Chứng tự kỷ, không phải bệnh tự kỷ
Liên Hợp Quốc hiện chưa gọi là “bệnh tự kỷ” bởi cơ bản bệnh thì có thuốc chữa, chứng tự kỷ có những rối loạn mang tính suốt đời.
Trong chuyên trang Liên Hợp Quốc về tự kỉ đã định nghĩa: “Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ/phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại nhiều lần”.
Pháp luật Việt Nam đang “bỏ rơi” chứng tự kỉ
Pháp luật VN công nhận tự kỷ là một khuyết tật, nhưng đó là dạng khuyết tật nào thì hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào nói rõ. Hiện tại, trong Điều 3 Luật Người khuyết tật có phân loại 6 nhóm khuyết tật. Đó là: 1- Khuyết tật vận động. 2- Khuyết tật nghe, nói. 3- Khuyết tật nhìn. 4- Khuyết tật thần kinh, tâm thần. 5- Khuyết tật trí tuệ. 6- Khuyết tật khác. Trong 6 dạng khuyết tật trên, thì tự kỷ có thể nằm trong dạng khuyết tật thứ 4, thứ 5 hoặc thứ 6. Các cơ quan tham gia xây dựng luật và các nghị định, thông tư thi hành Luật Người khuyết tật vẫn chưa thống nhất quan điểm xếp tự kỷ vào dạng tật nào. Cũng chưa có những chính sách hỗ trợ cho nhóm trẻ em bị tự kỷ như những nhóm khuyết tật về trí tuệ khác.
Tự kỷ có thể được chẩn đoán ngay từ khi bé còn rất nhỏ
Trẻ em dưới 18 tháng tuổi có thể được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tự kỷ. Nhưng hầu hết các chẩn đoán xảy ra ở tháng thứ 24 hoặc lớn hơn. Ở tháng tuổi này, kết quả chẩn đoán sẽ chính xác hơn. Tiến sĩ Alycia Halladay - Giám đốc khoa học của Tổ chức Tự trị Khoa học tại New York cho biết: “Trước đó, trẻ bị chứng tự kỷ sẽ có những biểu hiện rụt rè trong giao tiếp xã hội, nhưng biểu hiện này khá phổ biến ở lứa tuổi của trẻ, do vậy khó có thể phát hiện ra”.
Không có xét nghiệm y khoa hoặc xét nghiệm máu cho chứng tự kỷ, vì vậy các bác sĩ thường đánh giá hành vi của trẻ thông qua kiểm tra quá trình phát triển và sau đó là đánh giá chẩn đoán toàn diện, bao gồm các xét nghiệm về thính giác, thị lực và thần kinh. Bác sĩ cũng có thể đề nghị một cuộc gặp với chuyên gia, chẳng hạn như một bác sĩ nhi khoa phát triển.
Bé trai được xác định mắc hội chứng này nhiều hơn bé gái
Theo các chuyên gia khoa học Mỹ, các rối loạn phổ tự kỷ được phát hiện nhiều hơn ở nam, gấp khoảng 4,5 lần hơn nữ giới. Mọi người thuộc mọi chủng tộc và sắc tộc có thể được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ. Mặc dù các bé trai có xu hướng bị chẩn đoán sớm hơn và thường xuyên hơn các bé gái, thì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy số trường hợp mắc bệnh ASD ở trẻ em gái cũng đang gia tăng đáng kể.
Văcxin không phải là nguyên nhân gây ra tự kỷ
Theo nhiều nghiên cứu của Mỹ, văcxin không phải là một trong những nguyên nhân. Lý thuyết này được bắt đầu sau khi một nghiên cứu nhỏ năm 1998 tuyên bố tìm thấy mối liên quan giữa văcxin phòng sởi, quai bị và sởi Đức với chứng tự kỷ. Nghiên cứu đó đã bị đánh giá là một thiếu sót. Thimerosal, một thành phần văcxin khác đã từng bị cho là làm tăng nguy cơ tự kỷ, cũng không liên quan đến ASD (từ năm 2001, nó đã được giảm hoặc loại bỏ bằng văcxin). Nghiên cứu tiếp theo đã liên tục tìm ra văcxin an toàn và xác định không có mối liên hệ giữa tiêm chủng trẻ em và chứng tự kỷ.
Tổng hợp