Theo Thanh tra Chính phủ, việc ACV thu tiền xe vào sân bay đón, trả khách (mà không sử dụng dịch vụ gửi xe) là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách.
Từ năm 2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, UBND các địa phương rà soát, hoàn tất các thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất cho cảng vụ hàng không theo quy định và chỉ đạo rà soát lại việc thu phí xe ra vào sân bay, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, 4 năm qua, ACV vẫn chưa hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống block time để thu phí theo phương án xe vào sân bay quá 10 phút mới phải trả tiền phí. Hiện nay 21 cảng hàng không vẫn đang tiếp tục thu phí sân đường dẫn vào nhà ga hàng không.
Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần chỉ đạo ACV khẩn trương rà soát, lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian ô tô ra vào các cảng hàng không. Mới đây nhất, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục giục giã và yêu cầu ACV phải lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian ôtô ra vào các cảng do đơn vị này quản lý, hoàn tất và đưa vào hoạt động chậm nhất là ngày 31-3-2020.
Tuy nhiên, ACV "nại" nhiều lý do, chậm trễ và tới nay vẫn chưa hoàn thiện hệ thống kiểm soát nói trên. Đơn vị này cho biết, vẫn đang xây dựng phương án thu phí 21 cảng theo block time và sẽ trình Bộ GTVT trong tháng 5/2021.
Theo các chuyên gia kinh tế, sân bay cũng như bến cảng đường thủy, đường bộ phải có đường cho xe vào ra, cần kết nối giao thông với sân bay để tạo thuận tiện cho hành khách.
Đoạn đường nội bộ phía trong sân bay tạo điều kiện thuận tiện để hành khách vào nhà ga là thuộc đầu tư chung của cảng hàng không đó nên phải tính chung vào chi phí dịch vụ của sân bay, không thu riêng. Do đó, việc ACV quyết thu phí kể cả dưới 10 phút chẳng khác nào phí chồng phí cho khách hàng.
Dù Bộ GTVT đã ra tối hậu thư về việc dừng thu phí xe ra vào tại các cảng hàng không dưới 10 phút nhưng ACV vẫn không chấp hành mà quyết tận thu |
ACV rõ ràng đang cố tình chậm trễ trong lắp đặt hệ thống công nghệ tính thời gian tự động, bởi công nghệ tính thời gian tự động là công nghệ phổ biến, không có lý do gì mà hơn 1 năm qua vẫn chưa triển khai xong và đưa vào áp dụng.
Việc chậm trễ trong việc triển khai theo tiến độ mà Bộ Giao thông vận tải đề ra là do đơn vị quản lý khai thác cảng là không thể chấp nhận. Cơ quan chức năng phải có "cột mốc" thời gian quyết định triển khai, không du di cho doanh nghiệp chậm trễ để tận thu phí gây bức xúc cho khách hàng.
Sự chậm trễ của ACV gây bức xúc dư luận, nhất là sau khi cổ phẩn hoá, các hoạt động của ACV đã từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vấn đề sai phạm.
Được biết, ACV hiện đang quản lý 22 sân bay trên cả nước.
Theo báo cáo kiểm toán năm 2020 ACV vừa công bố, DN này có 33.683 tỷ đồng đang gửi tại ngân hàng, chỉ riêng lãi tiền gửi trong năm 2020 từ số tiền này, đã là 2.147 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, ACV tiếp tục ghi nhận lãi ròng hơn 800 tỷ đồng, trong đó, đóng góp nhiều nhất là tiền lãi gửi ngân hàng và chênh lệch tỷ giá. Tổng tài sản hiện tại của ACV là 56,300 tỷ đồng, như vậy khoản tiền gửi tiết kiệm nói trên chiếm hơn 50% tổng tài sản của ACV.
Mặc dù ACV có số tiền lớn gửi ngân hàng, doanh thu tài chính hàng năm đến từ lãi tiền gửi là chủ yếu nhưng hai sân bay lớn nhất nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài xuống cấp, các đường băng, đường lăn xuất hiện các hư hỏng có nguy cơ uy hiếp an toàn bay nhà nước lại không dùng số tiền nhàn rỗi này vào việc sửa chữa được do ACV đã được cổ phần hoá và phần vốn để cải tạo, nâng cấp sân bay phải từ ngân sách nhà nước.
Trước bất cập này, Bộ GTVT từng có đề xuất nhà nước mua lại cổ phần đã bán, đưa ACV trở lại thành doanh nghiệp nhà nước.
Nếu được trở về DN 100% vốn Nhà nước, ACV sẽ được giao thực hiện nhiều dự án hạ tầng hàng không, đồng thời sẽ không còn chuyện "Bộ chỉ đạo, DN chậm chễ không thực hiện" như việc thu phí xe ra vào sân bay hiện nay.
Ngày Nay tiếp tục cập nhật thông tin.