Trong một tuyên bố, Thống đốc Koster cho rằng sự linh thiêng của các ngọn núi là điều thu hút khách du lịch đến với Bali. Tuy nhiên, nếu sự linh thiêng bị tổn hại điều đó cũng đồng nghĩa với việc làm suy giảm sự thiêng liêng của thiên nhiên Bali. Ông Koster dẫn chứng các trường hợp du khách nước ngoài vi phạm sự linh thiêng của các ngọn núi ở Bali trong thời gian gần đây, bao gồm chụp ảnh khỏa thân và xả rác bừa bãi. Do vậy, chính sách mới nhằm duy trì thuần phong mỹ tục và kiến tạo ngành du lịch chất lượng.
Ngoài du khách quốc tế, lệnh cấm trên cũng được áp dụng đối với các khách du lịch trong nước khi chính quyền Bali đóng cửa hoàn toàn 22 ngọn núi linh thiêng đối với cộng đồng theo đạo Hindu bản địa. Ông Koster nhấn mạnh lệnh cấm không chỉ dành cho du khách nước ngoài mà cả khách du lịch trong nước và cư dân địa phương trừ khi có các nghi lễ tôn giáo hoặc ứng phó thảm họa và các hoạt động đặc biệt không vì mục đích du lịch.
Lệnh cấm cũng bị cho là sẽ tác động đến sinh kế của cộng đồng bản địa, đặc biệt là những người đang cung cấp các dịch vụ leo núi như các hướng dẫn viên và những người khuân vác. Chủ tịch Diễn đàn hướng dẫn viên du lịch leo núi Agung, ông I Ketut Mudiada hy vọng rằng sẽ có các quy định rõ ràng và quản lý tốt đối với du lịch leo núi. Theo ông I Ketut, hoạt động du lịch tại khu vực núi có tác động đến kinh tế của những người dân cư trú dưới chân núi, đặc biệt là núi Agung.
Lệnh cấm leo núi ở Bali được quy định trong Thông tư số 4/2023 liên quan đến khách du lịch quốc tế ở Bali. Chính sách này cũng được ban hành dựa trên 2 quy định năm 2020 của Thống đốc Bali về bảo vệ các ngôi đền, biểu tượng tôn giáo, và quản lý du lịch địa phương