Mạng tin châu Âu Euronews.com dẫn lời Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 8/7 nhắc lại rằng London phản đối việc triển khai bom, đạn chùm.
"Anh là một bên ký kết một công ước cấm sản xuất và sử dụng bom, đạn chùm và không khuyến khích việc sử dụng chúng", ông Sunak cho biết trong một tuyên bố với truyền thông Anh.
Ông Sunak nói thêm: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện phần việc của mình để hỗ trợ Ukraine”, đồng thời chỉ ra rằng Anh đã cung cấp cho Kiev nhiều loại vũ khí, bao gồm cả xe tăng hạng nặng và tên lửa tầm xa.
Cùng ngày hãng tin Reuters cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles nói rằng bom chùm không nên được gửi đến giúp Ukraine, một ngày sau khi Mỹ tuyên bố vũ khí này sẽ được gửi cho Kiev để hỗ trợ cuộc phản công trước các lực lượng Nga.
"Tây Ban Nha, dựa trên cam kết chắc chắn với Ukraine, cũng có cam kết chắc chắn rằng một số loại vũ khí và bom nhất định không thể được chuyển giao trong bất kỳ trường hợp nào", Bộ trưởng Margarita Robles nói với các phóng viên ở Madrid trước cuộc bầu cử ngày 23/7.
Bà Robles nêu rõ quyết định gửi bom chùm là quyết định của chính phủ Mỹ, không phải của NATO, trong đó Tây Ban Nha là thành viên.
Hôm 6/7, Mỹ đã chính thức công bố cung cấp một gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 800 triệu USD, đặc biệt bao gồm các loại đạn thông thường cải tiến đa dụng (DPICM) hoặc bom, đạn chùm.
Nhà Trắng trước đó giải thích rằng Ukraine đã cam kết giảm thiểu rủi ro khi sử dụng bom, đạn chùm và những loại mà Mỹ sẽ cung cấp sẽ gây ra rủi ro thấp hơn đáng kể cho dân thường.
Việc sử dụng bom chùm không vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng sử dụng chúng nhằm vào thường dân có thể là một hành vi vi phạm. Một công ước cấm sử dụng bom chùm đã được hơn 120 quốc gia tham gia, đồng ý không sử dụng, sản xuất, vận chuyển hoặc tàng trữ vũ khí này. Mỹ, Nga và Ukraine chưa ký thỏa thuận.