Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi

Lời tòa soạn: Tháng 12/2024, cuốn hồi ức “Hành trình vì hòa bình” của cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã được xuất bản. Được sự cho phép của gia đình cố Thượng tướng, Tạp chí Ngày Nay trân trọng trích đăng một số câu chuyện tiêu biểu từ cuốn sách, nhân dịp ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Lễ ra mắt sách “Hành trình vì hòa bình” sẽ được tổ chức vào ngày 1/1/2025 tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

_____________

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi ảnh 1

Lúc đó là vào dịp tổ chức lễ kỷ niệm ngày Liên Hợp quốc (ngày 24/10/2018), cũng là năm Việt Nam lần đầu tiên triển khai đội hình đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, với sự xuất hiện của Bệnh viện Dã chiến 2.1 tại khu vực Bentiu của Nam Sudan.

Ngày hôm ấy đáng nhớ hơn cũng bởi một câu chuyện hiểu lầm, bắt đầu từ lá cờ Tổ quốc bị rơi xuống đất, và kết thúc bằng lời xin lỗi...

Chuyện là, "Đội Việt Nam" mang theo hai lá cờ khi tham gia lễ diễu hành của quốc gia cử quân theo đội hình đơn vị ở Bentiu. Tự hào lắm chứ, bởi nếu cử lực lượng dưới hình thức cá nhân thì làm sao đi theo đội hình khối được mà tham gia diễu hành. Nên cảm giác đi dưới lá cờ đỏ sao vàng trước bạn bè các nước nó tự hào lắm.

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi ảnh 2

Nhưng cũng bởi mang thừa một lá cờ, nên có một chiếc không dùng đến, khi đội hình các khối tập trung, đành để tạm trong lán. Lá cờ "dự bị" dựng trong lán bị đổ rơi xuống đất. Một thành viên Bệnh viện Dã chiến 2.1 đang đứng trong đội hình khối nhìn thấy, lập tức "phá đội hình" lao ra nhặt lấy. Viên sĩ quan điều hành nghi thức buổi lễ quan sát thấy, cho rằng đó là hành động "mất trật tự", nên ra lệnh điều một viên sĩ quan người nước khác sang cầm cờ Việt Nam, dẫn đầu đội hình khối của Việt Nam.

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi ảnh 3

Tất nhiên, sĩ quan của ta không bao giờ chấp nhận điều đó, không thể có chuyện một người nước ngoài đi đầu đội hình, đại diện cho Việt Nam, chỉ huy đội hình khối của Việt Nam. Thiếu uý Sa Minh Ngọc, một trong những thành viên trẻ nhất của Bệnh viện Dã chiến 2.1, khiếu nại tới cùng để ban tổ chức rút lại quyết định đó, với lý do:

"Chúng tôi không thể đứng nhìn khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc bị rơi xuống đất". Sau khi hiểu ra chuyện này, viên sĩ quan nước ngoài đã tới tận doanh trại của Bệnh viện Dã chiến 2.1 để xin lỗi.

Chuyện về những lá cờ đỏ sao vàng ở trời châu Phi thì nhiều lắm. Chẳng hạn như Đại tá Mạc Đức Trọng (Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) thì mỗi lần phải sơ tán khẩn cấp do các phe phái giao tranh, việc đầu tiên là gấp gọn lá cờ Tổ quốc bỏ vào trong ba lô. Quân tư trang có thể không thể mang được đủ hết, nhưng cờ thì kiểu gì cũng phải mang theo, vì nhỡ phiến quân có lấy được, họ có thể làm gì đó xúc phạm đến lá cờ. Đấy là vật bất ly thân.

Một trong những điểm sáng mà chúng ta được Liên Hợp quốc đánh giá rất cao, đó là khả năng huấn luyện sinh tồn cho các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Đặc biệt là sĩ quan của chúng ta có khả năng thích ứng cao về thể lực, có khả năng hoạt động độc lập và khả năng nhạy bén trong xử lý tình huồng.

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi ảnh 4

Nhìn lại hành trình gần 10 năm, từ một nhóm năm cán bộ tham gia xây dựng đề án gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc đã nhân lên thành hàng trăm chiến sĩ "mũ nồi xanh" Việt Nam.

Sau khi một thế hệ lãnh đạo nhận quyết định nghỉ hưu, một nhóm các gương mặt ưu tú đại diện cho thế hệ mới xuất hiện, đón nhận "ngọn đuốc" trọng trách mà những người đi trước trao lại với một tâm thể mới sẵn sàng và tự tin hơn.

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi ảnh 5

Với tinh thần sẵn sàng về năng lực chuyên môn để ngay khi có cơ hội, chúng ta đã chuẩn bị để cử Đội Công binh đầu tiên lên đường đến Nam Sudan. Quá trình huấn luyện chuyên ngành Công bình đã được bắt đầu từ năm 2018 đến 2020. Chúng ta đã phối hợp với Liên hợp quốc và Nhật Bản đã tổ chức ba khóa huấn luyện vận hành trang bị công binh hạng nặng. Cùng với đó, Binh chủng Công binh đã tổ chức huấn luyện và hợp luyện thực hành để sẵn sàng đón Liên hợp quốc vào kiếm tra, đánh giá năng lực. Bên cạnh việc chuẩn bị về trình độ con người, chúng ta còn chủ động đảm bảo các chủng loại xe, máy, trang thiết bị, hàng hóa, vật tư cũng đặc biệt quan trọng, trong đó có việc tự cải hoán xe đặc chủng cho Đội Công binh, xe chở quân và cứu thương dựa trên xe thiết giáp BTR - 152. Vị trí lái xe có trang bị thông tin liên lạc, thiết bị hồng ngoại, camera hỗ trợ lái xe và chỉ huy trong điều kiện tác chiến đêm hoặc di chuyển trong mùa khô với mật độ bụi cao…

Khi Đội Công binh số 1 đã lên đường tới Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc ở khu vực Abyei (UNISFA), tôi cho rằng đây là một cột mốc mới rất đáng tự hào trong lộ trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Abyei là khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. UNISFA là Phái bộ được thành lập năm 2011 theo Nghị quyết 1990 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với nhiệm vụ bảo vệ thường dân và thúc đẩy phi quân sự hóa tại Abyei. Tại đây, nhiệm vụ chính của công binh Việt Nam là xây dựng, bảo dưỡng, bảo trì công trình mặt bằng, bao gồm đường, đường băng dã chiến và sân đỗ trực thăng; nâng cấp các tuyến đường, giải phóng mặt bằng; xây dựng, cải tạo, sửa chữa căn cứ, nhà, xưởng, hầm bảo vệ, rà phá bom mìn… nhằm góp phần mở ra những con đường đến hòa bình cho khu vực đang xảy ra xung đột này.

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi ảnh 6

Có rất nhiều chuyện vui, buồn của lính công binh Việt Nam tại châu Phi. Nhưng tôi ấn tượng nhất là kỷ niệm của Đại tá Mạc Đức Trọng tại Abyei. Đây là nhiệm kỳ thứ hai của Trọng tại châu Phi, nhưng lần đầu được giao làm Đội trưởng Đội Công binh. Đúng là chỉ có những người đã trải qua thời kỳ hậu chiến như người Việt Nam mới có sự "ma lanh" trong cuộc sống để "đầu têu" ra những trò như vậy.

Nói vui thì chính bộ đội Việt Nam cũng từng bày cách để người dân Nam Sudan có thêm sinh kế, đơn giản như thu tiền từ việc sạc điện thoại. Abyei là một khu vực tranh chấp nằm dọc theo biên giới giữa Sudan và Nam Sudan, có diện tích khoảng 10.546 km². Trong các cuộc nội chiến của Sudan, tầm quan trọng chiến lược và tài nguyên phong phú của Abyei đã khiến nơi đây trở thành tâm điểm của xung đột.

Dân số của Abyei chủ yếu gồm người Dinka, vốn là nông dân và có mối liên hệ với Nam Sudan, và người Misseriya, bộ tộc chăn nuôi du mục có mối liên hệ với Sudan. Thành phần dân cư này làm tăng thêm sự phức tạp về tình trạng chính trị của khu vực.

Phái bộ An ninh Tạm thời của Liên Hợp Quốc cho Abyei (UNISFA) được thành lập vào năm 2011 để duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực. Sự hiện diện của UNISFA nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ giữa cộng đồng Dinka và Misseriya và hỗ trợ tiến trình hòa bình.

Để giúp đỡ được cộng đồng ở châu Phi thì cần xác định những mục tiêu chủ chốt và có thể giúp được. Ví dụ như ở câu chuyện trường học cấp 3 ở Abyei, nơi có 1.700 học sinh và 20 giáo viên. Khi tiếp nhận nhiệm vụ giúp đỡ, công binh chúng ta phải xác định xem họ thực sự cần gì, và câu trả lời là nguồn điện. Ở Nam Sudan, điện cũng là một mặt hàng khan hiếm, đến nỗi ở ngoài chợ có những cửa hiệu chỉ cung cấp dịch vụ... sạc điện thoại. Do đó, nhiều lúc muốn liên lạc với nhà trường cũng không thể bởi điện thoại của họ hết pin, mà không phải lúc nào họ cũng có tiền sạc.

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi ảnh 7

Đội Công binh sau đó đã tính các phương án để tạo ra nguồn điện tại chỗ. Đầu tiên, họ muốn tận dụng năng lượng mặt trời, nhưng việc vận chuyển các tấm pin lớn tới đây qua đường hàng không gần như bất khả thi. Do đó, phải chuyển sang phương án cho nhà trường mượn một chiếc ắc quy, nhưng muốn dùng được phải có bộ chuyển đổi điện.

Trong một chuyến về phép Việt Nam, Trọng lặn lội đi mua một bộ chuyển nguồn từ ắc quy sang điện 220 V. Theo nguyên tắc, khi đấu ắc quy và cặp bộ chuyển nguồn thì một ắc quy có thể cung cấp điện sạc pin, thắp bóng đèn trong vòng một tháng. Hết một tháng thì họ mang trả ắc quy sạc qua đêm lại đầy. Có điện giúp giáo viên trong trường sạc pin điện thoại, sạc máy tính. Tâm sự với tôi, Trọng nói rằng chỉ qua trải nghiệm này, cậu ấy mới hiểu cùng số tiền mình bỏ ra để mua bộ chuyển đổi, nếu ở Việt Nam khó làm được việc gì to tát, nhưng ở Abyei, một ánh đèn nhỏ nhoi lại thắp lên luồng sinh khí mới cho cả cộng đồng. Có lẽ, đó là lần đầu tiên cả vùng đất ấy được chiếu sáng bằng ánh đèn điện.

Thế nhưng, châu Phi vẫn luôn là một mảnh đất cần bỏ nhiều công sức để thấu hiểu. Câu chuyện bóng đèn vẫn chưa dừng lại, chỉ ba ngày sau khi cho nhà trường mượn ắc quy, công binh Việt Nam nhận được tin báo bộ chuyển đổi bị hỏng.

Té ra, một giáo viên đấu nhầm cực âm vào cực dương. Cách khắc phục sự cố cũng đơn giản, chỉ cần lấy một con tụ trong nồi cơm điện để thế vào bộ chuyển đổi là giải quyết được. Trọng kể, cậu rất bực khi thấy công sức của mình vừa làm xong đã suýt thì đổ bể, thế nhưng tiên trách kỷ hậu trách nhân.

- Em tự hỏi, liệu chúng ta đã đi sâu chưa? Liệu chúng em có thực sự kiên trì trong việc giúp đỡ người dân chưa? Em ngồi soi lại mình và thấy vấn đề không phải do họ mà do chính mình chưa thực sự biết cách giúp đỡ. - Trọng nói với tôi.

Việc giáo viên đấu nhầm cực là do khi trời tối họ mới dùng đến ắc quy, nếu không dùng quen sẽ rất dễ đấu nhầm đầu. Để khắc phục, công binh Việt Nam lấy bút xóa đánh dấu rõ dây nào cắm vào đâu để từ sau họ không đấu nhầm nữa.

Thế nhưng câu chuyện tạo ra nguồn điện cho nhà trường dù vậy vẫn chưa là gì so với dự án làm vườn, trồng rau của công binh Việt Nam. Ở Abyei, tình hình chiến sự liên miên khiến người dân khó tìm ra sinh kế. Hiểu được vấn đề này, Đội Công binh muốn giúp người dân bản địa trồng trọt được trên chính mảnh đất của họ. Đất đã sẵn có, chỉ cần cho họ những hạt giống phù hợp thì chắc chắn họ sẽ có cái ăn.

Hội phụ nữ tại Abyei có nhờ bộ đội Việt Nam hướng dẫn cách canh tác cho khu vườn đằng sau doanh trại. Dù nhận lời giúp, nhưng Trọng cũng đặt điều kiện với họ: "Chúng tôi sẽ giúp đỡ những việc các bạn không làm được, đổi lại các bạn phải làm cùng chúng tôi để học hỏi kinh nghiệm".

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi ảnh 8

Sau đó, bất chấp ngày nghỉ cuối tuần, Đội Công binh vẫn huy động nhân lực và máy móc ra làm vườn cho họ. Thậm chí các chiến sĩ của chúng ta còn phải băng mấy chục cây số đường rừng để đào cây chuối con về trồng tại khu vườn ấy. Bất chấp công sức bỏ ra, nhưng dự án làm vườn ấy vẫn thất bại. Trọng cho rằng, nguyên nhân thứ nhất là vì không có người làm cùng, thứ hai là cây trồng vừa lên mầm đã bị dê và bò tới phá.

Tưởng chừng như Trọng đã buông xuôi dự án này, nhưng một cơ hội không ngờ lại đến. Một ngôi làng đặt điều kiện nhờ công binh canh tác giúp họ một mảnh vườn lớn rộng 5 ha gần doanh trại. Ngay sau đó, Trọng cũng đặt vấn đề như với hội phụ nữ: "Thứ nhất phải có người làm cùng, thứ hai là phải cử người tới trông vườn cả ngày".

Ở dự án này, dân làng cắt cử cả một gia đình tới trông vườn vào ban đêm và cử người tới làm cùng bộ đội Việt Nam vào ban ngày. Còn để ngăn gia súc tới phá vườn, Đội Công binh cho đào một con kênh bao quanh khu vườn, dẫn nước từ hồ gần đó để tiện việc tưới tiêu. Rút kinh nghiệm từ dự án trước, Trọng và các đồng đội không chọn ngô làm cây trồng chủ đạo do dễ bị sâu hại, thay vào đó chọn cây đỗ đen, đỗ xanh và chủ lực là bí ngô. Khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp với cây bí ngô, một khóm cây có thể cho ra 10 quả bí với cân nặng lên đến 13 kg/quả. Mảnh vườn bí này đã giúp tạo ra nguồn lương thực ổn định cho cả ngôi làng đó.

Chứng kiến vườn bí lúc lắc quả, không chỉ người dân làng mà bộ đội Việt Nam cũng hết sức phấn khởi trước thành quả chung này. Ngoài cầu, cống, công trình, cuối cùng Đội Công binh cũng có thể tạo ra sinh kế cho người dân Abyei.

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi ảnh 9

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, có một điều đặc biệt khiến các các thành viên của Đội Công binh Việt Nam phải lưu tâm. Đó là cách mà các mà các em học sinh cấp 2 và cấp 3 Trường Abyei đến trường.

Những đôi chân nhỏ bé, trực chờ từng bước trên các mỏm đá, nhảy qua vũng nước để đến trường. Điều đó lại một lần nữa thôi thúc Đội Công binh tiếp tục một nhiệm vụ do chính họ đặt ra, đó là mở đường tới trường cho các em học sinh…

Chỉ 200 m đường vào trường nhưng đó là cả một sự cố gắng, nỗ lực lớn của các thành viên. Đội cũng đã bổ sung gần 1.000m3 đất để nâng cốt nền sân trường với diện tích trên 400 m2 làm khu vui chơi cho các em học sinh.

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi ảnh 10

Là những người lính công binh, Đội Công binh Số 1 đã góp sức để mở ra những con đường của một tương lai hòa bình và tốt đẹp hơn cho khu vực Abyei. Việc giúp đỡ giáo dục, bồi dưỡng kiến thức cho thế hệ chủ nhân tương lai của Abyei sẽ làm con đường dẫn đến những điều tốt đẹp đó ngày càng ngắn lại.

Gần nơi đóng quân của Đội Công binh Việt Nam có một trường học. Cũng giống như hoàn cảnh chung của Abyei, thầy và trò nhà trường cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy và học.

Trả lời trên truyền hình, ông Satino, hiệu trưởng trường cấp 3 Abyei, cho biết: “Chúng tôi không có thư viện, và rất thiếu bàn ghế. Có những lớp, học sinh thậm chí còn phải tự mang ghế tới lớp học, rồi hết giờ học lại mang ghế đó về nhà để dùng trong sinh hoạt gia đình. Chúng tôi cũng thiếu phòng học. Chúng tôi rất muốn có thêm 3 phòng học nữa. Nhà trường cũng thiếu cả giáo viên đứng lớp. Nếu như có đủ giáo viên, chúng tôi có thể mở thêm một số điểm trường ở những nơi khác để việc dạy và học được thuận tiện hơn. Tiếc là đồng lương cho giáo viên quá thấp, nên nhiều người đã bỏ nghề để đi tìm công việc khác có thu nhập cao hơn”.

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi ảnh 11

Biết được những khó khăn ấy, Trọng đã đề xuất và được sự chấp thuận của Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc ở khu vực Abyei để giúp đỡ thầy và trò ở đây. Bắt đầu từ việc tận dụng các thùng hàng gỗ để đóng một số bộ bàn ghế cho học sinh địa phương, cung cấp các téc nước sạch, khoan giếng, cho tới việc dựng thêm các phòng học mới cho nhà trường.

Không dừng lại ở đó, biết được tình trạng thiếu giáo viên của nhà trường, những chiến sĩ “mũ nồi xanh” đến từ Việt Nam còn tình nguyện trở thành những thầy cô giáo để góp phần mang kiến thức đến với những em nhỏ nơi đây.

Trong số các sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Abyei có nhiều người trước đây từng là giảng viên, như đồng chí Nguyễn Thị Liên xuất thân từ trường Sĩ quan Đặc công. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, từ trường Sĩ quan Lục quân 1. Đồng chí Nguyễn Văn Thứ, vốn là giảng viên của trường Sĩ quan Thông tin.

Ở đây, Chủ nhật là ngày đầu tuần, còn hai ngày cuối tuần là thứ Sáu và thứ Bảy. Thế là, tranh thủ ngày cuối tuần, các đồng chí Liên, Phương hay Thứ lại được dịp trở lại với công việc mình từng một thời gắn bó. Để trở thành những cô giáo Liên dạy tiếng Anh, thầy giáo Thứ dạy môn Tin học cho những học sinh nghèo ở châu Phi xa xôi.

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Chuyện kể từ châu Phi ảnh 12

Chính tiếng Anh là môn khởi đầu cho nhóm dạy học của Đội Công binh tại Abyei. Một ngày tới thăm trường, đồng chí Liên phát hiện trên bảng đen của buổi học hôm trước có hình vẽ chiếc máy tính cùng các ô cửa sổ của hệ điều hành Windows.

Thì ra đám trẻ ở đây chỉ học tin học qua cách tưởng tượng. Chính vì lẽ đó đã có sự xuất hiện của môn tin học do thầy giáo Thứ phụ trách. Cứ sáng thứ Bảy hàng tuần, các thầy giáo của nhà trường lại xin được vào doanh trại của Đội Công binh để học cách sử dụng máy tính phục vụ cho công tác văn phòng cũng như công tác quản lý.

Thấy các em học sinnh không có máy tính mà phải học “chay”, một hôm Trọng bàn với đồng đội tìm mua vài chiếc máy tính ở VIệt Nam rồi mang sang tặng cho nhà trường. Kết quả là công binh ta đã tặng được 5 chiếc laptop cho các em học sinh tại Abyei.

Có biết bao kỷ niệm từ thực địa mà tôi đã được các chiến sĩ “mũ nồi xanh” chia sẻ. Trong mỗi câu chuyện của họ thường xen lẫn niềm vui và sự lo lắng, căng thẳng, cùng với sự lạc quan. Nhưng không thể tránh khỏi những những nỗi buồn, tâm tư khi xa nhà….. Đặc biệt, có những vấn đề thuộc về chủ trương, giải pháp ở tầm chiến lược vĩ mô khiến tôi lăn tăn, không ngờ lại được kiểm chứng và hóa giải bằng những sáng tạo khá bất ngờ, bằng những hành động khá hiệu quả tại thực địa châu Phi. Tất cả những điều đó có được cũng một phần là nhờ khả năng thích ứng nhanh với hoàn cảnh mới của bộ đội Việt Nam.

Một trong những người mà tôi có ấn tượng về điều này chính là Mạc Đức Trọng - người đã từng có hai nhiệm kỳ với những vai trò khác nhau tại Nam Sudan. Trong nhiệm kỳ đầu, với tư cách làm sĩ quan liên lạc, Trọng đã hòa nhập rất nhanh vào môi trường công tác và gây dựng được quan hệ rất tốt với Phái bộ, nước sở tại và các đơn vị nước ngoài. Trong nhiệm kỳ thứ hai, Trọng được giao trọng trách chỉ huy Đội Công binh số 1 của Việt Nam. Chính sở thích sưu tập các dòng xe hầm hố đã giúp Trọng có nhanh chóng tiếp cận với các yêu cầu trong quản lý toàn bộ các trang thiết bị của Đội Công binh với quy mô lên tới 2.000 tấn và hơn 100 đầu xe – máy móc khác nhau. Cũng chỉ có Trọng mới đủ năng lực để quản lý việc mua bán, bảo quản, cải tạo các trang thiết bị để mang sang Abyei.

Những trải nghiệm và thử thách như vậy của Trọng và đồng đội ở châu Phi không chỉ để lại dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế mà còn lưu giữ dư âm kéo dài trong cuộc sống của họ khi đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về Việt Nam. Một ví dụ làm tôi rất thú vị là căn nhà đặc biệt mà Trọng cùng gia đình đang ở hiện tại chính là một chiếc container được cậu ta cải tạo thành nhà ở, xung quanh có nhiều cây cối, vườn rau và sông suối… Dường như trái tim của Trọng và các chiến sĩ “mũ nồi xanh” của chúng ta sẽ không bao giờ rời xa miền đất châu Phi. Bởi vì đó là nơi mà họ đã có cơ hội được cống hiến và trưởng thành.

TIN LIÊN QUAN
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) -Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.