Hai tuần trước, chính quyền Delhi, Ấn Độ chính thức công bố một đạo luật mới, yêu cầu cắt giảm các phương tiện cá nhân tham gia giao thông nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí tại nước này.
Cảnh sát giao thông đeo khẩu trang khi điều khiển giao thông tại Delhi.
Hôm 10/12, chủ tịch hội đồng bộ trưởng Arvind Kejriwal đã đăng một bức hình lên tài khoản Twitter của mình trong đó so sánh một lá phổi khỏe mạnh bình thường với một lá phổi bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường. Qua đó, ông muốn nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân Ấn Độ về mức độ ô nhiễm nghiêm trọng tại các đô thị ở nước này.
Hai lá phổi xuất hiện trong bức hình trên là của một người đàn ông 55 tuổi đang sống tại bang phía bắc Himachal Pradesh của Ấn Độ và một người cùng tầm tuổi đó đang sống tại Delhi, trang Mashable cho biết.
Chia sẻ của ông Arvind Kejiwal trên trang twitter cá nhân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, chất lượng không khí của thủ đô Ấn Độ thuộc diện tồi tệ nhất trên thế giới. Không khí ở Delhi có nồng độ cao các hạt vật chất độc hại, đặc biệt là hạt PM2.5.
Đây là một loại hạt có đường kính nhỏ bằng khoảng một phần tám đường kính của một sợi tóc, chúng bay lơ lửng trong không khí. Nếu thường xuyên hít phải những loại hạt này, con người sẽ bị ung thư hoặc khó thở, suy giảm chức năng phổi và dễ mắc các bệnh tim mạch.
Chính phủ Delhi đang lên kế hoạch thực hiện đóng cửa trạm nhiệt điện Badarpur tại thành phố, làm sạch các tuyến đường, trồng thêm nhiều cây xanh và không cho phép đăng ký mới các loại xe chạy bằng nhiên liệu diesel trong thành phố.
Trong nhiều ngày qua, thế giới đã chứng kiến cảnh ô nhiễm khói bụi trầm trọng tại Trung Quốc khiến chính quyền thủ đô Bắc Kinh nâng mức cảnh báo về ô nhiễm không khí lên cao nhất từ trước tới nay.
Trong một diễn biến khác, một thỏa thuận lịch sử nhằm đối phó với biến đổi khí hậu đã được 195 nước thành viên Liên Hợp Quốc thông qua tại hội nghị COP21, tổ chức tại Paris, Pháp.
Thỏa thuận này có một số điểm đáng chú ý như các nước giàu phải chi ít nhất 100 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2025 nhằm chống biến đổi khí hậu; cam kết giữ mức độ nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C tới năm 2100.
Danh Tuyên