Đó cũng là hành trình trao yêu thương, sẻ chia và gắn kết giữa hàng triệu trái tim người dân Việt Nam để giữ dòng máu luôn chảy, mang lại sự sống và hạnh phúc cho biết bao gia đình người bệnh.
Bước khởi đầu từ những thời khắc gian khó
Phong trào hiến máu tình nguyện bắt nguồn từ những năm chiến tranh, khi việc hiến máu trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và tinh thần đồng đội. Các chiến sĩ không ngần ngại chia sẻ máu của mình cho đồng đội trên chiến trường, dù điều kiện y tế còn hạn chế, khó khăn.
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vẫn còn lưu giữ hiện vật là Bảng danh sách hiến máu của các y, bác sĩ Đội Điều trị 52 và dây lấy máu do y sĩ Đội điều trị 14 tự tạo dùng lấy được 6,65 lít máu truyền cho 58 thương binh trên đường Trường Sơn. Những hồi ức và kỷ vật từ thời kỳ này vẫn còn được gìn giữ như những minh chứng sống của tinh thần hy sinh và đoàn kết.
Nhớ về ký ức của những tháng ngày cứu chữa thương binh trên con đường Trường Sơn huyền thoại, cựu chiến binh Nguyễn Thị Thoa - Nguyên y tá Đội điều trị 14, Binh trạm 12, Đoàn 559 cho biết, ngày đấy việc truyền máu không phải như bây giờ. Chưa hề có túi lấy máu, chưa có chất chống đông nên truyền trực tiếp cho thương binh luôn. Khi lấy máu các chiến sĩ là tính giọt, đếm giọt, cứ bao nhiêu giọt thành 1 ml, bao nhiêu ml thành 1 đơn vị máu.
Đất nước sau chiến tranh, việc truyền máu chủ yếu được thực hiện ở các bệnh viện lớn, có sở ngoại khoa. Nguồn máu đa phần là từ những người bán máu chuyên nghiệp, nhân viên y tế hiến máu, lượng máu tiếp nhận ít, không đáp ứng được nhu cầu.
Sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào hiến máu tình nguyện bắt đầu từ đầu những năm 1980, để bắt đầu thay đổi nhận thức của người dân về việc hiến máu, Giáo sư Bạch Quốc Tuyên, Giáo sư Tôn Thất Tùng và nhiều chuyên gia đầu ngành trong cả nước đã tiến hành nhiều hoạt động nói chuyện, tư vấn để kêu gọi người dân hiến máu tình nguyện. Những thông điệp, khẩu hiệu được sử dụng như “Toàn dân cho máu, người thân cho máu”, “Một người cần truyền máu - ba người thân cho máu” hay “Hãy gửi máu vào ngân hàng máu”.
Những năm 1990, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhu cầu truyền máu tại tất cả các tuyến tăng cao. Lúc này sự bùng nổ của căn bệnh HIV/AIDS khiến nguy cơ không bảo đảm an toàn truyền máu rất trầm trọng. Tình trạng thiếu máu điều trị thường xuyên diễn ra tại các cơ sở y tế trên cả nước.
Sự kiện hiến máu nhân đạo đầu tiên được tổ chức vào ngày 24/1/1994 mở ra một chương mới của phong trào hiến máu tình nguyện, đặt nền móng cho phong trào được mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt giới tính, độ tuổi, ngành nghề, tôn giáo hay dân tộc.
Từ một hành động đơn lẻ đến một văn hóa cộng đồng
Phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam không chỉ là biểu tượng của tinh thần nhân ái mà còn là minh chứng cho sức mạnh của tình đoàn kết và sẻ chia. Nó góp phần xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, khoẻ mạnh và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Phong trào hiến máu tình nguyện cũng chứng kiến sự đổi mới và sáng tạo trong cách tiếp cận và tổ chức các chiến dịch. Việc sử dụng công nghệ, truyền thông xã hội và các phương tiện truyền thông khác đã giúp lan tỏa thông điệp và thu hút sự tham gia rộng rãi từ công chúng. Các sự kiện hiến máu ngày càng được tổ chức một cách chuyên nghiệp và sáng tạo, thu hút sự chú ý, tham gia của đông đảo người dân.
Nhiều hoạt động đã, đang được tổ chức, tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong phong trào hiến máu tình nguyện như: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết, “Lễ hội Xuân hồng”; Chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” và “Hành trình Đỏ”, Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4, Ngày Quốc tế Người hiến máu 14/6.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Nguyên Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu miền Trung cho biết, 30 năm qua phong trào hiến máu tình nguyện cơ bản đáp ứng được lượng máu cung cấp cho lâm sàng, để điều trị bệnh nhân, phẫu thuật, ghép tạng.
Bên cạnh việc cung cấp máu, phong trào hiến máu tình nguyện còn đóng góp vào sự phát triển và hiện đại hóa của ngành truyền máu tại Việt Nam. Các phương pháp sàng lọc và xử lý máu đã được cải tiến, góp phần tăng cường chất lượng và hiệu quả sử dụng máu hiến tặng.
Công tác tôn vinh, khen thưởng cho người hiến máu tình nguyện cũng được chú trọng. Năm 2007, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức “Hành trình trái tim nhân ái” lần thứ nhất tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc. Đây là chương trình mở đầu cho sự kiện tôn vinh được Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện đều đặn duy trì từ đó đến nay.
Sau 30 năm phát động phong trào, đến nay cả nước có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu, hàng vạn cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu trên 30, 50 lần thậm chí trên 100 lần. Đến năm 2023, Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, tiếp nhận hơn 1,5 triệu đơn vị máu, tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đã đạt 99%.
Tinh thần nhân ái và đoàn kết toàn xã hội
Trong 30 năm qua, từ một số lượng máu nhận được khiêm tốn, phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển mạnh mẽ, với số lượng máu hiến tặng tăng lên đáng kể. Điều này không chỉ góp phần vào việc cứu chữa hàng triệu người bệnh mà còn là minh chứng cho tinh thần tương thân tương ái sâu sắc của người dân Việt Nam.
Phong trào hiến máu tình nguyện trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và xã hội Việt Nam, là một hành động thiện nguyện bền bỉ và mang tính chất lâu dài. Đối tượng hiến máu hiện nay có sự đa dạng hơn khi lực lượng chiến sỹ Công an, Quân đội, cán bộ, viên chức, người lao động, nông dân, học sinh, sinh viên, các tăng ni, phật tử, tham gia hiến máu tình nguyện ngày càng tích cực.
Bệnh nhân tan máu bẩm sinh Phạm Thị Quế Anh chia sẻ: "Tôi phát hiện bệnh lúc 3 tuổi, đến nay tôi 37 tuổi, là hơn 30 năm truyền máu. Thực sự nếu không được truyền máu, tôi không nghĩ là sống được đến ngày hôm nay".
Giáo sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đánh giá, phong trào hiến máu nhân đạo thực sự phát triển đi vào chiều sâu, và rất bền vững. Đỉnh cao là các sự kiện hiến máu tầm cỡ quốc gia, thậm chí có tiếng vang đến quốc tế. So với thế giới, có nhiều quốc gia phải mất 50 năm thậm chí nhiều hơn để phong trào hiến máu tình nguyện lan tỏa sâu, rộng, khắp cả nước như Việt Nam.
Trải qua 30 năm, sức sống bền bỉ của một phong trào thiện nguyện đã trở thành hành động thường xuyên của hàng vạn người dân. Sự chuyển dịch tưởng như đơn giản, nhưng đó là sự thay đổi về “chất” mang tính bền vững.
Nhìn về tương lai, phong trào hiến máu tình nguyện tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ, cùng với sự nỗ lực không ngừng của người dân, phong trào này hứa hẹn sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong việc cung cấp máu an toàn và hiệu quả cho cộng đồng, lan tỏa thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.