Thật vậy, COVID-19 là xung lực đẩy người dân trên toàn thế giới tiến xa hơn vào thời đại số khi buộc họ phải sắp xếp lại cuộc sống và cách thức làm việc theo hướng an toàn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, “trạng thái bình thường mới” không chỉ xuất hiện trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động việc làm và các mặt đời sống hàng ngày khác của con người.
Nếu nhìn vào bức tranh chính trị xã hội toàn cầu, có thể nhận thấy có những “trạng thái bình thường mới” đang được thiết lập, những luật chơi mới được đặt ra, buộc các quốc gia phải thích nghi và thay đổi. Năm 2020, mẹ thiên nhiên một lần nữa khẳng định những thảm họa khí hậu không còn là sự vụ đơn lẻ mà đang tập hợp lại với tần suất ngày càng cao và làm nên một trạng thái “bình thường mới”. Năm 2020 chứng kiến những trận cháy rừng hủy diệt, những trận bão lớn và dồn dập và những cơn hạn hán kinh hoàng. Đầu năm, đất nước Australia trải qua một mùa khô tồi tệ nhất trong lịch sử khi có tới 6% diện tích đất nước chìm trong biển lửa và gần 3 triệu cá thể động vật chết cháy. Những tháng sau đó, miền tây nước Mỹ cũng chứng kiến những trận cháy rừng kỷ lục tương tự. Trong khi đó, nhiều khu vực khác ở Mỹ, các nước Trung Mỹ và Đông Nam Á đối mặt với vô số những trận bão nhiệt đới kinh hoàng. Miền tây nam nước Mỹ trải qua trận hạn hán được cho là tồi tệ nhất trong 1200 năm qua. Còn ở châu Phi, sa mạc Sahara lớn nhất thế giới vẫn không ngừng mở rộng diện tích.
Nếu có một hệ quả tích cực mà con người được thụ hưởng từ đại dịch COVID-19 thì đó chính là một bầu không khí trong lành hơn. Sự ngưng trệ các hoạt động kinh tế khiến mức phát thải khí carbon giảm mạnh. Tuy nhiên, bầu không khí sạch này sẽ khó có thể duy trì trong năm 2021, khi nền kinh tế toàn cầu tăng tốc trở lại. Trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày ký Thỏa thuận Khí hậu Paris vừa diễn ra tháng cuối năm, các nhà lãnh đạo quốc tế đã đưa ra nhiều cam kết ấn tượng để xây dựng một thế giới carbon trung tính. Tuy nhiên, lời nói thì bao giờ cũng dễ dàng hơn việc làm. Các quốc gia vẫn không ngừng so kè thiệt hơn và không dễ gì hy sinh các quyền lợi trước mắt của mình để cùng hướng tới một mục tiêu chung lâu dài, chưa thể thấy ngay kết quả. Thế giới vẫn đang tiếp tục bị cuốn vào một vòng xoáy biến đổi khí hậu và ngày càng tiến tới đến giới hạn “bước chân đi cấm kỳ trở lại”. Cũng có thể rằng chúng ta đã vượt qua cả giới hạn đó.
Tại chảo lửa Trung Đông, có những giới hạn mà trong năm 2020 qua cũng đã bị phá bỏ. Nước Mỹ “phá rào” luật pháp và thông lệ quốc tế để gây ra vụ ám sát tướng Iran Qasem Soleimani bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ một nước thứ ba là Iraq trong sự ngỡ ngàng và phẫn nộ của người dân cũng như chính phủ quốc gia này. Vụ ám sát đã kích hoạt một chuỗi sự kiện gây hấn và gia tăng căng thẳng giữa Iran và Mỹ, đẩy an ninh khu vực vào một tình thế mong manh và đầy hiểm họa. Một vụ ám sát thứ hai, xảy ra cuối tháng 11, được cho là do Israel thực hiện và lấy đi sinh mạng của một nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, vượt qua giới hạn mà người Iran có thể chấp nhận. Sự kiện này cũng đánh dấu sự nứt vỡ của thỏa thuận hạt nhân P5+1. Trong cơn phẫn nộ, người Iran khởi động lại các nhà máy hạt nhân mà họ đã cam kết đóng cửa, và bắt đầu làm giàu Urani ở mức độ mà phương Tây không thể cho phép. Những kỳ vọng về một Iran phi hạt nhân hóa đang đổ vỡ. Một trạng thái “bình thường mới” đang hình thành với những vụ ám sát kiểu “miền Tây hoang dã” được tiếp tay bởi công nghệ cao và nguy cơ xung đột hạt nhân cận kề.
Nhưng cũng tại khu vực Trung Đông, hy vọng về một “trạng thái bình thường mới” hòa bình và hữu hảo trong năm 2020 vừa qua cũng đã được nhen nhóm lên với các thỏa thuận hòa giải giữa Israel và nhiều quốc gia trong thế giới Arab. Thỏa thuận đầu tiên đạt được hồi tháng 8, với việc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE đồng ý công nhận nhà nước Israel để đổi lại cam kết từ người Do Thái tạm thời sẽ không sáp nhập vùng lãnh thổ Bờ Tây. Sau UAE, Bahrain, Sudan và Morocco cũng tiếp bước đặt bút ký vào thỏa thuận. Trong vai trò trung gian, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump coi thỏa thuận Abraham là thành tích đối ngoại rực rỡ của mình do thỏa thuận này đã bước đầu phá vỡ vòng bao vây đã tồn tại hơn nửa thế kỷ qua của thế giới Arab đối với Israel. Thỏa thuận Abraham nhen nhóm lên hy vọng về một “trạng thái bình thường mới” đầy tươi sáng và tích cực ở khu vực Trung Đông, khi người Do Thái có thể chung sống hòa bình và hợp tác bên cạnh người Arab.
Tuy nhiên, “trạng thái bình thường mới” này cũng sẽ có những mảng màu tối tăm. Thỏa thuận Abraham đã bỏ qua vấn đề cốt lõi trong các nỗ lực tạo lập hòa bình cho khu vực Trung Đông - đó là cuộc xung đột Israel - Palestine. Người Palestine hoàn toàn bị gạt ra khỏi kế hoạch hòa bình mới này, khiến cho thành công của thỏa thuận Abraham cũng đồng nghĩa với sự sụp đổ của giải pháp hai nhà nước mà cộng động quốc tế trong hàng chục năm qua đã dày công xây đắp. Một dân tộc bị đẩy đến đường cùng sẽ phản kháng và tác động đến tương lai Trung Đông như thế nào là điều không dễ dự liệu.
Tại châu Á, năm 2020 cũng cho thấy một “trạng thái bình thường mới” đang hình thành mà cốt lõi là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc không còn là một quốc gia “ẩn mình chờ thời” mà đã sẵn sàng đối đầu mạnh mẽ với các quốc gia đối thủ. Trên mặt trận ngoại giao, các quan chức nước này khoác lên mình bộ da “sói chiến binh”, sẵn sàng công kích thẳng thừng bất cứ quốc gia và cá nhân nào họ cho rằng có hành vi bôi nhọ Trung Quốc. Hồi tháng 4, Trung Quốc đã trả đũa việc Australia kêu gọi điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19 bằng việc phát động một cuộc chiến thương mại với nước này. Đến giữa tháng 6, quân đội Trung Quốc đụng độ và hạ gục 20 binh sĩ Ấn Độ tại khu vực biên giới tranh chấp giữa hai quốc gia. Vài tuần sau đó, Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới tại Hồng Kông. Và cho đến cuối năm, thành công của Trung Quốc trong việc khống chế đại dịch COVID-19 và kích thích kinh tế đã tiếp thêm niềm tin cho Bắc Kinh rằng nước này đã giành phần thắng trước phương Tây. Năm 2021 tới, thế giới có thể sẽ phải thích nghi với một “trạng thái bình thường mới” với một Trung Quốc mạnh bạo và sẵn sàng đối đầu hơn nữa.
Ở một chiều ngược lại, một “trạng thái bình thường mới” đang hình thành trong suy nghĩ và quan niệm của người dân trên toàn thế giới về cường quốc hàng đầu thế giới - nước Mỹ. Nếu phải chỉ ra một sự kiện làm suy yếu hình ảnh nước Mỹ nhất trong năm qua thì đó không gì khác ngoài cuộc bầu cử tổng thống 2020. Đây là một cuộc bầu cử mà cử tri Mỹ đã dành nhiều tâm huyết: Tỉ lệ bỏ phiếu lên tới 66,7% - mức cao nhất kể từ năm 1900 trở lại đây, và số người bỏ phiếu sớm cao gấp hai lần số người bỏ phiếu trong ngày bầu cử - cũng là một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, khi nhớ đến cuộc bầu cử này, người ta sẽ ít nhớ đến những kỷ lục hơn là những lùm xùm chính trị và pháp lý diễn ra sau đó.
Lần đầu tiên trong lịch sử, một tổng thống Mỹ đương nhiệm khăng khăng không chấp nhận kết quả bầu cử và yêu cầu kiểm phiếu lại tại nhiều bang, đưa ra nhiều cáo buộc về gian lận bầu cử trên diện rộng, tiến hành các vụ kiện nhằm lật ngược kết quả bầu cử, liên tục đưa ra những thuyết âm mưu về sự suy đồi của nền chính trị và tư pháp Hoa Kỳ. Những nỗ lực này không đem lại nhiều kết quả tích cực cho ông Donald Trump, nhưng hậu quả tiêu cực đối với uy tín và hình ảnh của nước Mỹ thì đã thấy rõ. Niềm tin về một nền dân chủ hoàn thiện nhất của thế giới bị xói mòn, thay vào đó là hình ảnh một nước Mỹ đầy rẫy tham nhũng và tiêu cực không khác gì những “quốc gia trồng chuối” ở phía nam châu Mỹ. Nước Mỹ sẽ mất nhiều thời gian và nỗ lực để khắc phục những tổn thất về niềm tin này, và quá trình đó có thể sẽ diễn ra rất lâu sau khi cuộc bầu cử tổng thống 2020 đã đi qua.
Trạng thái “bình thường mới” là gì?
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2007-2008, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ từ năm 2007 và bùng phát mạnh vào cuối năm 2008, bao gồm sự đổ vỡ hàng loạt của hệ thống ngân hàng, tình trạng hạn chế tín dụng, sụt giá chứng khoán, mất giá tiền tệ quy mô lớn tại Mỹ và nhiều nước Châu Âu. Năm 2010, các chuyên gia thế giới không trông đợi tình hình sẽ hồi phục bình thường mà chuyển biến sang một trạng thái mới, khác lạ hơn. Họ gọi đó là “New normal”, tức “Bình thường mới”.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 xảy ra toàn cầu, tạo nên cuộc khủng hoảng đa chiều, tác động đến nhiều ngành nghề khác nhau, cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của con người. Từ đó, thuật ngữ trạng thái “bình thường mới” cũng được sử dụng rộng rãi để nói đến một thứ bất thường nhưng lại trở nên bình thường sau đó.