TS Lê Kiên Thành: "Chỉ thành công khi điều tôi viết có ích cho hiện tại"

TS Lê Kiên Thành: "Chỉ thành công khi điều tôi viết có ích cho hiện tại"

Tại buổi ra mắt “Những khoảnh khắc sống” của TS Lê Kiên Thành, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Tất cả vẻ đẹp trong cuốn sách như nhân vật, câu chuyện đã qua đi hơn nửa thế kỷ, hiện tại, mọi thứ có thể rất khác nhưng có một điều không thể thay đổi, đó là sự tử tế. Lê Kiên Thành đã mang sự tử tế của quá khứ xa xôi trở về khi rất nhiều người trong chúng ta đã đánh mất ít nhiều giá trị này”.

Ở vai trò người minh họa 15 bức tranh cho cuốn sách, họa sĩ Thành Chương kể: “Tôi từng từ chối lời mời minh họa sách vì rất ghét va chạm với sự tinh tướng của các "ông con trời". Nhưng sau khi đọc Lê Kiên Thành, những trang viết của anh giúp tôi nhìn thấy hình bóng gia đình mình trong đó. Tôi đọc không bỏ sót chữ nào, xúc động khi được chiêm nghiệm một thời đã qua và đã vẽ cho sách bằng niềm say mê, thích thú chưa từng có".

Là người đọc nhiều, từng dẫn dắt các buổi ra mắt sách, nhà báo Phạm Gia Hiền chia sẻ “Những khoảnh khắc sống” là một trong số ít những cuốn sách anh “vừa đọc, vừa sợ hết”.

Dù vậy, để bổ sung vào cái nhìn đa chiều xung quanh những trang viết của một gương mặt độc đáo không chỉ với giới văn học nghệ thuật mà cả trong đời sống chính trị-xã hội như TS Lê Kiên Thành, có lẽ không gì bằng những nhận định của chính ông về đứa con tinh thần của mình.

Trong những ngày cận Tết Giáp Thìn khi TS. Lê Kiên Thành lưu lại Hà Nội, thành phố của tuổi thơ và thời thanh niên sôi nổi của ông, Tạp chí Ngày Nay đã có dịp lắng nghe và ghi chép lại những điều ông chiêm nghiệm.

Thưa TS Lê Kiên Thành, xin ông cho biết về quá trình thực hiện “Những khoảnh khắc sống”. Ông mất bao lâu để hoàn thành cuốn sách này?

Cả hai phần Truyện và Tự sự đều là nội dung tôi từng viết ở nhiều nơi, cho nên rất nhanh để tập hợp lại. Trong quá trình hình thành cuốn sách, nhiều ý kiến khác được nêu ra về việc truyện nào nên để, truyện nào lược đi. Điều này phụ thuộc nhiều vào đơn vị xuất bản, trong đó có ban biên tập.

Quá trình lựa chọn không thuộc về tác giả, nhưng diễn ra rất nhanh, chỉ mất khoảng 6 tháng trước khi cuốn sách ra mắt. Các nội dung được tôi viết rải rác trong gần 3 năm, gồm cả những bài đã hoặc chưa đăng tải trên facebook.

Trong 8 truyện mở đầu cuốn sách, với đủ bối cảnh từ nông thôn đến thành thị, hậu phương miền Bắc tới tiền tuyến miền Nam, tình yêu trong sáng tuổi học trò tới sự bôn ba đến nhàu nát của một người cô độc, từ mâm cơm khu gia binh cho tới những quán bar sang trọng ở thương trường, từ chiến tranh tới hòa bình… Dường như ông tạo ra sự kinh ngạc cho độc giả khi ở một cá nhân lại có phạm vi trải nghiệm rộng đến thế?

Có lẽ tôi bất hạnh hơn nhiều người ở chỗ khi hỏi đến nghề nghiệp, người ta có thể nói ngay mình làm nghề gì, còn tôi thì không. Ban đầu tôi đi học lái máy bay, rồi chuyển sang ngành kỹ thuật hàng không, giữa lúc học về máy bay thì lại quay qua nghiên cứu hạt nhân, rồi làm kinh doanh. Rất nhiều người bạn từng hỏi, cuối cùng nghề của anh là gì?

Tuy nhiên, bất hạnh đem đến những trải nghiệm. Tôi có 11 năm trong quân ngũ, 10 năm làm khoa học, rồi hàng chục năm làm đủ các nghề từ ngân hàng đến giám đốc công ty bất động sản… Trong “Những khoảnh khắc sống”, độc giả sẽ thấy không gian của cuốn truyện rất rộng, đối tượng tương đối đa dạng. Một số truyện được viết không thuộc lĩnh vực công tác của tôi, đó là những hoàn cảnh tôi được nghe rồi ghi lại.

Ví dụ, khi ở trong quân ngũ, tôi từng chứng kiến sự hy sinh hào hùng của các chiến sĩ ở các lực lượng. Đến lúc làm khoa học, tôi thấu hiểu sự gian nan đến tận cùng của những nhà nghiên cứu khi không còn một đồng xu nào trong túi. Sau đó ra ngoài kinh doanh, tôi trải nghiệm áp lực rất lớn của thương trường. Những trăn trở cuộc đời va đập vào bản thân, tôi ghi chép lại thành những truyện kể, mang chúng tới với người đọc.

Có thể thấy trào lưu ra mắt hồi ký hoặc những tác phẩm mang dáng dấp hồi ký xuất hiện ở nhiều thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, xuất thân từ một gia đình chính khách, là người bắt buộc phải lưu giữ phần còn bí ẩn của lịch sử, việc viết lách không vì một mục đích chính trị nào dường như rất hiếm hoi. Như vậy, với xuất thân của mình, ông có gặp thử thách khi viết “Những khoảnh khắc sống”?

Không có thử thách bởi cuốn sách nằm ngoài phạm vi những điều câu hỏi đề cập. Trong buổi giới thiệu “Những khoảnh khắc sống”, đã có người hỏi tại sao hình ảnh về ba tôi (cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - PV) lại không được thể hiện rõ nét? Với tôi, con người ông thuộc về lịch sử và con người lịch sử ấy bắt buộc phải hiện diện ở những nơi chính thống, như trên các trang báo.

Tôi nghĩ dù mình viết về ba hay đến mấy trên facebook, hay cả trong cuốn truyện của mình, thì nhiều người vẫn sẽ đặt câu hỏi. Nên khi viết về ba, tôi sẽ viết ở nơi có sự kiểm duyệt, nơi người ta phải công nhận điều mình viết là đúng. Cũng như vậy, tôi không bao giờ viết những điều liên quan đến lịch sử trên facebook. Đó là kênh nửa chính thống nửa không, người ta hoàn toàn có thể không chấp nhận những điều mình nói ra, cũng có thể nghi ngờ.

Khi viết ở nơi được kiểm duyệt ngặt nghèo mà thông tin vẫn xuất hiện, thì những sự kiện ấy là đúng như vậy. Tôi chấp nhận điều đó, nếu gửi bài mà họ báo không đăng được thì cũng thôi, không đăng ở bất cứ nơi nào khác.

TS Lê Kiên Thành: "Chỉ thành công khi điều tôi viết có ích cho hiện tại" ảnh 1

Tác phẩm "Những khoảnh khắc sống" của TS. Lê Kiên Thành vừa ra mắt vào tháng 1/2024.

Như ông nói, facebook mang đến nhiều nghi vấn còn báo chí chính thống thì kiểm duyệt ngặt nghèo. Phải chăng, văn chương là con đường có thể lách qua những rào cản về chính trị lẫn dư luận để những nội dung sâu xa được hiện diện?

Bản thân tôi chưa từng nghĩ mình bước chân vào văn chương. Tôi không phải nhà văn, cũng chưa là nhà nào cả. Như nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - PV) nhận xét, tôi chỉ là “Người kể chuyện của thế gian”. Tôi kể bằng chất giọng và suy nghĩ của mình, chính điều này đã thuyết phục họa sĩ Thành Chương. Nếu tôi sử dụng những kỹ thuật về văn chương chẳng hạn, có lẽ sẽ không tạo được sức thuyết phục đến thế.

Sức thuyết phục được tạo ra từ những điều giản đơn, chân thành, giống như người cha, người mẹ kể câu chuyện cổ tích cho những người con. Ở đây, không có nghĩa tôi đặt vị trí của mình đứng trên người đọc. Dùng hình ảnh đó để cho thấy tại sao những câu chuyện cổ tích có thể truyền qua các thế hệ, bởi người kể là những người gần gũi, giản đơn như những người thân trong gia đình. Những câu chuyện của tôi được kể lại bởi một con người bình thường, điều đó khiến mọi người dễ chấp nhận. Các câu chuyện trong “Những khoảnh khắc sống” thuộc về dạng đó, chứ không phải những nội dung được ngồi nghĩ các thủ thuật văn học, sắp xếp các hình tượng…

Trong lần ra mắt sách này, câu chuyện giữa ông và họa sĩ Thành Chương được rất nhiều người nhắc đến. Bản thân ông cũng từng kể chuyện này, dường như nó rất có ý nghĩa với ông?

Để “đánh gục” được ấn tượng của một người như ông Thành Chương không phải dễ. Ông ấy là con người có một lịch sử với tiềm thức như vậy, cũng đã có tuổi. Tôi nghe kể rằng, khi được mời vẽ tranh minh họa cho tác phẩm của tôi, ông Thành Chương trả lời ngay: “Không bao giờ!”. Ông ấy vốn ghét giới con ông cháu cha, nhà văn Nguyễn Quang Thiều phải nói: “Anh đừng vội, hãy đọc Lê Kiên Thành trước đã”. Khi Thành Chương đọc tác phẩm của tôi, ông đã sốc. Các truyện kể được viết trong “Những khoảnh khắc sống” đã thay đổi quan niệm của con người cỡ như ông Thành Chương, đấy là niềm tự hào mà tôi cho rằng chỉ có thể đến từ sự chân thành.

Cũng vì sự chân thành, khi gặp gỡ, ông Thành Chương nói với tôi, ông đã chứng kiến rất nhiều người cao đạo mà giả vờ là chân thành và khinh bỉ loại người đó. Ông nói rằng với những người có xuất thân như tôi, thà tỏ ra cao ngạo, ông còn có phần kính trọng vì sự không giấu diếm. Nhưng nếu giấu diếm dưới cái vỏ chân thành, thì cũng không qua mắt nổi ông và ông khinh bỉ sự đó.

Ngược lại, qua những trang viết, tôi thuyết phục ông ở sự chân thành, cái thiện và tính đúng đắn của câu chuyện. Khi tôi mang bản sách đầu tiên lên nhà tặng ông, ông nói: “Lê Kiên Thành là con người kỳ lạ, để làm được chuyện này không phải dễ”.

Tuy nhiên trong phần Tự sự với 9 truyện về cá nhân ông, vẫn thấy thấp thoáng bóng hình của người cha?

Tôi có suy nghĩ ông vừa là bố vừa không chỉ là bố, ông còn là con người của lịch sử. Như đã nói ở trên, đối với con người của lịch sử, những câu chuyện về họ nếu nói ra, tốt nhất nên được nói ở một không gian và bối cảnh phù hợp. Những câu chuyện tôi nói về ba mình đã xuất hiện trên mặt báo, đó là những bài viết được duyệt từng câu từng chữ, từng dấu chấm dấu phẩy, đăng tải trên những tờ báo mang tính chính trị cao như An ninh Thế giới, Công an Nhân dân…

Nếu tôi nói về ông ở trên facebook, nhiều người sẽ nghi vấn về chuyện một ông con có thể nói gì về bố của mình? Tôi từng trả lời trên một bài báo rằng một người đàn ông có thể lừa dối rất nhiều người bên ngoài xã hội, nhưng rất khó lừa dối một người con. Cho nên, nếu người con ấy trung thực với chính mình, trung thực với lịch sử, thì người con có điều kiện nhìn thấy người cha rõ hơn những người khác. Tại sao không cho người con nói về cha mình? Tôi luôn luôn mạnh dạn nói những góc cạnh tôi nhìn thấy ở ông.

Cũng giống họa sĩ Thành Chương, rất nhiều người trước khi gặp mặt thường vẽ sẵn một hình dung về tôi. Nhiều phóng viên, nhà báo tìm đến phỏng vấn, họ đặt những câu hỏi rất sốc. Hỏi có phải tôi dám đi làm kinh tế tư nhân vì là con “ông Ba”? Phải chăng tôi không sợ gì vì cái bóng của người cha quá lớn? Tôi nói, tôi làm kinh tế tư nhân khi ba không còn trên đời rất lâu rồi, ảnh hưởng của cụ cũng như vậy. Lại có người hỏi có phải ba để lại 16 tấn vàng cho gia đình, tôi bảo chuyện này không có. Trước khi mất, ông chỉ gọi con cái ra và nói: “Ba mất sẽ không để lại một đồng xu nào, có chăng là để lại cái tiếng của ba thôi”. Khi tôi làm kinh doanh, nghiệm thấy điều ông nói đúng kinh khủng. Nếu chẳng may ba để lại tiền, hẳn các đối tác sẽ coi thường tôi. Sự thực, trong quá trình giao thương, khi đối tác tình cờ biết tôi là con “ông Ba”, họ tỏ ra tin tưởng vì nghĩ tôi sẽ không làm gì bậy bạ. Cho nên việc ba nói khi xưa rằng ông chỉ để lại cho các con danh tiếng, điều đó hoàn toàn đúng.

Khi viết sách, tôi không nói nhiều về ông, chỉ nói những câu chuyện dưới góc độ gia đình, còn ba tôi, hãy để lịch sử nhận định.

TS Lê Kiên Thành: "Chỉ thành công khi điều tôi viết có ích cho hiện tại" ảnh 2

TS. Lê Kiên Thành cùng nhà văn Nguyễn Quang Thiều, họa sĩ Thành Chương và nhà báo Phạm Gia Hiền tại buổi ra mắt sách.

Khi bắt tay viết một cuốn sách, điều tác giả quan tâm có lẽ là công chúng mục tiêu. Với “Những khoảnh khắc sống”, ông muốn lan tỏa đến đối tượng độc giả nào nhất?

Viết bất cứ điều gì, điều đầu tiên tôi nghĩ là để người cùng thế hệ dễ hiểu. Nhưng với cuốn sách này, tôi có một mong muốn, dù rất khó, đó là được các bạn trẻ tiếp nhận. Những người cùng thế hệ với tôi đều không lạ gì cảm giác bom rơi lửa đạn, rồi chuyện sơ tán, ăn đói mặc rét. Nhưng với người trẻ, khi nói về chuyện đó, họ sẽ cảm thấy rất xa vời. Nếu cuốn sách được giới trẻ đọc, qua đó cảm nhận một điều gì đấy, sẽ đúng với mong muốn của tôi nhất.

Tại sao đất nước của chúng ta tồn tại vĩ đại như vậy? Trải qua 1000 năm Bắc Thuộc, kháng chiến chống ngoại xâm liên miên cùng hai cuộc chiến tranh vệ quốc khốc liệt như vậy, tại sao đất nước vẫn vững vàng đến bây giờ? Nếu có người trẻ nào đặt ra câu hỏi này và tìm thấy đáp án từ cuốn sách của tôi, tôi cho rằng điều đó tốt hơn nhiều so với việc tôi được những người cùng thế hệ hưởng ứng, tán thưởng rằng tôi nói về quá khứ hay quá.

Qua đây, tôi hy vọng những điều mình viết sẽ tạo nên sự tò mò, ham muốn tìm hiểu lịch sử dân tộc cho lớp người trẻ.

Không ai trong chúng ta nằm ngoài lịch sử, nhưng với một số người, lịch sử hiển hiện rõ nét đến mức có thể chạm tới. Ông có thể chia sẻ nhãn quan của bản thân khi nhìn về lịch sử. Điều này hẳn sẽ giúp ích cho thế hệ trẻ, đối tượng độc giả ông lưu tâm?

Chúng ta tiếp cận với lịch sử chính nhất qua ba con đường: tư liệu lịch sử, nhân chứng lịch sử và di vật lịch sử. Nhưng đừng nên hiểu lịch sử của một dân tộc là cái gì đó đã xảy ra. Khi nói đến lịch sử, đại đa số thường nghĩ đó là những điều đã xảy ra, nhưng còn một khái niệm khác, trong đó lịch sử giống như tài nguyên của một dân tộc. Như vậy có những dân tộc giàu tài nguyên, có dân tộc ít tài nguyên, có những dân tộc biết sử dụng tài nguyên của mình, có những dân tộc thì không.

Giống như mỏ dầu nằm sâu dưới lòng đất, người Arab phải đến thập niên 60 mới tìm thấy tài nguyên đó. Khi họ đào lên và biết cách sử dụng, ngay lập tức đã trở nên giàu có. Đó là khi tìm ra và biết sử dụng tài nguyên của dân tộc mình. Lịch sử cũng nên được hiểu như vậy, nếu chúng ta biết khai thác và sử dụng lịch sử thì đất nước chúng ta sẽ khác, rất khác.

Phải hiểu, vậy cuối cùng sức mạnh của dân tộc Việt Nam là gì mà chúng ta chiến thắng được giặc ngoại xâm. Nếu chỉ trả lời là tinh thần thì không đúng, bởi dân tộc nào cũng có tinh thần, người dân nước nào cũng yêu đất nước của mình. Vậy tại sao có những dân tộc phải chịu khuất phục, còn dân tộc mình không khuất phục? Đó là câu hỏi cần có để tiếp cận với tiềm năng của dân tộc Việt Nam, cần hiểu đó là nguồn tài nguyên vô cùng to lớn. Nếu có thể cắt nghĩa được sức mạnh của dân tộc trong quá khứ, đưa sức mạnh ấy vào đời sống hôm nay, chúng ta có thể biến cuộc sống này thành tươi đẹp, giàu có như cách người Arab giàu lên từ dầu mỏ.

Những người trẻ cần tìm hiểu, không nên có suy nghĩ rằng cứ cái gì cũ mang ra là lịch sử, không hẳn. Tài nguyên của lịch sử luôn tồn tại trong lòng dân tộc Việt, như bản tính anh hùng, trí thông minh, tình thương yêu nhau… tất cả vẫn còn. Những đức tính này từng được thể hiện trong quá khứ, vậy ở thời điểm hiện tại chúng ta có thể sử dụng chúng cho việc gì để làm thay đổi cuộc sống, xóa bỏ khó khăn, nghèo đói để đi lên? Hiểu lịch sử như vậy mới có thể say mê tìm hiểu về lịch sử, muốn đào sâu vào lịch sử. Nếu lịch sử chỉ là câu hỏi ngày 02/09, ngày 30/04 là ngày gì thì sẽ không đến được với người trẻ.

Tôi từng bất ngờ khi xem một chương trình, trong đó đặt câu hỏi ngày 02/09 là ngày gì mà được nghỉ? Rất nhiều bạn trẻ tỏ ra không biết, một số trả lời hình như là Ngày Quốc khánh. Hỏi sâu hơn, Ngày Quốc khánh là ngày gì thì các bạn đưa ra định nghĩa khác đi. Có thể thấy một điều đơn giản như thế thôi đã không đến được với nhiều người trẻ rồi. Ở đây, trách nhiệm của thế hệ trẻ là một phần, nhưng phần lớn hơn là của những người làm giáo dục.

Thưa TS. Lê Kiên Thành, trong buổi ra mắt sách, có người đã chúc mừng ông với danh xưng nhà văn. Sau rất nhiều công việc từng làm, ở tuổi nghỉ hưu, ông có dự định khởi sự với văn chương?

Tôi có lẽ sẽ không bao giờ bước chân vào và làm một nhà văn, bởi tố chất của nhà văn phải hơi khác. Với tôi, nếu anh là một con người bình thường, anh hãy sống bình thường đi. Giống như chẳng may anh hát hay, anh hãy hát cho bản thân nghe đi, đừng vội vàng ra giữa sân khấu, nhận mình là nghệ sĩ. Bởi anh có được đào tạo thanh nhạc, học kỹ thuật biểu diễn đâu, cần hiểu mãi mãi anh sẽ không bao giờ là những người đó được. Khi có giọng hát hay, hãy hát cho mình và người thân nghe, đó sẽ là giọng hát tuyệt vời. Tôi cũng vậy, không phải nhà văn, nhà thơ hay bất cứ nhà gì khác, tôi là con người tôi, chỉ có thể là thế.

Tôi hy vọng cũng với cách đó, cuốn sách sẽ đến với người trẻ, không phải đến với những người trải qua tình cảnh tương tự rồi nhận xét “đúng rồi, hay quá, ông ấy nói đúng về thời của mình”. Với người trẻ chưa từng qua thời kỳ đó nhưng vẫn thấy câu chuyện trong “Những khoảnh khắc sống” là hay, thấy có ích cho thời điểm này, lúc ấy tôi nghĩ mình đã thành công, đã kể được đến tai người nghe, tự hào điều mình viết là có ích. Như chuyện thay đổi định kiến của họa sĩ Thành Chương, đối với tôi, đó cũng là một thành công.

TS Lê Kiên Thành sinh năm 1955. Ông được đào tạo tại Trường Lái máy bay Kratxnoida và Học viện Kỹ sư không quân Giucopxky, Liên Xô; là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Dupna, Liên Xô. Ông từng công tác tại Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Viện Khoa học Việt Nam. Ông tham gia kinh doanh từ năm 1993 trong ngành ngân hàng và sản xuất.

Ngoài vai trò doanh nhân, Lê Kiên Thành cũng là một cây bút chính luận được nhiều người biết đến. Ông từng công bố truyện Âm thanh được giới văn chương đánh giá cao. Vừa qua, TS Lê Kiên Thành đã ra mắt cuốn sách “Những khoảnh khắc sống” với những tự sự về gia đình cùng những câu chuyện, những nhân vật của một thời đã qua.

TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh hoạ.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận 1,5 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin công dân
(Ngày Nay) - Bộ Công an cho biết, tính đến giữa tháng 4/2024, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 16 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, tiếp nhận 1,5 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin công dân, 650 triệu yêu cầu đồng bộ thông tin công dân.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu.
Từ ngày 1/7, chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID trong thực hiện dịch vụ trực tuyến
(Ngày Nay) - Tổng số lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử trên các Cổng dịch vụ công đến nay là trên 29,37 triệu, số lượt đăng nhập trên ứng dụng Etax của Tổng cục Thuế là gần 2,1 triệu lượt, số lượt đăng nhập trên ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là hơn 10,4 triệu lượt. Tổng số tiền tiết kiệm được cho nhà nước ước tính 469 tỷ đồng.
Hải Phòng: Đội ngũ trí thức - nòng cốt, tiên phong trong nhiều hoạt động
Hải Phòng: Đội ngũ trí thức - nòng cốt, tiên phong trong nhiều hoạt động
(Ngày Nay) - Thành phố Hải Phòng đã có chủ trương cùng nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, bố trí kinh phí, cơ sở, vật chất để bảo đảm điều kiện hoạt động cho đội ngũ trí thức. Hải Phòng xác định, đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước và mỗi địa phương.
15 học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm​ tại TP.HCM
15 học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm​ tại TP.HCM
(Ngày Nay) - Tối 2/5, thông tin từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này đang điều trị, theo dõi tình hình sức khoẻ của 15 học sinh tại 4 trường tiểu học trên địa bàn nhập viện với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Ảnh minh họa
Ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
(Ngày Nay) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Theo hướng dẫn, đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thanh tra, kiểm tra việc ban hành văn bản, công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thi, Điểm thi và công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra thi của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Ảnh minh họa
Trẻ em Hàn Quốc dành quá nhiều thời gian cho việc học
(Ngày Nay) -  Theo hãng tin Yonhap, hơn 60% số trẻ em Hàn Quốc dành thời gian cho việc học nhiều hơn mức được khuyến nghị. Đây là kết quả khảo sát do tổ chức phúc lợi trẻ em Childfund Korea tiến hành và công bố ngày 2/5.