Theo Washington Post, hai hòn đảo không có người sinh sống đã là tâm điểm tranh chấp trong hàng thập kỷ qua. Chúng nằm trong góc chiến lược ở Biển Đỏ, ngay lối vào Vịnh Aqaba.
Hòn đảo từng là khu vực biên giới giữa Đế chế Ottoman và người Anh chiếm đóng Ai Cập. Năm 1967, hòn đảo thuộc quyền kiểm soát của Israel và được trao trả cho Ai Cập sau đó 15 năm nhờ Hiệp ước Trại David.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi (trái) bắt tay với Quốc vương Saudi Arabia Salman sau khi hai nước đạt thỏa thuận chuyển giao hai hòn đảo.
Nội các Ai Cập cho biết, quyết định ngày 10/4 là kết quả sau 6 năm nghiên cứu và 11 vòng đàm phán. Hai hòn đảo giờ đây nằm trong vùng biển của Saudi Arabia.
Giới quan sát nhận định, Saudi Arabia và các nước Ả RẬp khác đã chi hàng tỷ USD vào nền kinh tế Ai Cập kể từ khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ năm 2013. Nhưng chính vương quốc Saudi đang thất vọng với một nền kinh tế Ai Cập phát triển khá chậm chạp.
Như vậy, để tiếp tục đầu tư vào Ai Cập, Saudi Arabia cần một thỏa thuận có thể đem về lợi nhuận. Thỏa thuận chuyên giao hai hòn đảo diễn ra như một hệ quả tất yếu.
Trong chuyến thăm của Quốc vương Saudi Arabia đến Ai Cập hồi tuần trước, hai bên đã ký ít nhất 15 thoả thuận kinh tế, trong đó bao gồm một gói hỗ trợ phát triển ở Sinai và một thỏa thuận dầu mỏ trị giá đến 22 tỷ USD.
Tuy vậy, quyết định trên làm dấy lên không ít phản đối từ phía dân chúng Ai Cập. Họ cho rằng Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đang nhượng bộ "đầy nhục nhã" trước đồng minh.
Thỏa thuận này sẽ mở đường để Saudi Arabia xây cây cầu vượt biển, nối liền với thành phố Sharm el-Sheikh của Ai Cập.
Một số người Ai Cập viện dẫn bức ảnh địa lý trong sách giáo khoa để chứng minh hai hòn đảo thuộc về Ai Cập. Một số người khác thì nói đến đoạn quảng cáo trên truyền hình, mô tả hòn đảo là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở thành phố Sharm el-Sheikh.
Những người còn lại gợi nhớ bài phát biểu của cựu tổng thống Gamal Abdel Nasser năm 1954, nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo vệ hòn đảo đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ai Cập.
“Không cần biết tình trạng pháp lý của sự việc là như thế nào, động thái này nhìn từ bên ngoài là rất tồi tệ", Samer Shehata, giáo sư nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma cho biết.
"Vua Salman đến Ai Cập mang theo hàng tỷ USD viện trợ đầu tư, và đổi lại, họ nhận được 2 hòn đảo. Đối với nhiều người Ai Cập, hành động trên như thể tổng thống đang bán đất cho Saudi vậy”, vị giáo sư nhận định.
Không chỉ thể hiện thái độ phản đối trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân Ai Cập còn tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ tại Quảng trường Tahrir, nơi từng diễn ra các cuộc bạo loạn lật đổ tổng thống Hosni Mubarak. Ít nhất 5 người đã bị bắt giữ trong cuộc biểu tình ngày 10/4, theo quan chức Bộ Nội vụ Ai Cập.
Michael Wahid Hanna, thành viên cao cấp của Quỹ Thế kỷ tại New York nhận định, đây không phải là yếu tố mang tính nhượng bộ mà nó cho thấy Ai Cập muốn nối lại quan hệ với Saudi Arabia, trong bối cảnh hai nước đang trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây.
Đăng Nguyễn