300.000 đồng cho quãng đường gần 20km. “Chú đi 4 người, đồ đạc cũng nhiều nhưng xe 7 chỗ giá cao quá, cao hơn giá vé từ Đà Lạt xuống với quãng đường 300km là 290.000 đồng. Thôi, con đặt giúp chú xe 4 chỗ, ngồi chật một chút cũng được”, ông Tình nhờ. Khoảng 5 phút sau xe cập bến, ông Tình và người thân cảm ơn, lên xe rời đi.

Bến xe miền Đông mới ế như chợ chiều – Bài 2: Người dân từ chối do xa, nhà xe đi vòng đón khách ảnh 3

Hãng Phương Trang áp đảo tại bến xe mới.

Một số hành khách sử dụng xe Phương Trang – hãng xe đang áp đảo tại Bến xe miền Đông mới tỏ thái độ trung dung, không phàn nàn cũng không cảm thấy quá bất tiện. Họ cho rằng, hãng này có xe trung chuyển nên việc đi lại giữa hai bến xe là chấp nhận được, mặc dù họ thừa nhận quãng đường khá xa và mất thời gian hơn. Tuy nhiên, đa số hành khách của các nhà xe khác khi trò chuyện với phóng viên đều phàn nàn và để ngỏ khả năng tiếp tục đến Bến xe miền Đông mới trong tương lai vì quá bất tiện, mất thời gian và tốn thêm nhiều chi phí.

Nhà xe nói “bến mới không có khách”

Đầu tháng 8/2024, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tiếp tục di dời thêm 11 tuyến xe khách cố định từ Bến xe miền Đông cũ ra Bến xe miền Đông mới. Đây là lần thứ 4 việc di dời được thực hiện kể từ khi bến mới đi vào vận hành từ tháng 10/2020. Trước đó, ở lần đầu tiên, Bến xe Miền Đông mới tiếp nhận 24 tuyến chạy từ Quảng Trị trở ra các tỉnh Bắc có cự ly từ 1.100km trở lên.

Trong lần thứ hai, 79 tuyến xe khách đi 15 tỉnh, thành, bao gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ và Cà Mau phải di dời. Và lần thứ ba có 60 tuyến thực hiện theo chủ trương kể trên.

Sau bốn lần di dời, hầu hết các hãng xe đã rời Bến xe miền Đông cũ, chỉ còn lại các tuyến đi một số tỉnh Tây Nguyên theo Quốc lộ 14. Tuy nhiên hiện nay chỉ có hơn 30 quầy bán vé được mở tại Bến xe miền Đông mới (thuê riêng hoặc thuê chung), như: từ quầy số 25 – 40 có một số hãng Hoa Mai, Toàn Thắng, Cúc Tùng, Trung Nga…; từ quầy 108 – 120 có các hãng Đông Hưng, Hoàng Anh, Chín Nghĩa, Thuận Thảo, Hương Giang, Bình Minh Tải, Tâm Phát, Bảy Khanh, Quý Thảo…

Bến xe miền Đông mới ế như chợ chiều – Bài 2: Người dân từ chối do xa, nhà xe đi vòng đón khách ảnh 4

Quầy 109 đã có đơn vị thuê nhưng không có nhân viên trực. Quầy 105 được đưa ra chào giá hơn 10 tháng nay vẫn chưa có nhà xe nào thuê.

Trong số này, chỉ vài quầy có nhân viên trực bán vé, đa số đều chỉ dán bảng tên và niêm yết giá vé. Như vào tháng 6/2024 vừa qua, hãng xe khách T. trúng quyền khai thác dịch vụ quầy vé vị trí số 109 tại Bến xe miền Đông mới với giá hơn 10 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và các chi phí khác). Theo thông báo, hãng xe này bắt đầu khai thác quầy vé từ đầu tháng 7 nhưng thực tế chỉ dán bảng tên và không có nhân viên.

Trong khi đó, các quầy vé gồm: 29, 30, 33, 35, 37, 105, 106, 107 đang bỏ trống và bến xe ra thông báo cho thuê quyền sử dụng hơn 4,7 triệu đồng/tháng/quầy đơn nhưng chưa có doanh nghiệp nào thuê. Đáng lưu ý, quầy 105 được Tổng Công ty Samco ra thông báo chào mời đến nay đã 10 tháng vẫn không có đơn vị nào quan tâm và vào ngày 11/10 vừa qua, Bến xe miền Đông mới tiếp tục ra thông báo mời.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một nhà xe có tuyến cố định TP.HCM - Bình Thuận cho biết có hơn 10 xe giường nằm nhưng chỉ đăng ký vài xe xuất phát tại Bến xe miền Đông mới và hãng cũng không thuê quầy bán vé. Sau khi làm lệnh vận chuyển (lệnh xuất bến - PV) tại đây với giá ra vào cổng khoảng 250.000 đồng/lần thì tài xế lái xe không lên chành ở khu vực ngã tư Bình Phước (TP.Thủ Đức) đón khách.

Trước mỗi chuyến, hãng có xe trung chuyển đón khách từ Bến xe miền Đông cũ ra chành xe đợi xe từ bến mới. Sau khi khách lên xe tại chành, tài xế sẽ xuất phát về Bình Thuận, tuỳ thuộc nhu cầu của người dân mà cân nhắc lộ trình đi cao tốc hay Quốc lộ 1A. “Bến xe miền Đông mới không có khách, nếu chúng tôi đón khách ở bến mới thì khách sẽ đi hãng khác”, đại diện nhà xe này phân trần và cho biết đến khi trở vào sẽ trả khách ở chành để người dân thuận tiện đi lại, còn xe về đậu tại bãi ở Bình Dương, có xe khác về bến mới đậu.

Bến xe miền Đông mới ế như chợ chiều – Bài 2: Người dân từ chối do xa, nhà xe đi vòng đón khách ảnh 5

Nhà xe cho biết bến mới không có khách.

Nói về những trần ai kể trên, một hãng khác có tuyến cố định TP.HCM về Khánh Hoà giải thích, nếu chỉ đón khách tại Bến xe miền Đông mới sẽ không thể cạnh tranh vì không có khách: “Chúng tôi cũng có xe trung chuyển từ khu vực Bến xe miền Đông cũ ra Quốc lộ 1A. Tại đây, khách sẽ lên xe giường nằm để đi về Khánh Hoà. Nếu khách ngược đường thì có thể ra bến xe mới đợi, vì chúng tôi vẫn phải ghé vào Bến xe miền Đông mới để làm lệnh vận chuyển”.

Một tài xế xe khách Bắc – Nam nói với phóng viên vào lúc 19 giờ ngày 8/11: “Bến xe mới không có khách. Xe sẽ xuất bến lúc 20 giờ nhưng mới có 6-7 người. Giá vé mỗi khách là 1,2 triệu đồng có ăn uống, nếu khách tự lo thì vé là 1,05 triệu đồng. Chi phí đổ dầu cho quãng đường hơn 1.600km ra Hà Nội khoảng 15 triệu đồng. Chừng đó khách, đủ tiền làm lệnh vận chuyển khoảng 440.000 đồng là mừng rồi. Vé ra vào cổng ở đây bằng bến cũ, có tuyến còn thấp hơn vài nghìn đồng nhưng khách không chịu đi xa thì mình phải tự tính”.

Theo quy định, các tuyến xe khách liên tỉnh cố định bắt buộc phải đăng ký với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Bến xe; nếu không đăng ký sẽ trở thành “xe dù, bến cóc”. Thực tế cho thấy, các hãng xe có tên tuổi đều hoàn tất khâu thủ tục pháp lý này để “tránh mất lòng nhau”. Mặt khác, để đảm bảo chi phí kinh doanh, nhiều hãng chỉ mở quầy vé “cho có mặt” và hằng ngày phải cho một số xe đến “trình diện”, làm lệnh vận chuyển, đóng phí ra vào cổng; sau đó mới chạy ngược vào các chành do hãng tự thuê mặt bằng để rước khách lên xe.

Để giúp Bến xe miền Đông mới thoát ế, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và nhiều doanh nghiệp vận tải triển khai nhiều giải pháp, bao gồm: tổ chức xe trung chuyển, tăng xe buýt kết nối, xây dựng và cải tạo hạ tầng xung quanh, quyết liệt với “xe dù bến cóc”, cấm xe khách vào nội thành… Nhưng có lẽ, đây chỉ là những giải pháp mang tính chữa cháy, vấn đề cốt lõi là người dân “từ chối” ra bến mới chưa được giải quyết và bến xe lớn nhất cả nước ế vẫn hoàn ế, thậm chí là đang lãng phí nguồn lực, lãng phí tài nguyên. Những vấn đề đã nêu, chúng tôi đã chuyển đến Tổng Công ty Samco và đang đợi phản hồi.

Bến xe miền Đông mới ế như chợ chiều – Bài 2: Người dân từ chối do xa, nhà xe đi vòng đón khách ảnh 6

Bến xe miền Đông mới ế vẫn hoàn ế sau 4 năm khai thác.

Theo ghi nhận, các quầy từ số 41-104 chưa thấy triển khai lắp đặt. Riêng các quầy từ 1-16 là khu vực bán vé uỷ thác do Bến xe miền Đông mới khai thác hưởng hoa hồng. Theo văn bản kê khai giá dịch vụ hoa hồng bán vé năm 2022, giá dịch vụ hoa hồng bán vé uỷ thác và giao đại lý là 12.000 đồng/vé cho tất cả các tuyến, mức giá này cao hơn nhiều so với trước đó chỉ từ 4.000 đồng/vé – 7.000 đồng/vé.

TIN LIÊN QUAN
Nền kinh tế hàng đầu châu Âu đứng trước khó khăn
Nền kinh tế hàng đầu châu Âu đứng trước khó khăn
(Ngày Nay) - Ngày 13/11, Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức công bố báo cáo dự báo thường niên cho biết nền kinh tế nước này vẫn đang trong tình trạng khó khăn. Tốc độ tăng trưởng yếu cho thấy nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang tiếp tục chậm lại.
Kỷ nguyên vàng cho tiền điện tử
Kỷ nguyên vàng cho tiền điện tử
(Ngày Nay) - Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể mở ra một kỷ nguyên vàng cho ngành công nghiệp tiền điện tử, khi ngành này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người đã hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông.
Nghệ thuật dân gian vẫn luôn có sức hút đặc biệt
Nghệ thuật dân gian vẫn luôn có sức hút đặc biệt
(Ngày Nay) - Sự thịnh hành của nhiều trào lưu âm nhạc mới khiến âm nhạc truyền thống có nguy cơ bị lãng quên. Nhưng với Đinh Thảo - một trong những người sáng lập CLB Chèo 48h, cô tin rằng, nghệ thuật truyền thống vẫn luôn có sức hút đặc biệt, và cô bị thôi thúc phải xây dựng sân chơi về văn hóa nghệ thuật cổ truyền.
Đồng USD tăng giá nhẹ
Đồng USD tăng giá nhẹ
(Ngày Nay) - Tỷ giá sáng nay (14/11) giữa Đồng Việt Nam (VND) so với Đô la Mỹ (USD) tại ngân hàng tăng nhẹ, trong khi tỷ giá với đồng Nhân dân tệ (NDT) quay đầu giảm.
Bảo tồn hát dân ca và múa xoang dân tộc Xơ Đăng
Bảo tồn hát dân ca và múa xoang dân tộc Xơ Đăng
(Ngày Nay) - Trong hai ngày 12 và 13/11, Bảo tàng – Thư viện tỉnh Kon Tum đã mở hai lớp truyền dạy dân ca, dân vũ trong cộng đồng tộc Xơ Đăng cho 60 người tại xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà và xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Mỹ: Các cam kết chuyển giao quyền lực
Mỹ: Các cam kết chuyển giao quyền lực
(Ngày Nay) - Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 13/11 đã gặp nhau tại Nhà Trắng để thảo luận về công tác chuyển giao quyền lực sau khi ông Trump giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 5/11 vừa qua trước đối thủ đến từ đảng Dân chủ là đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris.
Oán gia không muốn kẻ thù được khen ngợi
Oán gia không muốn kẻ thù được khen ngợi
(Ngày Nay) - Người có tâm oán thù thì không mong kẻ thù có danh tiếng, được khen ngợi. Ngược lại, họ còn cầu cho kẻ thù luôn bị tiếng xấu, thậm chí thân bại danh liệt. Âu đó cũng là chuyện thường của thế gian.